Bà mẹ 68 tuổi làm thợ lặn nuôi con, cháu

Thứ Năm, 30/10/2008, 11:04
Năm nay bà Khai đã 68 tuổi, cái tuổi thường chỉ bồng cháu vui dưỡng tuổi già thì bà Khai vẫn một mình lặn lội thân cò, kiếm sống bên cạnh hai người con tật nguyền.

Trong tiết tháng 10 se lạnh, bên cạnh những người thợ trẻ lặn sâu xuống tìm hàu ở đầm Thị Nại, có một bà lão cũng lặn ngụp kiếm tìm sự sống trong làn nước lạnh. Đó là bà Phạm Thị Mười ở xóm Cầu Xéo, Thuận Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Người đàn bà 68 tuổi này đã có thâm niên gần 10 năm làm nghề lặn hàu. Thế nhưng đằng sau số phận của bà không chỉ có sự nghèo khổ, cùng cực mà còn cả nỗi xót xa dằng dặc.

Từ lâu, người trong xóm gọi là bà Khai, đây là tên con trai lớn của bà, chứ thực ra bà tên là Phạm Thị Mười. Bà Khai sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông, nghèo túng quanh năm. Lấy chồng từ năm 20 tuổi, bà đã sinh hạ được 10 người con. Ai cũng nghĩ có 10 người con chắc bà Khai tuổi già sẽ sướng, nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng như suy nghĩ.

Bất ngờ, năm 1984, người con gái thứ 3 tên Lê Thị Gái phát bệnh tâm thần lúc 15 tuổi. Chạy chữa từ thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc mà bệnh của con bà vẫn ngày càng nặng, từ một người tâm thần nhẹ, sau 3 năm mang bệnh, cô con gái của bà đã lên cơn là đập phá, chửi bới cả ngày. Số phận dường như vẫn không buông tha gia đình bà khi năm 1986, bà sinh đứa con gái út tên Lê Thị Thứ thì lại bị bệnh down. Sầu khổ, cùng cực rồi người chồng cũng lìa bỏ cõi đời, để lại cho bà nỗi đau trần thế đến tận bây giờ. 

Năm nay bà Khai đã 68 tuổi, cái tuổi thường chỉ bồng cháu vui dưỡng tuổi già thì bà Khai vẫn một mình lặn lội thân cò, kiếm sống bên cạnh hai người con tật nguyền.

Bà Khai và người con gái bị thiểu năng trí tuệ tên Thứ.

Bà cũng không nhớ từ bao năm rồi, bà chưa có một ngày thảnh thơi, ăn một bữa cơm trong tiếng cười vui vẻ vì hai thân phận tật nguyền, đứa thì ngơ ngẩn, đứa thì hung hăng đập phá bất cứ cái gì có thể. Người con tên Gái thấy người lạ là hét toáng lên, rồi sợ sệt, chui tọt xuống gầm giường.

Bà Khai tâm sự rằng nhiều khi cũng muốn gửi người con tâm thần vào Trung tâm để mình đỡ cực và có thời gian lo cho đứa em bị down, nhưng nghĩ đến cảnh con mình bệnh tật mà vào đấy thì bà lại không dám. Có lẽ niềm an ủi, sẻ chia cùng cực với bà là cô con gái tên Thứ, đứa con gái út bị down lại trở thành chỗ dựa cho bà khi buồn chán.

Mặc dù thiểu năng, không tự ăn uống, vệ sinh thân thể được, nhưng Thứ lại biết lo cho mẹ. Thấy mẹ đau, nằm nhà là Thứ biết đi gọi hàng xóm, đem đồ ăn về cho mẹ, vuốt ve mẹ như đứa trẻ lên ba. Những lúc như vậy, bà thầm ước, giá như cô bé không bị tật nguyền nó sẽ chăm sóc mình chu đáo biết chừng nào, chỉ nghĩ đến đó là bà lại không cầm được nước mắt.

Tám người con còn lại, tuy lành lặn và đã trưởng thành nhưng đều nghèo, chẳng đỡ đần cho mẹ bao nhiêu. Mà ngược lại, có lúc bà còn phải bao bọc đám con cháu bữa nay, bữa mai. Như anh Lê Hữu Khai (47 tuổi), người con đầu chạy xe xích lô, anh Lê Hữu Danh (37 tuổi) thì đi bạn ghe cho các chủ tàu nhưng cũng chỉ bữa có bữa không. Đặc biệt, anh Lê Hữu Dũng (31 tuổi) vì quá nghèo, bị vợ bỏ đi nên bà lại phải thêm phần vất vả vì nuôi 2 đứa cháu nội còn nhỏ.

Bà tâm sự: "Cái nghèo dường như cứ bám đuổi gia đình tôi, càng cố thoát nó càng siết chặt". Ngoại trừ 4 người con gái của bà sau khi lấy chồng và ra ở riêng thì cả gia đình gần 9 miệng ăn chỉ trông chờ vào người mẹ già ở tuổi gần thất thập cổ lai hy và người con trai kề út là anh Lê Hữu Hào (29 tuổi) làm nghề bốc vác.

Nỗi lo lớn nhất của bà Khai bây giờ chưa hẳn là đói nghèo mà chính là khi bà sức tàn lực kiệt ai sẽ thay bà chăm sóc hai người con tật nguyền, vì người con trai út đang sống với bà cũng vừa có gia đình mà cũng nghèo kiết xác.

Nghĩ vậy nên bà chỉ cầu mong trời phật cho bà sức khỏe để lo cho hai đứa con, nhưng đời người làm sao tránh khỏi sinh - lão - bệnh - tử, vì thế cái nghèo, cái đau vẫn sẽ còn bám mãi theo gia đình bà Khai mỗi lúc lại càng thấm đẫm, dằng dai

.
.
.