Anh hùng Nguyễn Xuân Giang với 105 trận đánh

Thứ Sáu, 27/05/2005, 15:13

Năm nay 63 tuổi nhưng đại tá Nguyễn Xuân Giang ở làng Tân Thịnh, xã Tân Thuỷ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn ít đổi thay. Ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời chiến với 105 trận đánh mà ông đã tỉ mẩn ghi lại trong cuốn nhật ký chiến trường. Với những chiến công xuất sắc của mình, ông đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Cha ông là một du kích bị giặc bắt chôn sống vì trong một trận chống càn, đã dùng lựu đạn đập vỡ cằm một tên quan tư Pháp. Mang nặng thù nhà, năm 1960, ông nhập ngũ, được phiên vào lực lượng công an vũ trang nhân dân về làm nhiệm vụ trong “Khu liên hiệp quân sự” ở hai bờ Bắc - Nam sông Bến Hải. Một năm sau, ông được Bộ Công an điều động sang Lào, làm nhiệm vụ quốc tế. Năm 1962, ông về nước và được đi học ở Trường Đặc công Sơn Tây. Có bản lĩnh, cốt cách, sau 13 tháng đào tạo, tổ chức điều ông vào chiến trường Quảng Trị, sung vào Đoàn 45 anh hùng, có mật danh “Đại bàng” chuyên “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” mà quân thù khi nghe tin đã khiếp sợ.

Mọi tên làng, con đường, ngõ phố ở Quảng Trị, ông thuộc làu làu như lòng bàn tay. Chiến công mở đầu cuộc đời đặc công của ông là bắt sống tên Trần Côi, Trưởng đoàn Bình Định của ngụy tại Hướng Hóa cuối năm 1964, cuộc đột nhập giữa ban ngày tiêu diệt vợ chồng gián điệp lai Tây ở Vực Thúi. Có lẽ chiến công vang dội nhất, ý nghĩa nhất của ông là việc tiêu diệt tên phản động Nguyễn Thanh Tụng.

Tụng là tên phản bội nhân dân, là Phó quận trưởng, Bí thư Đảng “Đại Việt” huyện Hải Lăng. Hắn ra tay giết hại bao đảng viên, cán bộ đồng bào yêu nước của ta. Bàn tay man rợ của hắn vấy máu, cả người vợ của mình, chỉ vì chị có một người em ruột đang là sĩ quan quân đội ở miền Bắc XHCN. Tụng được bảo vệ rất cẩn mật, đến nỗi ngày làm việc ở huyện đường, tối được lính thủy cho canô chở ra ngủ trên tàu đậu trên biển. Đi đâu, ở đâu hắn cũng có lính tráng bảo vệ cẩn mật. Suốt hai tháng trời trinh sát và lên một số phương án tác chiến, cuối cùng ông được cấp trên giao toàn quyền thực thi nhiệm vụ với phương châm “hiệu quả, ít thiệt hại”.

8 giờ, ngày 8/6/1966, trong vai thiếu úy bảo an, cùng hai đồng chí khác, đeo lon trung sĩ ngụy, ông ngang nhiên đi vào sở đường của Nguyễn Thanh Tụng. Bằng thủ thuật tâm lý, tổ biệt động đuổi được tên lính gác cổng để một người thay vào vị trí của nó; đồng chí còn lại chạy ra chặn cửa sau, phòng khi nó tẩu thoát. Ông đĩnh đạc mở cửa bước vào. Thấy “thiếu úy bảo an”, Nguyễn Thanh Tụng nhếch mép cười, toan đưa tay bắt. Ông rút súng, chĩa thẳng vào mặt hắn, cất giọng đanh gọn:
- Nguyễn Thanh Tụng, tên phản bội, giơ tay lên!
Tụng ngơ ngác nhưng hắn ý thức được ngay cái kết cục sẽ đến nên từ từ đứng dậy, giơ hai tay lên cao, song lấm lét, tìm cơ hội xuất một thế võ. Để tránh đạn cho mấy tên hào lý đang ngồi ở phía sau, chờ hắn làm việc, ông dõng dạc ra lệnh:
- Bước sang phải hai bước!
Tụng thực hiện theo lệnh ông và định nhảy song phi, đá văng súng đối thủ. Nhưng ông đã nhanh hơn, kéo cò súng. Nguyễn Thanh Tụng ngã vật xuống. Vớ luôn chiếc cặp da của hắn đặt trên bàn, ông bình tĩnh bước ra ngoài. Bọn hào lý hoảng hốt nhưng không dám la lối. Khi toàn đội đã rút êm xuống thuyền, chèo nhanh về căn cứ thì bọn chúng mới bắn súng, khua kèn, thổi còi, báo động inh ỏi.

Với tài liệu  “Mật” trong chiếc cặp da của Nguyễn Thanh Tụng, ta bắt gọn toàn bộ mạng lưới mật vụ của địch cài trong hàng ngũ cơ sở cách mạng ở huyện Hải Lăng và nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Trị. Với chiến công này, ông được tặng Huân chương Chiến công của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau hơn 2 tháng điều tra, địch phát lệnh truy nã ông trên toàn miền Nam (nhưng không có ảnh kèm) với giải thưởng 3 triệu đồng tiền ngụy (giá vàng lúc bấy giờ là 25 đồng/chỉ). Nhưng làm sao chúng có thể bắt được ông khi có người dân yêu nước Quảng Trị là bức tường thành che chở. Để thuận lợi trong tuyên truyền, Bộ Chỉ huy Mặt trận Quảng Trị yêu cầu ông đổi tên. Hà là tên vợ ông, ông ghép thêm chữ Việt phía trước. Cái tên “Việt Hà” có từ bấy giờ và theo ông cho đến tận hôm nay.

Tôi được ông cho xem cuốn “Nhật ký chiến trường”, ghi chép 105 trận đánh mà ông đã tham gia. Diễn biến, kết quả, ai mất, ai còn trong các trận đánh, ông đều ghi rõ cả. Tôi thấy mắt ông rớm lệ khi nhắc đến những đồng chí hy sinh. Tôi thấy mắt ông sáng lên khi dừng lại ở trang ghi trận đánh đột nhập sào huyệt tên Việt gian Tôn Thất Phong, Trưởng khu huấn luyện lính ngụy ở Thạch Môn giữa lòng thị xã Quảng Trị.

Ông kể, đó là vào lúc 3 giờ chiều ngày 1/5/1971, ông đóng vai đại úy thủy quân lục chiến cùng hai chiến sĩ đặc công khác, một đóng vai hạ sĩ lái xe, một đóng vai trung sĩ cận vệ với nhiệm vụ ghi trong “Công vụ lệnh” là đi truy bắt lính đào ngũ do Sư trưởng Mai Lĩnh ký. Tôn Thất Phong là một tên phản động chống Cộng khét tiếng, đã gây nhiều nợ máu.

Khi gặp Tôn Thất Phong, “Đại úy thủy quân lục chiến” Việt Hà mắt nhìn xoáy vào mặt hắn và lệnh mời tất cả chỉ huy khu huấn luyện lên xe gấp về báo cáo với Sư trưởng về việc để lính đảo ngũ. Ban đầu, Phong chối bỏ, rồi chuyển sang thái độ nhũn nhặn rằng “chiều rồi, có gì qua đêm ở đây, có em út phục vụ, sáng mai hãy hay, thưa đại úy!”. Nhưng, ông kiên quyết bắt Tôn Thất Phong phải lên xe cùng Nguyễn Tôn, Trung úy bảo an, Lê Chức, Trung úy an ninh cùng 4 nhân viên hành chính khác đang có mặt tại đó.

Khi qua khỏi ngã ba Long Hưng, ông cho dừng xe, đọc cáo trạng và xử tử hình tại chỗ tên Tôn Thất Phong. Nguyễn Tôn, Lê Chức toan chống lại cũng bị tiêu diệt luôn. Bốn nhân viên hành chính còn lại, sau khi nghe những lời giáo huấn, được ông tha. Họ lạy như tế sao vì được hưởng lượng khoan hồng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Với những chiến công xuất sắc trong 15 năm làm chiến sĩ công an và chiến sĩ biệt động, ngày 6/6/1976, ông được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Hồ Ngọc Diệp
.
.
.