Ẩn họa xe khách vùng cao

Thứ Hai, 27/09/2010, 16:02
Một điều dễ nhận ra là phần lớn các con đường dẫn lên các tỉnh miền núi đều là những con đường nối tiếp đèo dốc với khúc cua gấp đầy nguy hiểm. Thế nhưng, rất nhiều xe khách đang lưu thông ở vùng cao lại trong tình trạng đã quá cũ, hỏng hóc và thường xuyên nhồi nhét khách. Đây đang trở thành mối ẩn họa, đe dọa sự an toàn đối với hành khách bất cứ lúc nào.

Kinh hoàng những chuyến xe khách

Trong dịp đi công tác lên huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, chúng tôi phải bắt xe 2 chặng từ Hà Nội lên TP Yên Bái và từ TP Yên Bái lên huyện Mù Cang Chải. Và, trong chuyến xe khách từ TP Yên Bái lên huyện Mù Cang Chải, chúng tôi không khỏi rùng mình trước những gì đang tồn tại có liên quan đến thực trạng tuyến xe khách này.

Chiếc xe khách mang BKS 21H-317… đã khá cũ kỹ, sơn bong tróc, ghế ngồi rách, chở lỉnh kỉnh đồ đạc. Tuy nhiên, do lượng xe từ tỉnh về huyện không có nhiều nên chúng tôi đành phải miễn cưỡng ngồi lên chiếc xe này. Đang đi, trời bất chợt đổ mưa. Đến đây, người nào người nấy đang ngồi trong xe cũng phải tá hỏa.

Bởi từ trên nóc xe, nước chảy lõng bõng xuống ghế mọi người. Ôi, hóa ra chiếc xe bị "dột". Trần xe đã có những vết nứt nên những giọt nước mưa theo đó rơi xuống. Chiếc xe không có điều hoà, cửa sổ, cửa chính lại lỏng lẻo nên phụ xe miễn luôn việc đóng cửa. Xe đi đến đâu, hễ có khách đi bộ dọc đường là anh "lơ" xe liền bất chất nguy hiểm quờ tay ra bên ngoài cửa vẫy khách đi kèm là những lời mời chào "chợ búa": "Đi không?"…

Lực lượng CSGT Hà Giang đang kiểm tra một xe khách.

Mặc dù sau nhiều chặng "vợt" khách, xe đã ken kín ghế ngồi, song anh chàng "lơ" xe này vẫn cố "vợt" thêm khách, để khách đứng suốt quãng đường hơn 100km. Đáng chú ý, đến những đoạn đường đổ đèo, cua dốc nguy hiểm, nhiều hành khách "thót tim" ngả nghiêng lật người sang bên này, đổ người sang bên kia.

Trong chuyến ngược từ huyện Mù Cang Chải về Hà Nội, chúng tôi đã cố gắng "cải thiện tình hình" bằng cách bắt một chiếc xe khách bóng loáng, đồ sộ ghi rất rõ "Xe khách chất lượng cao, ghế giường nằm".

Thế nhưng, khi vừa bước chân lên xe, điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ ngoài hành khách nằm trên ghế đã kín, dưới sàn xe la liệt khách nằm và ngồi. Ngó dưới gầm ghế, gần chục người khách đã yên giấc ngủ với một bộ chăn gối nhà xe phát. Thấy chúng tôi ngập ngừng không muốn đi, anh phụ xe "động viên": "Em chịu khó nằm dưới sàn xe đi, sạch sẽ không thua gì trên giường đâu. Em có chờ chuyến xe sau cũng phải chịu nhồi nhét thế này thôi".

Anh phụ xe còn quảng cáo thêm các tiện nghi có một không hai khi nằm dưới sàn xe: có máy sấy sàn xe nên cảm giác rất thoải mái, lại không lo bị xóc như nằm trên ghế. Bên cạnh đó, tuyến đường từ đây về thẳng Hà Nội chỉ có 4 xe chạy nên việc nhồi nhét khách thêm để cho bà con kịp về Hà Nội là điều không thể tránh khỏi. Và cứ thế, lượng khách cứ tăng dần lên trên suốt quãng đường đi cho đến lúc xe đã đầy khách nằm, ngồi ngả gật gù cả hành lang lẫn các gầm ghế.

Nhiều chiêu "né" lực lượng chức năng    

Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tá Nguyễn Đình Huân, Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính - Trật tự an toàn giao thông, Công an huyện Mù Cang Chải, cho biết: Tuyến QL32 với chiều dài hơn 80km chạy qua địa bàn huyện tập trung nhiều xe khách (chạy tuyến Lai Châu - Hà Nội; Yên Bái - Mù Cang Chải), nên lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt việc xử lý nghiêm các vi phạm có liên quan.

Kết quả tính từ đầu tháng 8 đến nay, đơn vị đã tổ chức tuần tra kiểm soát trên 41 ca với 149 lượt; lập biên bản xử lý hơn 140 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nộp sung công quỹ 54 triệu 200 ngàn đồng. Trong số này có không ít trường hợp xe khách vi phạm.

Tuy nhiên, các lái xe khách thường xuyên xử dụng các  "chiêu" ra ký hiệu cho nhau để "lách" CSGT. Đầu tiên muốn hỏi nhau có CSGT làm hay không thì các xe đi ngược chiều nhau cần phải ra ký hiệu, ban đêm thì dùng đèn nháy 2-3 lần (thậm chí ban ngày cũng nháy đèn) còn ban ngày thì hỏi nhau bằng tay. Khi giơ 2 ngón tay làm ký hiệu giống như "khẩu súng lục" chỉ xuống dưới là lúc đó biết CSGT đang ở đâu, đoạn nào.

Khi đó tài xế nào muốn "chắc ăn" biết CSGT đang ở đâu thì dùng ĐTDĐ để hỏi cho rõ. Nếu các lái xe lấy bàn tay vẫy vẫy là lúc đó hãy đi chậm lại, sắp có trạm CSGT. Rồi nếu lấy 1 ngón tay chỉ lên trời cao vút với một đường cong như cung tên thì đó là ký hiệu có trạm CSGT làm từ xa, cách khoảng 5-10km. Lúc đó các tài xế "căn" đường để mà chạy.

Chính vì thế mà chuyến đi công tác lên Hà Giang hồi cuối tuần qua, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh "lơ" xe trên tuyến xe khách Hà Giang - Mỹ Đình chở gần 40 người (trong khi số ghế quy định là 29), mang BKS 23T-295… khi thấy đèn nháy của các chuyến xe khách chạy ngược chiều liền bảo hành khách "căng" riđô che kín kính trên thành xe…

Thiết nghĩ, các lực lượng chức năng cần sớm chấn chỉnh ngay những trường hợp vi phạm có liên quan, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"

Đình Phương - Hoàng Lan
.
.
.