Anh hùng Sơn Ton, người con của dân tộc Khmer

Thứ Ba, 05/04/2005, 09:56

Anh hùng Quân đội Sơn Ton sinh năm 1933 tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh) trong một gia đình nông dân nghèo. Thuở nhỏ, ông vừa đi làm thuê vừa hoạt động cách mạng tại xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay là huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng).

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông tham gia công tác canh gác, phá đường cản quân địch kéo đến phum sóc bắn phá, đốt nhà cửa. Vì lòng dũng cảm, yêu nước và căm thù giặc nên ông đã khai sinh tăng thêm ba tuổi để sớm được tham gia đội du kích. Nhiều cơ sở cách mạng và tổ đội du kích được ông xây dựng, phát triển thành phong trào chiến tranh du kích trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đầu năm 1952, địch thường xuyên đưa cấp tiểu đoàn vào xã càn quét, có máy bay bắn phá yểm trợ, đội du kích xã chỉ còn ông và một cán bộ nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Cuối năm đó, địch tiếp tục kéo đến càn quét, ông tổ chức gài lựu đạn rồi dụ chúng lọt vào tiêu diệt nhiều tên, đồng bào vô cùng phấn khởi nên phong trào du kích xã mạnh lên. Từ đó, ông tổ chức được 15 trung đội dân quân và 15 tiểu đội du kích thường xuyên tập luyện sẵn sàng đánh địch.

Năm 1953, ông được cử lên đội du kích tập trung của huyện Long Phú để xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng. Chỉ trong vòng hơn 7 tháng, đơn vị của ông đã tiêu diệt 67 tên địch và bắt sống 100 tên, vận động nhiều binh lính trở về với nhân dân, hàng chục thanh niên trong phum sóc tòng quân diệt giặc. Do có nhiều thành tích chiến đấu dũng cảm, ông được bầu là Chiến sĩ thi đua giết giặc lập công của Phân liên khu miền Tây Nam Bộ năm 1953, được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì và Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.

Năm 1954, ông được phân công theo đoàn 12 chiến sĩ thi đua của miền Nam tập kết ra Bắc. Ông được điều động lên Sơn Tây học tập đội hình duyệt binh để chuẩn bị đón Trung ương Đảng về Thủ đô Hà Nội. Năm 1955, ông là Tiểu đội trưởng đặc công thuộc Trung đoàn 3 bộ đội miền Tây Nam Bộ và vinh dự được kết nạp Đảng. Tháng 8/1955, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng Quân đội (nay là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) vì đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Vinh dự nhất là trong dịp tham dự Đại hội Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1955, ông được gặp Bác Hồ trong buổi thảo luận tổ, trong tổ còn có Anh hùng Núp là người dân tộc Bana quê ở Tây nguyên. Ông xúc động kể lại: "Khi nghe Bác hỏi, trong đợt tuyên dương Anh hùng vừa rồi có một cháu là người Khmer Nam Bộ, thì tôi đứng nghiêm và nói: "Dạ thưa Bác, chính cháu là người dân tộc Khmer ở Nam Bộ". Bác hỏi thăm từ cái ăn, cái mặc cho đến sinh hoạt học tập, rồi quay sang hỏi các anh em dân tộc thiểu số trong tổ có hiểu hết từ ngữ của những vấn đề đang thảo luận không… Qua Đại hội này tôi lại càng tin tưởng rằng với sự cố gắng của mọi người và toàn dân ủng hộ, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Sau hai năm học tập tại Trường Lục quân (khóa 10), năm 1958, ông được điều động về Sư đoàn 338 đóng tại Xuân Mai (Hà Đông) với cấp bậc Thiếu úy, giữ chức Trung đội phó thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, có nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội chính quy, rồi chuyển sang làm công tác huấn luyện bộ đội đi B phục vụ chiến trường miền Nam.

Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, Anh hùng Sơn Ton được điều về Quân khu 9 phụ trách Phó ban Chính sách của Tỉnh đội Hậu Giang. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông được phân công làm trợ lý chính sách cho Đoàn 978 của Quân khu 9 tình nguyện sang Campuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.

Cuối năm 1980, ông trở về đơn vị cũ thuộc Tỉnh đội Hậu Giang, ba năm sau, ông về hưu với cấp bậc Trung tá. Tại nơi cư trú, có thời gian ông là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh khu vực 3, phường An Hội, quận Ninh Kiều (Tp. Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ), nhiệt tình giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống.

Vợ ông cũng là một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1963, bà Nguyễn Thị Kim Lê tốt nghiệp bác sĩ Trường Đại học Y Hà Nội, bà đã cùng ông trở về Nam công tác sau ngày thống nhất đất nước... Do căn bệnh cao huyết áp, bà đã qua đời vào năm 1990 khi đương chức Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang. Lúc đó ba con còn nhỏ, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng ông quyết tâm chăm lo nuôi dưỡng các con học hành nên người. Bây giờ, ba người con của ông đều trưởng thành, đã lập gia đình và có công việc làm ổn định

Đức Giang
.
.
.