Anh hùng Năm Trà và tuyến đường “quá cảnh” huyền thoại

Thứ Tư, 01/05/2013, 15:29
Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Y, bí danh Năm Trà, sinh năm 1909 tại Thạch Bích, Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội. Vào Nam hoạt động trong công nhân cạo mủ cao su từ năm 1927 vùng Long Khánh - Đồng Nai, sau đó, ông về Hóc Môn - Bà Điểm móc nối với các đảng viên Cộng sản, rồi được phân công hoạt động ở địa bàn miền Tây Nam Bộ.

Cho đến khi Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Y, nguyên Q. Trưởng ban An ninh Khu Trung Nam Bộ, tức Khu 8, nhiều người có dịp được biết thêm về những thành tích đặc biệt xuất sắc của ông, trong đó có chiến công gắn với tuyến đường “quá cảnh” trên bộ đầy huyền thoại, góp phần hết sức quan trọng làm nên đại thắng Mùa xuân 1975.

Và cái tên Năm Trà mà đồng chí, đồng đội và nhân dân miền Tây sông nước dành cho ông giờ đây càng trở nên thân thuộc, gần gũi hơn bao giờ hết dù người chiến sĩ An ninh quả cảm này đã anh dũng ngã xuống cùng đồng đội cách nay 43 năm… 

Theo lịch sử đấu tranh của quân, dân Khu 8, sau khi tàu mang bí số 43 - một trong những tàu thuộc Đoàn tàu không số, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Bắc chi viện chiến trường miền Nam bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên) vào ngày 16/2/1965, bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển không còn nữa, thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Quân ủy TW và Bộ Quốc phòng, TW Cục miền Nam đã vạch ra kế hoạch nối đường Hồ Chí Minh qua ngả Campuchia, cụ thể là đưa vũ khí chi viện vào Cảng Sihanoukville (còn gọi là Kongpong Som).

Từ đây, qua nhiều tuyến vận tải khác nhau, vũ khí được đưa về các kho bí mật nằm rải rác dọc theo biên giới; rồi tổ chức cung đường đi từ biên giới vào chiến trường B2 - tức Nam Bộ. Đây là một tuyến đường huyền thoại, mà từ trước đến nay, rất ít người được biết đến.

Thực chất, việc “thai nghén” để cho ra đời tuyến đường huyền thoại này được chuẩn bị rất kỹ. Điều mà Bộ Chính trị, Quân ủy TW, Bộ Quốc phòng và TW Cục miền Nam quan tâm nhất là cách nào để di chuyển khối lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến tranh được chi viện từ Cảng Kongpong Som về đến biên giới Việt Nam – Campuchia, nhất là trong điều kiện bọn tình báo Mỹ và tay sai của chúng ở Campuchia không phải là ít.

Để giải “bài toán” này, tháng 7/1966, TW Cục miền Nam quyết định lập Đoàn hậu cần 17, có nhiệm vụ tiếp nhận hàng chi viện tại Cảng Kongpong Som. Trong hệ thống Đoàn hậu cần 17, có Công ty Thương mại vận tải Hắc Lỷ, được chính quyền Campuchia bấy giờ cấp phép hoạt động. Đức Phương - một cán bộ đầy tài năng của Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng được cử vào vai “ông chủ” của Công ty này.

Đức Phương được chu cấp vàng và ngoại tệ đủ mạnh để tiện bề hoạt động kinh doanh và quan hệ. Chỉ trong thời gian không lâu, Đức Phương đã tạo được mối quan hệ thân thiết với Tư lệnh thành phố Phnom Pênh lúc bấy giờ và một quan chức cao cấp khác.

Có câu chuyện thế này: Nhân lần sinh nhật của vị quan chức này, “ông chủ” của Công ty Hắc Lỷ đã tặng bạn một chiếc Mercedes mới cáu. Để đáp lễ, vị này cũng tặng lại cho “chủ hãng Hắc Lỷ” chiếc ôtô mà mình đang đi. Với chiếc xe này, Đức Phương và người của Hắc Lỷ đi tới đâu trên đất nước Chùa Tháp cũng được tạo điều kiện…  

Trở lại hoạt động của Công ty Hắc Lỷ, danh chính ngôn thuận là thu mua khai thác các nguồn hàng hóa trên đất bạn, nhưng nhiệm vụ chính trị của công ty này là tổ chức tiếp nhận “hàng” chi viện tại cảng trên. Đội quân của DN này chỉ có 84 người nhưng sử dụng lực lượng ngoài biên chế lên đến 564 người.

Phương tiện vận tải hàng trên đất bạn chủ yếu bằng cơ giới, trung bình 150 chiếc ngày nhưng khi có “hàng” về, Hắc Lỷ thuê thêm 300 chiếc nữa. Những cung thuận lợi bằng đường thủy thì Công ty dùng 500 ca nô để vận chuyển “hàng”. Và để cho các phương tiện vận chuyển “hàng” êm xuôi, đặc biệt là không bị tai mắt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại Campuchia, Công ty Hắc Lỷ đã tranh thủ tối đa những đầu mối quan hệ như đã kể.

Khi “hàng” về biên giới, có 3 tuyến nhận hàng do Đoàn hậu cần 17 phân phối. Và đồng chí Năm Trà được Khu ủy giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ đội Khu 8, đảm nhiệm tuyến vận chuyển về Khu 8. Tuyến này đi qua đất Campuchia thuộc huyện Peam Chor, phía Việt Nam là huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao danh hiệu AHLLVTND cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Y ngày 20/7/2012.

Theo lời kể, Năm Trà vào vai một thương gia buôn bán trên đất Chùa Tháp, và tìm cách tiếp xúc với viên quan Năm – phụ trách an ninh của huyện, vốn không có cảm tình lắm với Việt kiều tại Peam Chor. Với sự kiên trì và khéo léo của Năm Trà, thái độ của viên quan Năm dần dà thay đổi đến mức ngoài dự kiến. (Và viên quan này sau đó đã xin được làm con nuôi của Năm Trà, lấy tên Việt là Năm Hồng).

Con đường vận chuyển khai thông. Tháng 9/1966, Quân khu 8 lập đơn vị P100 – đảm nhận khâu vận chuyển, do đồng chí Võ Quốc Khánh (cán bộ phụ trách đối ngoại của Quân khu 8, sau này là Tỉnh đội phó BCH Quân sự tỉnh Tiền Giang) làm Chỉ huy trưởng. P100 đặt tại Phum Xoài và Tăng Lèo, thuộc huyện Karalia, tỉnh Xvây Riêng (Campuchia). Năm Trà chọn người chỉ huy đơn vị này.

P100 có 4 đại đội. Đại đội vận tải Nữ (phiên hiệu X16A, có 120 người; nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển giao cho đơn vị kho. Phương tiện là 45 xe ba gác); Đại đội vận tải Nam (X20, có 60 người, cùng với khi tiếp nhận hàng và vận chuyển phân phối cho chiến trường; có 25 xe và 50 con trâu); Đại đội kho (H19, có 60 người, tiếp nhận và bảo quản, phân phối khi có lệnh) và Đại đội vận tải bằng 30 ghe hai đáy, với 60 người, hoạt động trên sông Cửu Long về giao cho các chiến trường và tỉnh Bến Tre.

Theo chỉ đạo của Năm Trà, việc xây kho chứa vũ khí đảm bảo tuyệt đối bí mật và an toàn. Kho là những hầm bí mật, được xác lập dọc theo biên giới và một điểm ở Phum Xoài. Khó khăn và vất vả nhất là việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ cách xa hàng kilômét. Với số đất, đá được đào lên, Đại đội kho tổ chức từng bộ phận nhỏ, dùng gùi cõng đem ra sông đổ xuống, xóa dấu vết.

Để đảm bảo cho con đường “quá cảnh” tồn tại một cách tuyệt đối bí mật, cán bộ, chiến sĩ phải di chuyển gần như suốt đêm từ nơi nhận “hàng” đến Phum Xoài. Hai người một lều tăng nilon, ngụy trang cẩn thận để tránh máy bay trinh sát địch. Có nhiều khi, đồng chí Năm Trà cho lực lượng sang tận Cảng Kongpong Som để nhận “hàng”.

Chuyến đầu tiên nhận hàng trực tiếp thế này, khối lượng vũ khí, hàng quân dụng lên đến 10 tấn. Năm Trà cho làm “hợp đồng” với phía bạn thế này, sau khi ta nhận “hàng” ở cảng, “hàng” sẽ được giao lại cho bạn chở tới vị trí tập kết. Mỗi chuyến đi có một sĩ quan Quân đội Hoàng gia Campuchia áp tải và hai sĩ quan cấp tá cùng hộ tống. Phía ta có một người đi theo làm nhiệm vụ liên lạc.

Kết quả chỉ trong thời gian ngắn (3/1967 – 11/1969), thông qua tuyến đường “quá cảnh” qua ngả Campuchia này, ta đã chuyển được 21 chuyến hàng từ Bắc vào Nam, với 2.900 tấn vũ khí và gần 5 tấn tiền mặt các loại. Chiến công này có ý nghĩa chính trị, quân sự rất to lớn.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Khu Trung Nam Bộ, tuyến đường huyền thoại “quá cảnh” hay tuyến đường nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên biển của An ninh, phối hợp với bộ đội đảm nhiệm nhưng công tác ngoại giao, tổ chức tuyến đường có công lớn của cán bộ An ninh, mà trực tiếp là đồng chí Năm Trà. Tuyến đường ra đời, tồn tại là kết quả của sự phối hợp sức mạnh mọi lực lượng nhân dân với công tác an ninh, chính trị, quân sự và ngoại giao quốc tế.

Đồng chí Huỳnh Châu Sổ, bí danh Năm Bê, bí số A.205, nguyên Bí thư Khu ủy, nguyên Trưởng ban An ninh Khu 8, từng đánh giá việc nối lại thành công tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển vào Cảng Kongpong Som Vương quốc Campuchia là “một kỳ tích hiếm có!”. Tuyến đường “quá cảnh” đã góp phần hết sức quan trọng làm nên chiến thắng Mùa xuân 1975.

Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Y, bí danh Năm Trà, sinh năm 1909 tại Thạch Bích, Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội. Vào Nam hoạt động trong công nhân cạo mủ cao su từ năm 1927 vùng Long Khánh - Đồng Nai, sau đó, ông về Hóc Môn - Bà Điểm móc nối với các đảng viên Cộng sản, rồi được phân công hoạt động ở địa bàn miền Tây Nam Bộ.

Vợ Năm Trà - bà Nguyễn Thị Loan (1915-2007) cũng từng là cán bộ cách mạng kiên trung. Hai ông bà sinh được 4 người con. Con trai đầu là Nguyễn Thạch Bích (nguyên Cục trưởng thuộc Tổng cục V); kế đến là Nguyễn Thị Hồng Hà (từng là Xã đội trưởng ở tuổi 18, hy sinh năm 1968 khi mới vào tuổi 19); Nguyễn Hồng Thanh (từng là Thư ký văn phòng Ban An ninh Khu 8, sau giải phóng là Bệnh xá trưởng Công an tỉnh Tiền Giang); Nguyễn Thanh Hùng làm giao liên cho Ban An ninh Khu 8 khi mới 13 tuổi, hiện là Đại tá, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Tiền Giang.

Trước khi hy sinh, Năm Trà được phân công giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có Phó, rồi Trưởng Ty Công an Mỹ Tho (nay là Tiền Giang); Trưởng Ty Công an tỉnh Long Châu Sa (nay thuộc Đồng Tháp, An Giang). Từ  năm 1959, đồng chí là Trưởng Ban đặc tình Khu ủy Khu 8. Giai đoạn 1969 - 1970 là Phó ban Thường trực rồi Q. Trưởng ban An ninh Khu 8.

Đồng chí Năm Trà đã anh dũng hy sinh khi đang trên đường công tác gần khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia vào ngày 12/5/1970 cùng với một cán bộ điệp báo và hai chiến sĩ bảo vệ.

Theo lời kể, hôm đó, khi phát hiện Năm Trà, địch huy động máy bay, tàu chiến, pháo binh, bộ binh bao vây trên bộ và dưới sông dày đặc, không cho Năm Trà rút vào khu rừng gần đấy. Địch còn chặn các ngả đường từ xa, không cho lực lượng ta đến giải vây, chi viện. Địch cho siết dần vòng vây, dùng loa kêu gọi hàng. Trước tình thế này, Năm Trà cùng 3 đồng chí đi cùng quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trước khi anh dũng ngã xuống, Năm Trà và các đồng chí dùng lựu đạn, tiểu liên, súng ngắn chiến đấu ngoan cường, làm bị thương nhiều tên địch…

Liệt sĩ Năm Trà đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVTND vào ngày 7/2/2012.

Thái Bình
.
.
.