Anh hùng “thân vỡ”

Thứ Bảy, 04/06/2005, 11:50

25 tuổi, Thiếu úy Đặng Minh Chức đã cùng với đồng đội hạ hàng loạt máy bay địch trong cuộc ném bom phá hoại miền Bắc. Hai năm sau, với thành tích ấy, ông được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT.

Ông quan niệm về danh hiệu như thế này: "Anh hùng là từ lịch sử, từ đất nước anh hùng, còn cá nhân chỉ là một biểu tượng. Đừng cho rằng đó là một cái gì lớn lao hay món nợ để mà đền đáp, mà món nợ chính là cuộc đời, sống làm sao cho xứng đáng thì anh hùng hay không anh hùng cũng chẳng khác gì nhau".

Sát thủ máy bay địch

"Tôi nghĩ, thành tích của tôi bùng lên một lúc vào năm 1967, khi cùng đồng đội bắn rơi 22 máy bay phản lực của Mỹ ở Hải Phòng với vai trò là một sĩ quan điều khiển tên lửa thuộc Tiểu đoàn 73, Trung đoàn 285. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, tôi cùng anh em chỉ hạ thêm được 9 chiếc, trong đó có một chiếc B52. Cũng chẳng có gì để nói nhiều, phải không?".

Thì đấy là ông nói. Nhưng với đồng đội ông, trong đó có người cũng được tuyên dương danh hiệu như ông lại cho rằng "cái anh hùng của anh Chức bắt đầu là sự mưu trí, sau đó mới là sự dũng cảm". Dẫu biết máy bay địch ồ ạt đến, nhiệm vụ của người lính phòng không là hạ máy bay càng nhiều càng tốt, nhưng ông nghĩ rằng, cũng là bắn rơi máy bay nhưng nếu tập trung vào những máy bay mang bom thì giá trị hơn là những máy bay nghi binh hay trạm kích.

Ông đã phân tích những khó khăn phải đối mặt: máy bay ném bom thường bay dày đặc và bản thân mỗi chiếc máy bay đều có máy gây nhiễu, khả năng phân biệt tín hiệu mục tiêu để thống nhất bám sát giữa 3 trắc thủ (góc tà, phương vị, cự li) và bởi máy bay bay sát nhau nên khó bám sát một lúc được cả 3 trắc thủ.

Bên cạnh đó, địch phát hiện được sóng ra đa điều khiển tên lửa của ta, chúng sẽ phóng tên lửa có điều khiển trở lại vào cánh sóng điều khiển của ta, nên bắt buộc thời gian bắt đầu phát sóng cho đến khi tên lửa bay khỏi bệ, địch không thể phát hiện được, vì thế mà cần thiết phải đánh nhanh có chuẩn bị. Điều bắt buộc nữa phải đánh nhanh là khi tốp máy bay chế áp của địch đã ở trên đầu thì sự an toàn trận địa tên lửa của ta bị đe dọa nghiêm trọng bởi vì với đội hình bay của địch, đội hình chế áp chỉ cách đội hình ném bom chừng 10-15km.

Anh hùng Đặng Minh Chức và vợ.

Bên cạnh những khó khăn như trên, ông cũng thấy được các điểm hạn chế của địch: khi một chiếc máy bay trong đội hình ném bom bị hạ, những chiếc xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng vì chúng bay gần nhau và đương nhiên là đường bay của chúng sẽ mất ổn định, nên hiệu suất đánh trúng sẽ giảm; địch thường bay với đội hình ổn định nên tính cơ động rất hạn chế, vì thế mà tên lửa của ta bay lên cũng rất dễ trúng đích.

Sau khi báo cáo kế hoạch chiến đấu, cấp trên đồng ý và cho vận dụng cách đánh ngay, và câu trả lời của hiệu quả là 22 chiếc máy bay địch trên bầu trời Hải Phòng năm 1967. Năm 1969, ông vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT.

Hơn 30 năm vẫn còn áy náy…

Ông bảo rằng, ông là người không dễ quên, và hơn 30 năm qua, danh hiệu anh hùng là thành công, là niềm vui trong suốt cuộc đời chiến đấu, thì cũng chừng ấy thời gian, ông vẫn còn chôn chặt một chuyện buồn chưa chia sẻ.

"Năm 1968, khi địch ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, chúng tập trung vào các nút giao thông huyết mạch của miền Trung, đơn vị của tôi cũng nhận lệnh vào chiến đấu trong đó. Cuộc hành quân rất chật vật, đường bị bom địch cày xới nên chúng tôi phải đi đêm, vào đến nơi gặp mưa, khí tài hỏng hóc mà vật tư kỹ thuật lại mang không đầy đủ nên phải cử người ra Hà Nội để xin. Khi chúng tôi tiến hành sửa chữa khí tài thì bị địch phát hiện. Chúng tôi phát hiện 2 chiếc máy bay địch và một dấu hiệu tên lửa địch phóng ngược trở lại. Tôi dùng ngón tay chỉ lên màn góc tà để đồng chí Đại đội trưởng ngồi sau lưng nhìn thấy. Tên lửa địch hạ xuống thấp hơn 3 độ, và theo kinh nghiệm chiến đấu ở miền Bắc thì nó sẽ ở xa trận địa của ta. Tôi cho phóng tên lửa tiêu diệt máy bay địch. Tên lửa địch vẫn hạ thấp độ cao. Tôi hô cự li 10 cho trắc thủ tập trung và tiếp tục theo dõi tên lửa của phía ta. 7 rồi 5 và "rầm!", điện tắt phụt, đơn vị bị đánh và thương vong. Tôi ngớ người ra và cứ ngỡ có tốp địch phát hiện nhưng không phải vậy mà qua anh em trinh sát được biết, đấy chính là quả tên lửa của địch phóng ngược trở lại. Địch phóng tên lửa chéo theo cánh sóng chứ không phải như thời ở miền Bắc".

Hôm ấy, đơn vị ông hy sinh một đồng chí và một đồng chí lái xe chờ ở ngoài cũng bị tai bay vạ gió mà hy sinh, 7 đồng chí bị thương và khí tài bị hỏng nặng, lại không hạ được máy bay địch. "Lỗi là do tôi, phần nôn nóng muốn đánh, phần quá kinh nghiệm chủ nghĩa. Nếu như bản thân mình sành sỏi, vừa điều khiển, vừa đừng bỏ theo dõi địch thì vẫn có thể xử lý được. Tôi nghĩ, cái giá đó quá đắt, và từ đó đến nay, mỗi lần nghĩ đến tôi không thể yên lòng được. Dù 37 năm, tôi vẫn muốn gửi tới đồng đội lời xin lỗi…".

Cây thân vỡ…

Dù là một người có sở thích chơi cây cảnh nhưng trước hiên nhà ông chỉ có dăm ba cây cảnh, trong đó có đến 2 cây… thân vỡ. Đây là một trong những loại cây được xếp vào thú chơi cây, bởi nhìn cây đó, ta có thể nghĩ tới một sức sống mãnh liệt. Một loại cây lá vẫn xanh um tùm trên một thân cây mục nát, đã có lần ông ví mình với nó, bởi bên trong dáng vẻ tươi vui bên ngoài và khát vọng sống mãnh liệt của ông là một cơ thể đang ngày ngày phải chèo chống với bệnh tật. "Tôi phải nghỉ hưu ở tuổi 51 vì một căn bệnh hiểm nghèo tưởng không qua khỏi, bệnh ép xe gan".

Từ khi nghỉ hưu cho tới nay đã được 12 năm thì cũng là 12 năm ông khổ sở với bệnh tật. Ông bị chứng rối loạn tiền đình. Gan thì độ xơ càng ngày càng nhiều. Năm 2001, ông bị chảy máu dạ dày phải đi cấp cứu. Đã vậy, thận lại còn bị sỏi, mật bị tắc đường tiểu quản và huyết áp cao.

Ông bảo, ông nhận được quá nhiều ưu ái của cuộc đời nên bao giờ cũng cảm giác mình mắc nợ chính cuộc đời bởi vì bệnh tật, ông "bỏ cuộc" quá sớm. Bố mất khi ông còn quá nhỏ, nhà có 3 anh em, sau đó người anh cả đưa mẹ lên Hà Nội phụng dưỡng, một mình ông ở quê. 18 tuổi, ông quyết định nhập ngũ. Vào đời lính được sống trong vòng tay thương yêu của đồng chí, đồng đội, lại được đi học rồi được tặng thưởng danh hiệu cao quý, và may mắn nhất lại là người còn sống từ cuộc chiến trở về.

Bây giờ bên ông lúc nào cũng có người vợ tảo tần lo lắng và hai cô con gái thành đạt. Bà là cô văn công hải quân ngày xưa ông gặp trong một lần về đơn vị ông biểu diễn và hai người từng "đuổi bắt" nhau trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ bởi bao lần chồng tranh thủ thăm vợ thì đoàn văn công đã vào Quảng Trị hay ra đảo biểu diễn, và vợ đến thăm chồng thì đơn vị chuyển địa bàn chiến đấu. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc đã đưa họ cùng đi trên một chặng hành trình mới với sự sống của ông cho đến hôm nay

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.