An sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh

Thứ Năm, 30/12/2010, 14:00
Người dân các tỉnh đổ dồn về các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… kiếm sống. Có tới hơn một nửa số dân di cư phải ở chung nhà, ở trọ hoặc lều tạm trong khi tỷ lệ này là 3,1% ở dân thường trú. Các dịch vụ an sinh xã hội, sinh hoạt tập thể… hầu như không có sự tham gia của nhóm dân di cư.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự tăng lên ồ ạt của dòng người di cư từ nông thôn về các thành phố lớn đang làm tăng áp lực giảm nghèo ở khu vực thành thị. Nghèo đói ở khu vực thành thị không chỉ thể hiện ở thu nhập thấp mà còn thể hiện trong thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh, nhà ở, các mạng lưới an sinh xã hội, cơ hội tham gia vào thị trường lao động và các hoạt động của cộng đồng.

Đặc biệt, đặc tính không ổn định và hay di chuyển của những đối tượng di cư tạm thời hoặc không có đăng ký hộ khẩu, cũng khiến cho họ khó tiếp cận với các trợ giúp và dịch vụ công.

Ở Hà Nội, có thể dễ dàng tiếp cận những khu trọ tồi tàn của những người lao động tự do ở các vùng quê nghèo lên thành phố kiếm sống. Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm cuộc sống của họ vào thời điểm cận Tết, cùng co ro với tấm chăn mỏng trên nền nhà lạnh cứng tại một khu trọ ở bãi Phúc Tân.

Căn phòng trọ chừng 16m2, thì có tới hơn 10 người nằm kiểu úp thìa. Một ngày dài bươn bả, công việc nặng nhọc, họ chỉ dám bỏ ra 4 đến 5 nghìn đồng cho một suất ngủ qua đêm. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn: vất vả, lam lũ, cực nhọc và buồn tẻ, nhưng họ chẳng có lựa chọn nào khác. Đối với họ, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là cái gì đó xa vời.

Nhiều trường hợp các cô bé, cậu bé bán báo, bán băng đĩa dạo và những chị em bán hàng rong bị TNGT, không có BHXH, gánh nặng thuốc thang lại đè nặng lên cuộc sống của họ.

10 năm bám đất Hà Nội, chị Nguyễn Thị Huế là công nhân một công ty giầy da cho biết, tài sản giá trị duy nhất của vợ chồng chị là chiếc xe Honda cũ. Sáng đi làm công nhân, tối về chồng chạy xe ôm, vợ bán cháo nhưng thu nhập hàng tháng cũng chỉ tạm đủ ăn theo cách sinh hoạt của người nghèo.

Không có hộ khẩu, hai đứa con chị phải gửi học trường tư. Hàng tháng chỉ tính riêng tiền học phí (đứa nhỏ học mẫu giáo, đứa lớn học lớp 2) đã mất gần 3 triệu đồng. Còn tiền thuê nhà, điện, nước… Mà với những người thuê trọ, giá điện phải chịu từ 3.000 đến 4.000 đồng/KW, trong khi người có hộ khẩu tại Hà Nội chỉ phải trả 600 đồng/KW. Với giá cả tăng hàng ngày, chị Huế dự định sẽ phải cho 2 đứa nhỏ về quê ở với ông bà.

Lao động nhập cư là đối tượng cần được hỗ trợ trong việc đảm bảo điều kiện sống.

Báo cáo về tình trạng nghèo đô thị của hai tổ chức Oxfam (liên đoàn của 13 tổ chức làm việc với hơn 3.000 đối tác tại hơn 100 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài xoá nghèo đói và bất công) và ActionAIDS (tổ chức phát triển phi lợi nhuận quốc tế hoạt động vì mục tiêu xoá bỏ đói nghèo trên phạm vi toàn cầu) công bố mới đây cũng cho thấy, thu nhập thấp, việc làm bấp bênh khiến người nghèo, đặc biệt đối với những lao động di cư khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

Có 56,6% dân di cư không có thẻ BHYT, cao gấp 1,7 lần so với dân thường trú. Vấn đề giáo dục cũng bị hạn chế trong nhóm đối tượng nghèo trên cả hai địa bàn. 3,7% trẻ từ 10-14 tuổi không biết chữ; gần 10% người trong độ tuổi không có bằng cấp. Tỷ lệ học trường công của dân di cư là 64,6%, thấp hơn nhiều so với dân thường trú là 82,4%.

Điều đáng lưu ý là diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, không có việc làm, người dân các tỉnh đổ dồn về các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… kiếm sống. Có tới hơn một nửa số dân di cư phải ở chung nhà, ở trọ hoặc lều tạm trong khi tỷ lệ này là 3,1% ở dân thường trú. Các dịch vụ an sinh xã hội, sinh hoạt tập thể… hầu như không có sự tham gia của nhóm dân di cư.

Theo bà Lê Kim Dung, quyền Giám đốc tổ chức Oxfam, hộ khẩu vẫn đang là căn cứ chủ yếu để đăng ký các dịch vụ xã hội và an sinh nên người nhập cư nghèo đô thị đang bị đẩy khỏi các dịch vụ này.

Bên cạnh đó hiện các dịch vụ giáo dục, y tế, vay vốn tại các thành phố đều ưu tiên cho những người có hộ khẩu thường trú nên con em người nhập cư khó xin học tại các trường chính quy. Không có hộ khẩu thường trú, không được xét vào diện hộ nghèo nên con cái họ không được miễn giảm học phí, họ không được hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT…

Qua khảo sát tại xã Kim Chung (Hà Nội), 6 tháng đầu năm 2010 toàn xã mới có 187 người mua thẻ BHYT tự nguyện, trong đó chỉ có 4 thẻ của người nhập cư, so với tổng số 10.000 người thường trú trên địa bàn.

Điều này phản ánh mức sống của người nghèo nhập cư ở đô thị là khả năng tài chính eo hẹp trong môi trường sinh hoạt đắt đỏ, khiến những nhu cầu thiết yếu đều phải sử dụng các dịch vụ giá rẻ, chất lượng thấp... Người nhập cư đang làm gia tăng tỷ lệ nghèo khu vực đô thị. Nếu đưa các hộ tạm trú có thời gian ngắn hơn vào diện bình xét thì số lượng này còn tăng hơn nhiều.

Ông Phan Văn Biền, Chủ tịch xã Kim Chung cho biết, tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), ngày càng trở nên đông đúc. Cả xã đã có khoảng 20.000 người nhập cư, gần gấp đôi số dân địa phương. Hầu hết họ là lao động nghèo làm công nhân hoặc người buôn bán tự do phải đi thuê nhà trọ.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, thì việc mở rộng các đối tượng được thừa hưởng các chính sách về an sinh xã hội, trong đó có lao động nhập cư, đang được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trình chính phủ trong giai đoạn 2011-2015

Thu Uyên
.
.
.