An toàn giao thông: Mừng - lo lẫn lộn

Thứ Sáu, 04/02/2005, 07:20
Vừa mừng vừa lo là tâm trạng thường trực của các nhà điều hành, thiết lập kỷ cương giao thông nước ta trong mấy năm qua. Chưa có năm nào được như năm 2004 này, các con số về TNGT đã giảm, mừng nhiều lắm - nhưng nỗi lo cũng còn không ít.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong năm qua cả nước xảy ra trên 14.145 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.682 người, bị thương 12.969 người. So với năm 2003 đã giảm 2.517 vụ; giảm 4.329 người bị thương. Một trong những nguyên nhân tạo ra kết quả này là toàn xã hội đã thực hiện quyết liệt Nghị quyết 13/CP năm 2002 của Chính phủ.

Việc xây dựng Nghị quyết này xuất phát từ đánh giá về sự gia tăng mật độ phương tiện cơ giới cá nhân và mật độ dân cư, có lúc ở mức đột biến và vượt khỏi tầm kiểm soát đã tạo ra tình huống bị động đối với cơ sở hạ tầng giao thông của nước ta.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Bùi Huy Long, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết: “Nghị quyết 13/CP của Chính phủ đã làm thay đổi cách nhìn, không né tránh những vấn đề mang tính bản chất nhất. Trong đó, xác định nguyên nhân chính và trước hết của những mặt yếu kém về trật tự ATGT là do buông lỏng kỷ cương pháp luật, chứ không đổ lỗi cho đường sá, ý thức của người tham gia giao thông hoặc mặt tiêu cực của cơ chế thị trường.

Từ đó, Nghị quyết xây dựng được một phương thức thích hợp từ những vấn đề mang tính chiến lược, quy hoạch đến những giải pháp xử lý tình huống cụ thể một cách đồng bộ với thái độ hết sức quyết liệt.”

Giải pháp nào cho năm 2005?

Hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 13 được quyết định bởi sự liên kết, thống nhất hành động từ các cấp, các ngành và trong đông đảo nhân dân. Những biện pháp này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong năm nay. Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Uỷ ban ATGT quốc gia tiếp tục cuộc “vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Tiếp nối các chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông khác, từ tháng 9/2004, Đài truyền hình Việt Nam đã phối hợp cùng Uỷ ban ATGT Quốc gia, Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt và Cty Honda Việt Nam thực hiện chương trình phổ biến kiến thức giao thông mang tên “Tôi yêu Việt Nam” được phát sóng đều đặn vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần trên VTV1 và sau đó là trên hầu hết các kênh truyền hình khác của đài.

Dẫn đường cho các đoàn khách quốc tế.

Với mong muốn góp phần nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ ATGT cũng như kỹ năng điều khiển và sử dụng xe gắn máy cho khán giả truyền hình cả nước. Chương trình được thiết kế như một trò chơi truyền hình này được đánh giá là có hiệu quả cao từ các tầng lớp trong xã hội.

Song hành với công tác tuyên truyền, Chính phủ chỉ đạo các ngành, đặc biệt là ngành công an phải đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng. Xử phạt “nóng” xem ra gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, được UBND Tp.HCM chấp thuận, từ ngày 10/9/2004 lực lượng CSGT đường bộ Tp.HCM chính thức thực hiện “Quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ tại Tp.HCM”.

“Phạt nguội” ngay lập tức đã phát huy hiệu quả và hiện nay phương thức này đang được xem xét để nhân rộng ra một số địa phương khác trên cả nước. Ngoài ra, theo Uỷ ban ATGT quốc gia thì đã có 61 tỉnh thành thực hiện một phần yêu cầu đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe gắn máy xuống tận tỉnh lộ, huyện lộ...

Việc thực hiện hạn chế tốc độ - một trong những nguyên nhân gây tai nạn nhiều nhất, thảm khốc nhất - cũng đã được triển khai trên hầu hết các tuyến đường quốc lộ. Trong thời gian tới, trong bất kỳ trường hợp nào, người điều khiển phương tiện cơ giới sử dụng rượu bia cũng sẽ bị xử phạt nặng.

Thành phố Hồ Chí Minh lại một lần nữa đi tiên phong khi quyết định mua thiết bị đo nồng độ cồn trong hơi thở với người điều khiển phương tiện giao thông. “Uống 5 chai bia có thể bị phạt 500.000 đồng” là hình ảnh cụ thể cho hình phạt của lỗi vi phạm này. Bị “ngửi mồm” đang là nỗi lo của không ít quái xế say xỉn.

Về tình hình giao thông cả nước, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Long: “Cản trở chính là tư tưởng cục bộ của bộ máy quản lý hành chính và thói quen tùy tiện của người tham gia giao thông. Những nhược điểm này rất dễ trỗi dậy một khi sự chỉ đạo thiếu kiên quyết và việc thực hiện các giải pháp không triệt để. Một chủ trương dù hoàn thiện đến mấy cũng có sự bổ sung nhất định khi đi vào thực tế”

Ngọc Tước
.
.
.