Anh hùng Đinh Như Gia - tuổi già chẳng kém sức trai

Thứ Sáu, 02/05/2014, 16:18
Năm nay đã 75 tuổi, có cháu nội, ngoại và chắt ngoại đề huề, ông vẫn giữ được cái cốt cách trẻ trung, năng động và sáng tạo chẳng kém thuở còn trai trẻ. Lãnh đạo địa phương bảo, nhiều năm qua, Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) luôn đi đầu trong phong trào hội, đoàn, là có sự góp sức rất lớn của Anh hùng Đinh Như Gia…

Trên đường đưa tôi đến nhà Anh hùng Đinh Như Gia, ở khóm 5, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, anh Trần Thanh Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Linh bảo: “Hồi kháng chiến chống Mỹ, ông ấy là người duy nhất ở Quảng Trị được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, vì đạt nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp. Ông ấy còn nổi tiếng, vì đã sáng chế ra chiếc ròng rọc đưa cùng một lúc 8 chiếc nôi có 8 đứa trẻ từ mặt đất xuống địa đạo Vĩnh Linh an toàn mỗi khi có máy bay B52 Mỹ ném bom đánh phá…”.

Khi chúng tôi đến, cũng là lúc Anh hùng Đinh Như Gia vừa về tới nhà sau một ngày làm việc cần mẫn ở Hội Người cao tuổi Vĩnh Linh, với trách nhiệm là Chủ tịch Hội. Uống bát nước chè xanh do ông tự tay “hãm” đãi khách, tôi nhắc lại chuyện chế tạo những chiếc ròng rọc đưa nôi trẻ từ mặt đất xuống các địa đạo hồi chiến tranh, ông cười hiền, bảo: “Hồi đó, bà con coi việc mình làm là sáng chế, chứ như bây giờ thì có chi mô. Bởi việc làm ra những cái ròng rọc đó là đơn giản vô cùng”.

Ông bảo, việc ông chế tạo ra những chiếc ròng rọc đưa nôi trẻ, chỉ là sau những lần thấy các chị, các mẹ từ ruộng đồng, vất vả chạy về mang con xuống địa đạo tránh bom, nhưng không kịp. Khi chưa tròn tuổi 26, ông được giao nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội dân quân du kích, kiêm Đội trưởng Đội sản xuất số 5, Vĩnh Nam. Khóm 5, thị trấn Hồ Xá bây giờ, ngày đó là xóm Nam Hồ, xã Vĩnh Nam.

Anh hùng Đinh Như Gia mô tả việc chế tạo ra chiếc ròng rọc để đưa nôi trẻ xuống địa đạo Vĩnh Linh với phóng viên Báo CAND.

Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Linh ghi rõ: “Trước lúc được giao trọng trách này, Đinh Như Gia đã không chỉ sáng tạo, dũng cảm quên mình trong các trận đánh, bắn trả máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt, mà còn rất tài năng, mưu trí trong chỉ đạo sản xuất, giúp hơn 600 héc-ta đồng lúa, hoa màu của Vĩnh Nam đạt năng suất cao nhất hằng năm”. Các cựu chiến binh cùng thời với ông kể rằng, Anh hùng Đinh Như Gia dường như nghe được cả tốc độ của gió và tốc độ của máy bay Mỹ ném bom, nên thường cánh đồng đang lúc đông người sản xuất, bỗng biến mất chỉ trong chốc lát, ngay sau khi mệnh lệnh của ông phát ra; khiến giặc Mỹ chỉ toàn ném bom vào chỗ đất trống...

Nhắc lại chuyện cũ, Anh hùng Đinh Như Gia bảo, đời người có nhiều điều để sống, để tự hào. Trong kháng chiến chống Mỹ, với ông sống là để chiến đấu vì quê hương, dân tộc; còn nay sống là để giúp chút sức còn, trí mọn cho xã hội, vì muốn xã hội được phát triển, công bằng. Ở mỗi quãng đời ông đều có những kỷ niệm đáng nhớ.

Song sâu sắc nhất, đặc biệt nhất là những lần ông vinh dự được gặp Bác Hồ. “Năm 1965, tôi lúc đó là Chính trị viên Đại đội Dân quân du kích Nam Hồ, đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cuối năm, lại hết sức vui mừng vì được ra miền Bắc đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong kháng chiến, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngày 1/1/1967, tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 4, Bác Hồ đã đến dự. Tôi và những anh em khác đã vinh dự được gặp Người.

 Sau đó, Bác mời chúng tôi ăn cơm tại nhà của Bác. Bữa cơm đạm bạc mà thân tình, xúc động đến trào nước mắt. Cho tới bây giờ, cảm giác được ngồi bên Bác, được Bác đơm từng bát cơm, chăm gắp từng món thức ăn, tình cảm gần gũi, đầm ấm hệt như cha với con, vẫn còn nguyên vẹn”, khơi dậy kỷ niệm trong ký ức, đôi mắt ông rưng rưng…

Về Vĩnh Linh, tiếp tục với nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất lương thực cung cấp cho miền Nam ruột thịt, vì những thành tích xuất sắc của mình, ông tiếp tục được trở lại Hà Nội thêm 4 lần nữa để được gặp Bác Hồ. Trong đó, có một lần ông và nhiều Anh hùng Lao động, chiến đấu khác được Bác dẫn đi thăm vườn cây do Bác trồng. Cũng lần ấy, Bác đích thân hái đầy một bao quả bồ kết trong vườn, gửi vào tặng đồng bào, chiến sĩ Vĩnh Linh. Ông Gia cho biết, nhiều năm sau đó, nhiều chị, nhiều mẹ vẫn cất giữ rất cẩn thận món quà này của Bác, cho tới khi chúng bị thời gian làm mục nát ra không còn cất giữ được nữa mới thôi.

Sau ngày đất nước giải phóng, ông tiếp tục đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo tại địa phương và lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị, đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Sau đó, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Linh đã vận động ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện cho đến nay. Và, trong công việc, với ông dường như… không có tuổi già. Ông làm việc rất xông xáo, nhiệt tình vận động mọi người, mọi gia đình đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, luôn nhắc nhở lớp cháu, con sống có phải lý tưởng; phải là công dân tốt để cùng giữ gìn cuộc sống bình yên thôn xóm…

Ông tâm sự, ở vào hoàn cảnh, điều kiện và chức vụ nào, đều phải sống tốt, làm việc hết mình vì lợi ích của cộng đồng và quê hương. Lúc chia tay, ông chỉ lên tường nhà, vị trí trang trọng nhất và nói với chúng tôi: “Của cải lớn nhất của đời tôi hiện nay, bên cạnh cháu, con, là tấm bằng khen có chữ ký của Bác Hồ”. Nhìn theo hướng tay ông, đập vào mắt chúng tôi là tấm Huân chương Lao động hạng nhất do Bác Hồ ký, khen thưởng Anh hùng Đinh Như Gia vào ngày 25 tháng 10 năm 1968

Thanh Bình
.
.
.