Ảo mộng đổi đời và những nỗi đau

Thứ Ba, 30/04/2019, 09:45
Nhiều năm nay, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê đã lan đến từng nhà, từng ngõ xóm ở các vùng quê. Tuy nhiên, có 1 thực tế đáng buồn đó là số người biến giấc mơ đổi đời thành hiện thực chưa thấy, mà chỉ có nhiều người đã “vỡ mộng” bởi cuộc sống mới không như họ mong chờ.

Thế nhưng số người vượt biên trái phép hàng năm vẫn không ngừng gia tăng, kéo theo hàng loạt những hệ lụy đau lòng. Nhiều người trong số họ bị bắt, bị giam và trở về với 2 bàn tay trắng.

Tan vỡ những giấc mộng đổi đời

Ngày 25-6-2018, anh Dương Văn Thạch, ở thôn Địa Cát, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cùng với 3 người khác trú tại xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm sang Trung Quốc lao động. Vượt biên bằng đường mòn sang Trung Quốc, cả nhóm được làm việc tại một xưởng sản xuất bát đĩa. 

Theo thỏa thuận với chủ cơ sở này, tiền công mỗi người khoảng từ 2.000 đến 2.400 nhân dân tệ một tháng. Nhưng chủ không trả lương theo tháng, mà để dồn và giữ lại. 

Làm được khoảng 3 tháng, Thạch và 1 người bạn bị cơ quan Công an huyện Nam An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc bắt giam với lý do không có giấy tờ xuất nhập cảnh. Sau đó anh bị chuyển đến giam tại Biên phòng Bằng Tường, gần 1 tháng sau thì được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn. 

Anh Thạch cho biết được người khác giới thiệu sang Trung Quốc làm thuê ở xưởng giầy, nhưng sang bên kia lại được sắp xếp đi làm ở xưởng bát đĩa. Anh với 2 người bạn đi cùng làm chung xưởng nhưng khác bộ phận nên không hay gặp nhau. 

Làm 1 ngày 12 tiếng, khi bị lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt giam, chủ xưởng cũng không trả tiền công lao động nữa. Giờ anh cũng chỉ mong sao về quê tìm một công việc gì đó để làm, không mạo hiểm sang Trung Quốc làm thuê nữa.

Anh Thạch (người ngồi giữa) chưa hết bàng hoàng khi kể lại những ngày bị bắt giam tại Trung Quốc.

Bà Trịnh Thị Gương, (SN 1966, trú tại thôn Đon Quản, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là một người xuất cảnh trái phép nhưng may mắn mới được trở về địa phương. 

Bà cho biết vì hoàn cảnh khó khăn, sau Tết công việc nông nhàn nên đã nghe lời dụ dỗ của một người cùng thôn về một công việc nhàn hạ, lương cao nơi xứ người. Ngày 14-2-2019, bà cùng với 1 số người khác trong thôn đến cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. 

Tại đây, bà phải nộp lệ phí 1,2 triệu đồng để được đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau đó, bà được đưa vào làm việc tại rất nhiều cơ sở khác nhau và không được trả tiền công.

Bị đối xử tệ bạc, lao động cực nhọc trong những môi trường độc hại, thậm chí còn suýt bị bán làm vợ 1 người đàn ông bản địa, bà đã nhận ra bộ mặt thật sau những hào quang mà người phụ nữ cùng thôn vẽ ra về cuộc sống đổi đời nơi đất khách... 

Bà may mắn liên lạc được với người thân, nhờ vay mượn  số tiền 25 triệu đồng để lo chi phí và làm thủ tục đưa bà về... Tiền mất, tật mang, nhưng như vậy đã là may mắn hơn những người khác. Sau hơn 1 tháng nơi đất khách quê người, bà đã được trở về quê hương.

Những hệ lụy buồn

Xuất cảnh lao động là một nhu cầu thực tế của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua, thế nhưng xuất cảnh trái phép những trường hợp này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gặp rất nhiều rủi ro, đơn cử như ảnh hưởng đến sức khỏe, thiệt hại về kinh tế, và thậm chí là đánh đổi cả mạng sống của mình.

Căn lán được dựng tạm nhưng là nơi ở, sinh hoạt của 4 người con của anh Sằm Văn Vử, (SN 1977), là nạn nhân vừa bị thiệt mạng trong khi đang đi làm thuê ở Trung Quốc. Trước đây, gia đình anh Vử sống tại khu tái định cư Phiêng Luông, xã Công Bằng, do cuộc sống khó khăn nên cả gia đình lại quay về thôn Ta Đào, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm để làm kinh tế. 

Nghe nói sang Trung Quốc làm thuê sẽ kiếm được nhiều tiền, đầu năm 2019, anh Vử tự đi sang Trung Quốc làm thuê với công việc phát đồi cây. Ngày 28-3-2019, anh Vử quay về biên giới để đóng dấu thông hành tiếp tục sang Trung Quốc làm thuê, đến 12h đêm thì anh bị chết mà chưa rõ nguyên nhân.

Vợ anh Vử đi làm thuê ở biên giới, nhưng vì bệnh tật, không có sức khỏe nên hầu như không thể lao động thường xuyên, 2 con gái lớn lấy chồng xa, cuộc sống của 4 người con hiện tại gặp rất nhiều khó khăn. Đang trong độ tuổi đi học nhưng những người con của anh Vử không ai được tới trường. 

Anh Sằm Văn Kính (thôn Ta Đào, xã Cao Tân) em trai của anh Vử, cho biết: “Hoàn cảnh khó khăn, nhà đông con, anh tôi sang Trung Quốc, mỗi lần đi có cả chị dâu cùng đi. 

Đợt sau anh lại đi 1 mình, đi được 1 tháng định về nhưng nghe anh điện về bảo họ chưa trả hết nên phải qua làm tháng nữa, quay lại đóng sổ thông hành xong đi làm tiếp. Sau đấy thấy chị môi giới gọi về bảo anh ấy chết rồi, cả nhà không tin. Bây giờ các cháu ở nhà làm nương làm rẫy, các bác, các chú thỉnh thoảng giúp thôi”.

Bà Trịnh Thị Gương là một người xuất cảnh trái phép nhưng may mắn được trở về địa phương.

Xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, dưới hình thức nào cũng đều là lao động bất hợp pháp. Trường hợp của nạn nhân Sằm Văn Vử, có sử dụng giấy thông hành để xuất cảnh sang Trung Quốc lao động, nhưng khi xảy ra rủi ro, việc giải quyết hậu quả rất khó khăn cho cả cơ quan quản lý và gia đình nạn nhân. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 777 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Riêng huyện Bạch Thông trong 3 tháng đầu năm 2019, có 25 trường hợp sang Trung Quốc lao động trái phép, gần 60 trường hợp vắng mặt tại địa phương nghi là xuất cảnh lao động trái phép. 

Theo ông Đinh Quang Cảm, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, trong 2 năm trở lại đây, có một số trường hợp sang bên Trung Quốc lao động thời vụ, xuất phát từ nguyên nhân kinh tế khó khăn, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi lao động nghe thông tin truyền tai nhau... 

Đối với địa phương, thực hiện công tác quản lý về nhân hộ khẩu trên địa bàn, trên cơ sở các nguồn tin... đã chỉ đạo lực lượng Công an xã, cán bộ tư pháp, phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền rộng rãi, khuyến cáo người dân không nên tin và nghe theo những lời đường mật sang Trung Quốc làm việc nhẹ, thu nhập cao, nhất là các đối tượng trong độ tuổi lao động...

Phần lớn số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động do thiếu việc làm, nhiều trường hợp còn thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc bị các đối tượng môi giới, lừa đảo đưa sang lao động trái phép ở Trung Quốc. Chi phí cho việc xuất cảnh trái phép này khá thấp, giá chỉ từ 3-5 triệu đồng, người lao động có thể trả ngay hoặc sẽ trừ vào tiền công lao động tại các công ty ở Trung Quốc. 

Những người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động chủ yếu làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân với quy mô sản xuất nhỏ như các xưởng sản xuất đồ chơi, thu hoạch mía, chuối...

Tuy nhiên trong thực tế, điều kiện lao động tại các cơ sở hấu hết không đảm bảo, người lao động bị bóc lột sức lao động hết sức nặng nề, không được chăm sóc sức khỏe, bị đối xử hà khắc… khiến nhiều người kiệt sức, bên cạnh đó luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng nước sở tại.

Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương  thành lập các tổ công tác đến địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời xử lý các đối tượng rủ rê, lôi kéo và tổ chức đưa người đi xuất cảnh trái phép. 

Đầu năm 2019, cơ quan Công an đã phát hiện 2 vụ, 2 đối tượng có hành vi môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, hiện nay đang tiếp tục điều tra để đưa các đối tượng xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu chuyện xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê không chỉ xảy ra ở địa bàn tỉnh Bắc Kạn mà ở hầu hết nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc… Tiền mất, tật mang là kết quả mà ai cũng dễ nhận thấy, vậy mà nhiều người vẫn đánh cược số phận của mình để phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường, phải chăng đó là sự lựa chọn mưu sinh quá đắt đỏ???

N.Ánh – Đ.Thuần
.
.
.