Ấm lòng bên đồng đội của con

Thứ Tư, 20/10/2010, 15:48
"Ôi, hỏi ngoại nhiều thế sao ngoại nhớ được. Đất Quảng Nam thì huyện nào, xã nào chả có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Riêng nhà ngoại, có tới 3 chị em dâu được tặng danh hiệu như ngoại đấy". Tóc xóa trắng như cước, khuôn mặt phúc hậu, miệng móm mém, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sự thủ thỉ, chuyện trò.

Từ Đà Nẵng ra Thủ đô trong đoàn 1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh tham dự Đại lễ mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, lưu lại Học viện An ninh nhân dân, mẹ Sự yên tâm vì được ở giữa đồng đội của hai người con trai đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân…

Cận kề tuổi 85, nay ốm mai đau, mẹ Sự vẫn phấn chấn, hào hứng với chuyến đi Hà Nội đúng dịp lễ trọng. Đây là lần thứ 2 mẹ ra Hà Nội, lần trước, cách đây hơn chục năm, cũng trong lần hành hương Nhà nước tổ chức riêng cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cặm cụi nuôi giấu cán bộ, rồi tiễn chồng, tiễn hai người con trai lên đường ra trận, lần lượt chứng kiến chồng và các con ngã xuống, niềm an ủi lớn lao của mẹ Sự cũng như bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác đơn thuần chỉ là: mai này nước nhà thống nhất, được về thăm Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác Hồ.

Những ngày tháng 10 năm 2010 lịch sử, đi trong đoàn quân các Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động tới với mảnh đất 1.000 năm, không chỉ mẹ Sự, mà cả các con, các cháu mẹ cũng lây lan niềm tự hào. Con trai út của mẹ, Đại úy Nguyễn Sơn, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Nam hồ hởi: "Nhìn thấy mẹ ở trên tivi hai lần liền, mừng quá, tôi gọi điện cho anh Bốn ngay. Mẹ mặc áo dài tím, ngồi ngay hàng ghế đầu, cười suốt. Cả nhà tôi ai cũng phấn khởi và hãnh diện".

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, mẹ Sự, nghiễm nhiên, tôi luyện cho mình bản năng ham tranh đấu từ nhỏ. Lấy chồng, sinh liền một lúc bốn cậu con trai, như bao người phụ nữ khác ở xã nghèo Duy Hòa của huyện nghèo Duy Xuyên, mẹ Sự cũng chỉ biết tần tảo với việc nhà nông, chăm con cho chồng rảnh rang lo việc nước. Lần hồi cặm cụi nuôi con, trong bối cảnh kẻ xâm lược những năm 1960 đã biến Duy Hòa thành một vùng "dồn" dân, một "ấp chiến lược" khổng lồ, mẹ Sự những mong, sau này được dựng vợ cho con, kén dâu cho mình.

Nhưng rồi, hai cậu con trai đầu, lớn lên một chút, lại lần lượt, theo cha, theo các chú đi đánh trận. Anh Nguyễn Dự, con trai đầu của mẹ tham gia lực lượng Công an nhân dân, chiến đấu ngay tại vùng đất lửa Duy Xuyên gian khó. Nguyễn Ngữ, người con trai kế tiếp theo chân anh hai, trốn mẹ đi làm du kích, xung vào hàng ngũ những chiến sỹ gan lỳ bám trụ ở ngay quê hương mình. Chồng và hai người con trai lớn đi miết, mẹ Sự ở nhà, vừa lo chạy giặc, chống càn, vừa tảo tần với việc đồng áng, nuôi dưỡng hai cậu con trai út và che giấu, bao bọc cho cán bộ.

Ở Duy Hòa, hầu như gia đình nào cũng một cảnh ngộ như nhau, đàn ông thay nhau đi chiến đấu, dằn lòng để lại ở nhà những người phụ nữ và các em nhỏ, tự trông coi nương tựa lẫn nhau.

Học viên Học viện ANND chăm sóc Mẹ VNAH Lê Thị Sự.

Năm 1969 là khoảng thời gian buồn đau nhất trong cuộc đời mẹ Sự. Chuỗi ngày u ám đó không chỉ hằn sâu thêm những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, mà còn đọng lại dấu ấn khó phai trong ký ức hai anh em Nguyễn Bốn, Nguyễn Sơn, khi ấy vẫn còn là những cậu bé trai mải chơi ham nghịch. Tháng 3/1969, chồng mẹ, ông Nguyễn Dư hy sinh trong một chuyến công tác.

Chưa kịp bình tĩnh lại, không đầy một tuần sau, mẹ lại nhận tin người con cả Nguyễn Dự anh dũng ngã xuống giữa trận chiến không cân sức với kẻ thù. Mẹ Sự gắng gượng, nén vào thẳm sâu nỗi lòng riêng, tiếp tục sống, chiến đấu, là điểm tựa cho những đứa con còn lại và những đồng đội của con mình. Lúc đó, Nguyễn Bốn 13 tuổi, Nguyễn Sơn 9 tuổi. Hai anh em đã tính chuyện bỏ nhà lên núi theo cán bộ, nhưng còn nhỏ quá, chưa được nhận nên đành bấm bụng chịu. Bi kịch vẫn tiếp diễn, vết thương mất chồng, mất con còn rỉ máu, sắc lạnh, năm 1973, đến lượt người con trai thứ, Nguyễn Ngữ, ra đi mãi mãi không về.

Gần 40 năm sau, Thượng tá Nguyễn Văn Bốn, cán bộ Phòng PA88 - Công an thành phố Đà Nẵng còn quay quắt, nghẹn ngào: "Anh Nguyễn Ngữ bị bom, mẹ tôi không tìm thấy thi thể. Sau trận đánh, mẹ tôi đi tìm anh, muốn đưa anh về mai táng, nhưng bom đạn cày xới tơi bời, anh tôi đã lẫn vào đất đai, cây cối".

Dù đớn đau đến cùng cực, mẹ Sự vẫn không gục ngã. Trong cuộc chiến đấu oai hùng của cả dân tộc, nỗi đau của sự hy sinh, mất mát chỉ nhân lên ý chí, nguồn sức mạnh chứ không bao giờ làm mỗi một con người buông xuôi, mất phương hướng. Mẹ Sự, cùng với bao người xung quanh mình, đã đi qua những ngày tháng đọng đầy nước mắt đó, dẻo dai, bình thản, bằng niềm tin tuyệt đối vào ngày chiến thắng đang dần xích lại.

Giữa chuỗi ngày bom rơi đạn réo đầy khốc liệt đó, Nguyễn Văn Bốn được các bác, các chú, những đồng đội của cha, của anh mình sắp xếp cho ra miền Bắc học. Nhiều năm liền, Nguyễn Văn Bốn trở thành học sinh của trường miền Nam tại Thái Bình, chăm chỉ đèn sách, để ngày Bắc Nam thống nhất, về lại quê hương, về với mẹ, với em trai, anh đã là đồng đội thực sự của cha, của anh, là một người lính Công an nhân dân đích thực.

Ở lại nhà, cùng mẹ trở thành cơ sở Cách mạng, nuôi giấu cán bộ, Nguyễn Sơn cũng âm ỉ ước mơ, được trực tiếp cầm súng, giống như cha, giống như các anh. Không yên lòng ngồi nhà, Nguyễn Sơn trốn mẹ lên núi, làm du kích, để trả thù cho cha, cho các anh. Đấy cũng là những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Sơn cũng theo anh Bốn, đi làm Công an, như một lẽ đương nhiên không cần so đo tính toán nhiều. Nếp nhà cùng với truyền thống hào hùng của quê hương, là điểm tựa vững chắc mà Thượng tá Nguyễn Văn Bốn và Đại úy Nguyễn Sơn luôn khắc ghi, giữ gìn trong bước đường công tác của mình suốt những năm tháng qua. 

Trong gia đình mẹ Sự, còn những người chị em dâu của mẹ, sinh sống ngay tại xã Duy Hòa, cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mưu là liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Trầm vừa mới qua đời, không bao lâu trước thời điểm xuất phát của Đoàn 1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh về thăm Thủ đô, nên Mẹ không kịp theo mọi người trong chuyến đi ý nghĩa này.

Những ngày ở Hà Nội, được vây quanh bởi những học viên của Học viện An ninh nhân dân, mẹ Sự và các Mẹ VNAH trong đoàn thấy gần gũi, ấm áp như ở nhà, như đang được quây quần sum vầy giữa con cháu, người thân. Những câu chuyện ngược dòng từ quá khứ, chính là sợi dây vô hình, gắn kết những bà lão lưng còng, tóc bạc, với những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, đang chập chững từng bước đi đầu tiên trong hành trình sự nghiệp của mình

Khánh Bằng
.
.
.