Ấm no La Pán Tẩn

Chủ Nhật, 25/12/2016, 09:29

Nhắc đến La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, nhiều người cứ nghĩ đó là thủ phủ trồng cây thuốc phiện. Nhưng đó là câu chuyện của 20 năm về trước. Ngược ra Bắc những ngày giáp Tết, và sau khi vượt qua sừng trời Khau Phạ, một trong bốn đỉnh đèo cao chót vót miền Tây Bắc, tôi đã chứng kiến một La Pán Tẩn bây giờ đã đổi thay so với trước rất nhiều.

 

 

Thào A Chư, một người bạn quen biết gần 20 năm trước ở miền Tây Bắc, đến đón tôi vào xã ngay khi vừa qua khỏi sừng trời Khau Phạ.

Vừa gặp lại, Thào A Chư khoe: Em dạy học cũng được 5 năm rồi, càng dạy em càng yêu thích, gắn bó hơn với nghề này, bởi nhờ con chữ, nhờ ánh sáng văn minh mà không chỉ bản thân mình, còn giúp cho rất nhiều người khác, nhất là lớp trẻ ở La Pán Tẩn này, định hướng được tương lại, có mục đích tốt để sống đẹp, để phấn đấu vươn lên. 

La Pán Tẩn bây giờ đã đổi khác rất nhiều rồi, anh vào tới xã thì sẽ thấy!

La Pán Tẩn hiện ra trước mắt tôi đẹp như tranh vẽ, những nếp nhà sàn mờ ảo trong làn sương buổi sớm, nhấp nhô bên những thửa ruộng bậc thang, với màu vàng óng của trùng điệp cây lúa đã căng tròn hạt. 
Những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở La Pán Tẩn.

Thào A Chư bộc bạch với tôi, nhờ đời sống kinh tế khấm khá lên từng ngày, nên hiện tại ở La Pán Tẩn không còn cảnh trẻ em thất học, quanh năm suốt tháng theo bố mẹ khó nhọc kiếm cái ăn trên nương rẫy.

Thay vào đó, các em đều được bố mẹ dành thời gian chăm nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Nhiều năm lại đây, những sinh viên của La Pán Tẩn, sau tốt nghiệp ra trường, đã tình nguyện trở lại quê để làm thầy cô giáo, để tiếp tục gieo cái chữ cho thế hệ đi sau, nối dài thêm những ước mơ của lớp trẻ và của toàn thể đồng bào H’Mông trên mảnh đất yêu thương, nghĩa tình này. 

Trong số họ phải kể đến những con người có ý chí học hành, phấn đấu cao như Lý A Zì, Hảng A Zìn, Hảng Thị Chù...

Để cho tôi được thấy một cách thực tế hơn, sinh động hơn về những đổi thay ở La Pán Tẩn, Thào A Chư đã tiếp tục dẫn tôi đi tham quan những thửa ruộng bậc thang, mà ở đó không chỉ có màu vàng óng ả của cây lúa, còn có màu vàng mượt đầy lãng mạn của loài hoa cải dâu. 
Người dân La Pán Tẩn bây giờ đã có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc hơn so với trước rất nhiều.

Để hẳn những ai từng nghe bài hát Mùa hoa cải nổi tiếng của tác giả Lê Vinh, sẽ không khỏi có những cảm xúc sâu lắng, lẫn sự nuối tiếc mỗi khi phải rời xa!

Theo hướng tay thầy giáo trẻ, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn của ông Hảng Xáy Chong, Chủ tịch xã La Pán Tẩn, được trang trí bởi nhiều vật dụng truyền thống của đồng bào người H’Mông. Dường như chủ nhà với một chủ ý là thu hút sự tò mò, tham quan tìm hiểu của du khách thập phương. 

Qua đó, không chỉ níu giữ chân du khách với dịch vụ du lịch homestay (do chính ông là người đầu tiên ở đây đã khởi xướng nhằm giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng cao thu nhập), mà còn giúp du khách hiểu hơn về nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào H’Mông nơi đây.

Chủ tịch xã Hảng Xáy Chong mời chúng tôi uống nước chè xanh đặc quánh. Hỏi chuyện làng xã, chuyện xưa và nay, thấy những niềm vui tươi lạ nở ra tràn khắp trên khuôn mặt chất phác, đôn hậu của ông. “Đổi thay nhiều lắm, tất cả nhờ con chữ và lòng người yêu thương, đoàn kết với nhau. Con chữ nhờ vào Đảng mà có, vào Nhà nước, các cấp chính quyền mà nên”, ông Chong trải lòng.

Toàn xã La Pán Tẩn hiện có 770 hộ dân với khoảng gần 4000 nhân khẩu. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, chiếm 99%, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. 
Nụ cười rơm rạ ấm no của cô thôn nữ La Pán Tẩn trên cánh đồng lúa bậc thang.

Khoảng 3 năm lại đây, bà con đã biết cách đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch, mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng năm. Trước đây xã 100% hộ nghèo thì nay giảm còn hơn 50%.

Ông Chong cho biết thêm, bên cạnh việc tiên phong trong đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch homestay, năm 2015, ông còn vận động bà con trồng hơn 2 héc-ta hoa cải dâu để làm nổi thêm cảnh đẹp độc đáo trên vùng núi cao này, qua đó thu hút hơn nữa lượng du khách đến tham quan, lưu trú. 

Việc trồng hoa cải dâu cũng được tiến hành trên những thửa ruộng bậc thang vừa mới được khai hoang thêm những năm vừa qua, theo cái cách trồng lúa độc đáo ở đây mà năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận những thửa ruộng bậc thang này là công trình nghệ thuật, xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia.

Chia tay thầy giáo trẻ Thào A Chư, ông Chủ tịch xã Hảng Xáy Chong và người dân, mảnh đất La Pán Tẩn, tôi thấy phía trước mình những con đường thật đẹp, con đường đi giữa một quang cảnh mênh mông của gió núi mây trời, của hoa thơm mật ngọt và lòng người đôn hậu, hiếu khách ở cái xứ sở xa ngái, cao chót vót đến tận tít chân trời này!

Thanh Bình
.
.
.