Người phụ nữ 30 năm làm công việc ít ai làm được

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:59

Vừa sinh con được 4 tháng, thì chị lại bắt tay trở lại với công việc. Nhiều hôm chị làm việc tới khuya mới về, nhưng khi về nhà vừa bưng bát cơm lên ăn, lại có người gọi cửa để đỡ đẻ.


Ngày 7-3, chị sẽ vinh dự có mặt tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội. Tôi hỏi: “Chị ra đó có đọc báo cáo tham luận không?”. Chị chợt giật thót mình, trải lòng thật như đếm: “Bên sở y tế có bảo chị viết gửi đi từ mấy tuần trước, nhưng chị ở nhà quê, giọng ở quê chị nghe lại cứ trùi trụi, nên chị đang sợ lắm đây!”.

Người phụ nữ tôi đang kể là chị Đoàn Thị Nhung, ở xã Vĩnh Nam bên bờ Bắc sông Bến Hải lịch sử, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Suốt 30 năm qua, chị đã làm được những việc mà ít ai có thể làm được. 

Tôi được Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị giới thiệu chị Nhung là tấm gương điển hình của tỉnh. Nghĩ chị đang bộn bề công việc ở quê, nên chiều muộn, khi ra tới Vĩnh Nam tôi mới bấm máy điện thoại gọi cho chị. “Chị vừa về nhà rồi em! Từ Trạm Y tế xã, em chạy ngược ra chỗ ngã ba đường bê-tông, rẻ phải tới một đoạn, chị ra đó đón!”, chị bảo tôi rất nhiệt tình. 

Ngôi nhà cấp bốn của gia đình chị nằm giữa xóm, trông xây dựng đã khá lâu, thấm dột nước mưa bởi chưa được tô trét, nhưng không khí trong nhà rất ấm cúng. Tôi giới thiệu với chị lý do mình tìm chị để viết bài. Chị cười hiền, bảo công việc chị làm bình thường như bao người khác. Đó không chỉ là bổn phận, mà còn là niềm hạnh phúc lớn của một người mẹ, người vợ, người con dâu và người hàng xóm khi tắt lửa tối đèn có nhau! 

Năm 1986, sau khi học tốt nghiệp Khoa nữ hộ sinh, Trường trung cấp Y Huế, chị được nhận vào làm việc tại Trạm Y tế xã Vĩnh Nam. Cùng năm đó thì chị lấy chồng, rồi năm sau thì sinh con. Công việc ở một trạm y tế xã ngày đó không phải như bây giờ, lúc nào cũng bận rộn, nhất là việc khám chữa bệnh cho người già, trẻ nhỏ thường bị ốm đau các loại bệnh thông thường như sốt, nhức đầu, sổ mũi và việc đỡ đẻ cho các chị em. 

Vừa sinh con được 4 tháng, thì chị lại bắt tay trở lại với công việc. Nhiều hôm chị làm việc tới khuya mới về, nhưng khi về nhà vừa bưng bát cơm lên ăn, lại có người gọi cửa để đỡ đẻ. Công việc chữa bệnh, cứu người ở Trạm Y tế xã bận rộn là thế, về nhà lại lo toan chuyện bếp núp cho gia đình, song chị chưa bao giờ tỏ ra mệt mõi, phàn nàn ai, ngược lại cứ cần mẫn, nhẫn nại, nhiệt tình như một chú ong xây tổ, nhả mật cho đời. 

Chị Đoàn Thị Nhung bên người mẹ Nguyễn Thị Xu. Ảnh Thanh Bình

Đến hơn chục năm sau này, đời sống kinh tế ngày một đi lên, người ở quê có điều kiện hơn để chăm sóc sức khỏe, bệnh tật cho mình. Thậm chí những ca đẻ dễ bà con cũng tìm đến những bệnh viện lớn tuyến tỉnh và Trung ương. Công việc ở Trạm Y tế xã nhờ đó giảm bớt. 

Tuy nhiên, công việc “không tên” vẫn còn rất nhiều, như phòng chống dịch bệnh, phòng chống lao, da liễu, cao huyết áp, phòng chống suy dinh dưỡng, HIV/AIDS, khám bệnh bảo hiểm y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng… “Như chị là Trạm phó, chuyên môn đỡ đẻ, song cùng anh chị em khác tham gia tất cả những phần việc này, phần vì cơ sở thiếu nhân lực, phần vì công việc chính của mình hầu như không còn nữa”, chị trải lòng. 

Công việc bận rộn suốt ngày, chồng chị là anh Lê Quang Thái làm nghề thợ mộc, tiền lương của vợ, thu nhập của chồng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi 3 đứa con ăn học, và ba mẹ chồng già yếu, bệnh tật... “Vậy mà ông trời dường như chẳng thương người hiền. Gần tết năm 2015, anh nhà chị lợp giúp nhà cho hàng xóm, không may trượt chân vào tấm bờ-rô xi-măng bị mục, khiến anh ngã từ trên mái xuống, gãy cả 2 tay, 2 chân, chấn thương xương cột sống nặng. 

Chị đưa anh vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, chữa trị hơn 2 tháng mới xuất viện. Tuy nhiên, đến giờ sau hơn 1 năm anh mới đi lại được chập chững bằng nạng”, chị ngậm ngùi cho biết. Ngoài việc chăm lo cho chồng con, chị Hương còn tận tình chăm nuôi ba mẹ chồng. 

Người cha đã mất cách đây vài năm do tuổi cao, người mẹ hiện đã 95 tuổi nằm một chỗ, ngày nào chị cũng tự tay mình bón cơm nước cho bà. Việc nhà bộn bề, khó khăn chưa hề vơi, nhưng cũng từ hơn 15 năm nay, chị đã làm thêm một việc khiến bà con xóm làng đều hết sức khâm phục! Đó là việc chị đã hết lòng giúp đỡ, chăm nom một con người không hề họ hàng, bà con thân thích với mình. 

Người được chị chăm nom là bà Nguyễn Thị Xu, nay đã 90 tuổi, có nhà cách nhà chị một con ngỏ nhỏ. Tôi hỏi chị, rằng tôi không nói đến lòng tốt của chị đối với người khác, nhưng tôi muốn hỏi tới quỹ thời gian, tới sức lực mà chị cùng một lúc đã làm được những công việc đó? 

Chị lại cười hiền, cho biết: “Bà ấy là nữ cựu thanh niên xung phong neo đơn không nơi nương tựa. Bà ấy từng có chồng, chồng bà ấy là bộ đội nhưng ngày cưới do hoàn cảnh chiến tranh mà hai người không có được đêm tân hôn. Cũng từ sau ngày cưới, bà ấy đã phải đợi chờ chồng ròng rã hơn 25 năm. Nhưng khi biết được tin chồng, thì đó là một tấm giấy báo tử, báo chồng đã hy sinh ở chiến trường miền Nam”. 

“Rằng từ sâu thẳm trong trái tim chị, chị đã luôn coi bà ấy là mẹ. Một đứa con thì cần phải chăm sóc cho mẹ mình được tốt nhất”, chị nói với tôi như vậy!

Tôi chào bà Xu ra về, sau lưng mình nắng vẫn còn đượm vàng một góc vườn. Chị Nhung vẫn ngồi ở đó, lặng lẽ chải tóc cho mẹ mình, cho bà Xu!


Thanh Bình
.
.
.