Ảo vọng của Vàng Pao sụp đổ

Thứ Sáu, 17/08/2007, 19:48
Sang Mỹ, Vàng Pao vẫn nuôi ảo tưởng chống phá Nhà nước Lào bằng việc mua vũ khí chuẩn bị chuyển về nước gây bạo loạn. Nhưng cơ quan pháp luật của Mỹ đã không “ngồi yên” trước những hành vi khủng bố này. Ngày 4/6/2007, Vàng Pao bị bắt.
>> Ma túy và sự trừng phạt

Ngay sau khi đất nước Lào được giải phóng, một tòa án đặc biệt đã được thiết lập, xử tử hình vắng mặt Vàng Pao và gần 30 tên chỉ huy khác của "Lực lượng biệt kích Mèo".

Trong khi đó, từ đất Thái Lan, Vàng Pao vẫn tiếp tục các hành động chống phá đất nước và Cách mạng Lào. Việc huấn luyện quân sự, thu thập quân lính được ông ta tiến hành ngay trong các trại tị nạn trên đất Thái và âm mưu tung những toán biệt kích này trở về gây rối, phá hoại trên đất Lào.

Chiêu bài đấu tranh của tên thổ phỉ

Sau một thời gian, Vàng Pao được chuyển từ trại tị nạn trên đất Thái sang định cư tại thành phố Missoura, bang Minnesota, Hoa Kỳ. Có khoảng 160.000 người Mèo sinh sống tại Hoa Kỳ, tập trung chủ yếu tại ba tiểu bang Minnesota, Winconsin và miền Trung California.

Những ảo vọng ngông cuồng của tên lính đánh thuê vẫn không hề tắt. Năm 1980, Vàng Pao đã thành lập và cầm đầu cái gọi là Mặt trận giải Phóng người Mèo (Neo Hom Movement) cùng một loạt những quĩ tương trợ, quĩ từ thiện khác.

Mục đích chính không ngoài ý đồ thu thập tiền bạc của cộng đồng người Mèo tại Mỹ để gửi về Lào hỗ trợ cho những toán phỉ Mèo tiếp tục hoạt động chống phá. Phần lớn tiền bạc thu gom được trong các quĩ này đều bị Vàng Pao và các thành viên trong gia đình ông ta bớt xén, ăn chặn làm của riêng, khiến cảnh sát Mỹ phải nhiều lần mở cuộc điều tra. Sự ủng hộ của người Mèo tại Mỹ đối với Vàng Pao cũng ngày càng giảm sút.

Năm 1984, quĩ "Tổ chức phát triển" của Vàng Pao đã bị tòa án buộc giải tán, bởi làm thất thoát trên 500.000 USD trên tổng số 650.000 USD đã quyên góp được. Mặt trận Neo Hom cũng nhiều lần bị điều tra, bị cấm hoạt động vì lem nhem và có nhiều dấu hiệu lừa bịp tài chính.

Năm 2004, bà Vang May, vợ Vàng Pao cùng với Vàng Chi, Cha Vang, những người con của Vàng Pao cũng bị cảnh sát hỏi thăm nhiều lần cho cùng một tội danh biển lận. Khi cảnh sát Minnesota tuyên bố là không tìm được bằng chứng để kết tội Cha Vang thì nhiều người Mèo tại bang này đã nổi giận, kéo nhau đến đốt cháy rụi nhà của tay này.

Sang năm sau (2005), đến lượt Kao La, con rể của Vàng Pao lại phải ra tòa vì biển thủ tiền trong quĩ cứu trợ dân tị nạn mà Vàng Pao là kẻ đứng đầu. Vì vi phạm luật từ thiện, quĩ này sau đó đã bị chính quyền bang đóng cửa. Dù sống ở Lào hay lưu vong tại Mỹ, bản chất thổ phỉ, thói biển lận của Vàng Pao lẫn gia đình ông ta đều không hề thay đổi.

“Chiến dịch Bỏng ngô”

Từ thập niên 1990, chính quyền Mỹ đã có chương trình hồi hương bắt buộc, đưa một số người Mèo từ Mỹ trở về Lào. Một mặt, Vàng Pao và những tên phản động ngoan cố nhất đã ra sức tuyên truyền chống phá chính sách này, kích động người Mèo gây hàng loạt cuộc biểu tình chống lại nhà nước Lào ngay trên đất Mỹ. Mặt khác, Vàng Pao âm thầm tổ chức lực lượng, mua vũ khí, chuẩn bị tung biệt kích về Lào gây bạo loạn và lật đổ chính quyền.

 Âm mưu này không hề được Mỹ tán đồng. Tháng 12/2003, đại sứ Hoa Kỳ tại Lào là ông Douglas Hartwick đã trực tiếp gặp Vàng Pao khuyến cáo ông ta nên chấm dứt ngay ý định dùng vũ lực gây bạo loạn tại Lào. Ngoài mặt, Vàng Pao tỏ ra chấp thuận, nhưng thực tế lại càng ráo riết hơn trong việc chuẩn bị âm mưu gây đổ máu.

Một kế hoạch mang tên "Chiến dịch Bỏng ngô" dài 18 trang đã được Vàng Pao chỉ đạo tên quân sư Yang Vang soạn thảo. Yang Vang là một giáo viên, có 9 vợ và 15 đứa con. Y được xem là người ưu tú nhất trong cộng đồng người Mèo lưu vong tại Mỹ.

"Chiến dịch Bỏng ngô" đề ra mục tiêu cướp chính quyền tại Lào trong vòng 90 ngày. Theo đó, Vàng Pao và đồng bọn sẽ chi ra 28 triệu USD để tuyển mộ một toán lính đánh thuê, tung chúng về Lào tiến hành hàng loạt vụ phá hoại và ám sát, tiến tới việc cắt đứt mọi ngả đường ra vào nước Lào. Đầu tiên, bọn phản loạn sẽ cho nổ sập các dinh thự, cao ốc ở thủ đô Vientiane, sau đó ám sát các tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước Lào.

Nòng cốt của đội quân đánh thuê, chúng dự định tuyển trong số những thành viên của lực lượng đặc biệt dưới quyền Vàng Pao ngày trước, cộng với những toán thám báo SEAL thuộc hải quân Mỹ. Sau những vụ phá hoại và ám sát gây rối loạn đất nước, Vàng Pao hy vọng người Mèo trong nước, những tướng lĩnh, sĩ quan trong quân đội Lào sẽ đồng loạt nổi dậy ủng hộ, tạo thành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Một lượng lớn vũ khí, đạn dược sẽ được Vàng Pao và đồng bọn mua sắm tại Mỹ chở về Thái Lan, từ đó chuyển về nước cung cấp cho những toán quân phản loạn.

Kế hoạch này được tán đồng và ủng hộ nhiệt liệt của một người Mỹ có đầu óc phiêu lưu không kém tên là Harisson Ulrick Jack. Năm 1968, khi Vàng Pao đã mang quân hàm tướng và đang vẫy vùng trong những cuộc phiêu lưu đẫm máu trên Cánh Đồng Chum và vùng Đông Bắc Lào thì Jack vẫn còn mài đũng quần trên ghế trường võ bị West Point của Hoa Kỳ. Tốt nghiệp, Jack được gửi sang Việt Nam tham chiến.

Năm 1977, Jack giải ngũ, gia nhập lực lượng vệ binh quốc gia Hoa Kỳ, mới về hưu với quân hàm trung tá. Nhiệm vụ của Jack trong "Chiến dịch Bỏng ngô" là tìm kiếm và mua giúp Vàng Pao các loại vũ khí cần thiết, cũng như tìm, vận động những người nhái của SEAL tham gia chiến dịch này.

Một ngân quĩ 9,8 triệu USD đã được những tên ngông cuồng dự định chi ra để mua súng AK, súng chống tăng và tên lửa vác vai Stinger chuyển về Lào. Theo dự kiến, chuyến hàng vũ khí đầu tiên sẽ được chuyển về Băng Cốc, Thái Lan vào ngày 11/6/2007.

Rất ngông cuồng trong tham vọng nhưng lại quá ngây thơ trong việc nhận định tình hình chính trị, Vàng Pao và đồng bọn không hề tính đến chuyện một quốc gia có chủ quyền như Thái Lan sẽ không bao giờ đồng ý để cho một nhóm bạo loạn mượn lãnh thổ đất nước của họ để vận chuyển vũ khí tiến hành khủng bố. Càng điên rồ hơn nữa khi chúng vẫn chắc mẩm những hành động tội ác của mình sẽ được các lực lượng trong nước ủng hộ.

Tất cả những âm mưu này đã cấu thành tội phạm, vi phạm "Luật trung lập" của luật pháp Hoa Kỳ. Từ tháng 2/2007, Cơ quan quản lý thuốc nổ-vũ khí-thuốc lá-rượu của Hoa Kỳ (ATF) đã tiến hành một chiến dịch mang tên "Phượng hoàng bẩn thỉu", đặt nhóm phản loạn Vàng Pao vào tầm ngắm.

Một đặc vụ của ATF đã đóng giả vai lái súng tiếp xúc với Vàng Pao và Jack, thỏa thuận việc cung cấp vũ khí. Tất cả những cuộc trao đổi, nói chuyện trực tiếp hay qua điện thoại đều bị ghi âm. Mọi hành vi, động thái đều bị theo dõi.

Khi đã có đủ bằng chứng, ngày 4/6/2007, ATF đã tiến hành bắt giữ Vàng Pao và khám nhà y tại thành phố Wesminster, bang California. Cùng thời điểm đó, 200 đặc vụ khác cũng đồng loạt ra quân ở nhiều địa điểm khác. Jack, Yang Vang và thêm 8 đối tượng khác đã lần lượt tra tay vào còng chờ ngày ra hầu tòa.

Dấu chấm hết cho một thây ma lịch sử

Việc Vàng Pao bị bắt đã gây một sự chia rẽ lớn trong đời sống tinh thần của cộng đồng Mèo lưu vong tại Mỹ. Một bộ phận nhỏ những người lớn tuổi, xuất thân là lính biệt kích, học vấn thấp, không hòa nhập được đời sống Mỹ vẫn cố bám víu, cố giữ niềm tin vào những lời hứa hẹn của Vàng Pao. Họ vẫn ảo tưởng về một ngày trở lại đất nước, trở lại thời vàng son, thay cho cuộc sống lạc lõng, cô đơn ở xứ người. Vài vụ biểu tình lẻ tẻ đòi trả tự do cho Vàng Pao và đồng bọn đã nổ ra.

Trong khi đó, đại đa số những người Mèo khác, nhất là tầng lớp thanh niên được học hành đầy đủ thì những hành vi ngông cuồng, hiếu chiến của Vàng Pao chỉ là một sự phá hoại đối với đời sống của họ. Họ không quan tâm đến mục tiêu, lý tưởng... viển vông, xa lạ của kẻ nuôi tham vọng làm bạo chúa chính là nguy cơ đe dọa đời sống an lành của họ, cần phải được ngăn chặn và trừng trị. Vàng Pao có bị kết tội hay không, đối với họ cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Số phận chính trị của Vàng Pao đã cáo chung ngay trong lòng tuyệt đại đa số đồng bào của ông ta. Bởi lẽ, dù sống trên quê hương Lào hay định cư ở nơi xa xôi trên đất Mỹ, người Mèo cũng như bao dân tộc khác cũng chỉ cần một đời sống yên lành, hạnh phúc chứ không cần đến những ảo vọng quyền lực hay bom rơi đạn nổ

.
.
.