Ai đào chân đập hồ Đại Lải?

Thứ Ba, 13/09/2005, 08:56

Hàng ngàn mét khối đất ở khu vực gần chân đập hồ Đại Lải bị đào lên nhưng hiện nay vẫn chưa xác định được ai là “tác giả”. Lãnh đạo Công ty Nhật Hằng cho rằng: một số người có đất trong khu vực dự án tung tin như vậy để ngăn cản công việc của Công ty.

Sau khi bài hồ Đại Lải đang bị "xẻ thịt" được đăng tải, ngày 10/8/2005, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4468/VPCP gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ "giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ NN&PTNT kiểm tra, đánh giá cụ thể, báo cáo Thủ tướng".

Ngày 11/8/2005, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có Công văn số 303 “về việc kiểm tra tình hình sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi” gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, ngày 27/7/2005, Cục Thủy lợi đã thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Đại Lải với sự phối hợp của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc; Công ty Khai thác công trình thủy lợi Mê Linh.

Trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải hiện có 4 đơn vị đang thực hiện dự án kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí; trong đó chỉ 1 đơn vị có giấy phép; 3 đơn vị không có giấy phép và khoảng 20 trường hợp làm nhà để kinh doanh  nhà hàng, khách sạn. Từ thực tế này, Cục Thủy lợi kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Mê Linh và các cơ quan liên quan tiến hành:

- Điều tra, đánh giá toàn bộ hiện trạng quản lý khai thác của hồ, xây dựng quy hoạch sử dụng hồ cho các mục đích theo hướng khai thác sử dụng tổng hợp; xây dựng phương án sử dụng đất trong vùng phụ cận thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Đại Lải; trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Cắm mốc phạm vi bảo vệ.

- Điều tra, đánh giá tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình hồ Đại Lải, những trường hợp có trước năm 1994 và những trường hợp có sau năm 1994. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ làm thủ tục cấp phép theo quy định của pháp luật.

Những vết xe xích chứng tỏ đất mới được đổ và đầm lại.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, những trường hợp này phải dỡ bỏ, di dời khỏi phạm vi bảo vệ; đối với những trường hợp cho phép tồn tại nhưng không được làm ảnh hưởng đến công trình và phải tuân theo đúng quy định của pháp luật.

- Kiểm tra, giám sát và tiến hành lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ hồ.

Yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng (đơn vị có giấy phép) tạm dừng thi công để xem xét và kiểm tra việc triển khai san nền thực tế so với giấy phép được cấp theo Quyết định số 1577 ngày 8/7/2005 của Bộ NN&PTNT.

Yêu cầu Công ty TNHH Đạt Tiến, Công ty TNHH Đại Lải Việt NamCông ty Đầu tư Xây dựng hợp tác quốc tế Hùng Vương có dự án hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ, nhưng chưa có giấy phép dừng ngay các hoạt động san, đào nền trong phạm vi bảo vệ hồ. Xử lý nghiêm những hoạt động vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

Trở lại với dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng. Theo thông tin từ bạn đọc, Công ty Nhật Hằng có xâm phạm vào phạm vi bảo vệ đập thủy lợi và “xóa dấu vết” bằng cách đổ đất trở lại khu vực đã đào?

Chiều 26/8/2005, chúng tôi đã trở lại khu vực công trường thì không còn cảnh những chiếc máy xúc hối hả múc đất từ ven bờ đổ lên những chiếc xe tải hạng nặng để chở ra khu vực san lấp như một tháng trước đó; toàn bộ công trường giờ là khu đất vắng lặng. Theo ghi nhận của chúng tôi, có nơi đập đã bị đào đến chỉ cách thân đập chính 7m, còn nhiều chỗ tại khu vực sát mép nước chỉ cách thân đập 20m vẫn hằn những vết xích máy ủi có thể thấy rất rõ hoàn toàn là đất mới được đổ lại. Chất đất mới đổ hoàn toàn khác với đất nguyên thổ.

Ngày 29/8, trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng khẳng định, Công ty Nhật Hằng đã làm đúng theo giấy phép được cấp là nạo vét lòng hồ để lấy đất san lấp mặt bằng và không hề đào đất ở khu vực cấm. Trả lời câu hỏi có hay không việc đổ đất lấp lại những hố trước đó đã đào xâm phạm vào khu vực bảo vệ chân đập, bà Hằng khẳng định không có chuyện đó.

Theo bà Hằng, do trong quá trình thực hiện dự án này, còn một số người có đất trong khu vực dự án chưa nhận đền bù và đang tìm mọi cách cách ngăn cản Công ty Nhật Hằng thực hiện dự án nên đã tung tin như vậy (?). Ngoài ra, có một số người đã đến đào đất ở khu vực gần chân đập, nhưng do chưa có cơ quan nào kiểm tra nên chưa thể biết được đó là ai?

Như vậy rõ ràng là có việc đào hàng ngàn mét khối đất ở khu vực gần chân đập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu Công ty Nhật Hằng không đào và sau đó đổ lại (như khẳng định của bà Tổng Giám đốc) thì là ai?

Nguyễn Thiêm
.
.
.