Ai đã bao che cho “vua đất” Lý Kông Sinh?

Thứ Sáu, 15/04/2005, 16:28
Chiều 10/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố bị can về 2 tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" và bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, ông Lý Kông Sinh.

Khi những thửa đất công đã bị ông Chủ tịch xã và đàn em bán hết mà nhu cầu mua đất của những “người Hà Nội” ngày càng lớn thì ông chủ tịch, người có trách nhiệm lo cho đời sống của hàng ngàn người dân lại nghĩ đến trò cướp đất của dân để bán, thu lợi cá nhân.

Nhiều gia đình bị lâm vào cảnh không còn tấc đất cắm dùi vì bị ông chủ tịch xã cướp đất. Trong số đó có cả những người là họ hàng, nhưng Lý Kông Sinh cũng không tha. Đó là trường hợp của các anh Trịnh Duy Long ở thôn Đồng Câu.

Năm 1991, sau khi nhận lô đất của UBND huyện Mê Linh, anh Long tự bỏ tiền ra trồng rừng cùng Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ. Năm 1995, thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về giao đất giao rừng, gia đình anh được giao 12 ha đất rừng. Nhưng tới năm 1989, Chủ tịch xã Lý Kông Sinh bán lô đất bên cạnh khu đất gia đình anh Long với diện tích trên giấy bán là 10 ha.

Tới năm 2003, khi đất Ngọc Thanh lên cơn sốt, những người này mới lên lấy đất, tuy nhiên lúc này khi đo thực tế, khu đất chỉ có 3 ha. Để có đủ 10 ha đất giao cho khách, Lý Kông Sinh cho rào luôn sang phần đất nhà anh Long xuyên vào giữa rừng thông mà gia đình anh đang quản lý.

Trước việc bị cướp đất trắng trợn như vậy, anh Long làm đơn gửi xã, Lý Kông Sinh gọi 3 người mua đất lên dàn xếp nhưng anh Long không chấp nhận. Mặc dù vậy, những chủ đất mới sau đó vẫn đốt dọn rừng, làm cháy gần 1 ha rừng thông của anh Long. Khi anh Long trồng lại diện tích này thì năm 2003, Lý Kông Sinh lại cho người lên nhổ hết hơn 1.000 cây thông non mới trồng.

Bi kịch nhất là trường hợp gia đình anh Dương Văn Thắng. Năm 1992, anh Thắng và gia đình đến thôn Khuân Boong xã Ngọc Thanh mua lại 40 ha rừng của anh Bình để trồng chè, nuôi gia súc làm kinh tế. Mọi chuyện đang thuận lợi thì năm 1996, Lý Kông Sinh đến gặp anh Thắng và nhận phần đất này là của mình, đồng thời đề nghị anh Thắng muốn tiếp tục sử dụng thì mua lại với giá 6 triệu đồng/ha.

Năm 1999, theo quy hoạch, khu đất gia đình anh Thắng đang sử dụng nằm trong dự án xây dựng Trạm Nghiên cứu đa dạng sinh học xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh. Biết được tin này, Lý Kông Sinh đã đến gặp anh Thắng, đưa lý do anh Thắng đang ở trên phần đất của mình nên anh Thắng hay Lý Kông Sinh sẽ đứng tên sử dụng đất. Sau một hồi thỏa thuận, Lý Kông Sinh đã đưa ra giao kèo: “Chú đứng tên ở khu dưới này, còn phần trên để anh”.

Nói là làm, Lý Kông Sinh cho cháu là Lý Văn Lương cùng hai người vào đo đạc phần đất nhà anh Thắng và yêu cầu anh Thắng phải ký. Thấy mình bị ức hiếp vô lý, anh Thắng đã không ký vào biên bản đo đạc này. Ngày 26/9/1999, lợi dụng lúc anh Thắng đi vắng, Lý Kông Sinh đã dẫn Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng vào vườn chè, đếm cây ăn trái, nhà cửa... và bắt bố anh Thắng phải ký nhận.

Chính bởi việc làm tùy tiện không đúng pháp luật này mà sau đó gia đình anh Thắng chỉ được nhận hơn 12 triệu đồng tiền đền bù hoa màu, còn công sức khai phá đất hoang và trồng rừng thì công cốc!

O ép về đất đai chưa đủ, khi gia đình anh Thắng bị "khủng bố" buộc phải rời khỏi phần đất đã nuôi sống gia đình từ năm 1993, gia đình anh đã “đề nghị chính quyền tạo điều kiện cấp đất ở nơi khác, cho nhập khẩu ở xã Ngọc Thanh để gia đình ổn định cuộc sống”, nhưng Lý Kông Sinh lại thản nhiên nói rằng: "Chú mua đất thì được chứ chúng tôi không cấp đất". Thương cha già và vợ con, anh Thắng đành đem số tiền đền bù mua một mảnh đất, cất căn nhà tạm để ở.--PageBreak--

Anh Thắng cũng 6 - 7 lần làm đơn xin nhập khẩu vào xã Ngọc Thanh, trưởng khu đã có ý kiến chấp thuận nhưng Lý Kông Sinh không cho làm, còn nói: “Riêng chú thì không nhập khẩu được”. Hậu quả là cho tới lúc này anh Thắng vẫn là người “vô hộ khẩu”.

Có hay không sự bao che?

Điều khiến nhiều người quan tâm đặt câu hỏi là tại sao sai phạm của Lý Kông Sinh diễn ra trong một thời gian dài và nghiêm trọng như vậy mà không bị chính quyền huyện Mê Linh (cũ) và thị xã Phúc Yên xử lý dứt điểm? Sau khi số báo phát hành, chúng tôi đã về xã Ngọc Thanh và có buổi làm việc với Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Sồi. Khi biết chúng tôi ở Chuyên đề ANTG, ông Sồi nói rằng ông “có nghe nói Chuyên đề ANTG đăng vụ việc ở xã Ngọc Thanh nhưng ông chưa được đọc vì không mua được báo”.

Theo chúng tôi được biết, phần lớn số Chuyên đề ANTG đó khi đưa về Vĩnh Phúc đã được một nhóm người đi mua vét sạch. Một đồng nghiệp ở Báo Công an Tp.HCM cũng cho biết thêm, thời điểm Báo Công an Tp.HCM đăng loạt bài về Ngọc Thanh, người dân ở đây cũng không thể mua được báo vì đã có người mua toàn bộ(?!).

Nếu xâu chuỗi toàn bộ sự việc sẽ thấy có nhiều điều không bình thường của chính quyền xã Ngọc Thanh và UBND thị xã Phúc Yên trong vụ việc này. Sau khi Báo Công an Tp.HCM đăng những bài đầu tiên trong loạt bài điều tra, ngày 6/12/2004, Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã Ngọc Thanh đã có công văn gửi các cơ quan ở Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc. Trong công văn này có dấu và chữ ký của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Thanh phản đối những vấn đề mà Báo Công an Tp.HCM đưa ra.

Thậm chí, còn cho rằng những người đã đứng lên tố cáo những sai phạm của Lý Kông Sinh là: “Một số phần tử thuộc diện tiền án, tiền sự; một số thuộc vi phạm đã bị Đảng ủy, chính quyền xã xử lý”. Đồng thời trong công văn này còn khẳng định: “Qua các kết luận thanh, kiểm tra, đồng chí Sinh chưa có sai phạm gì”. Phải chăng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Ngọc Thanh bị Lý Kông Sinh thao túng trong một thời gian dài để phục vụ cho lợi ích cá nhân của ông ta?

Trong buổi tiếp xúc mới đây với chúng tôi, lý giải về việc ban hành công văn trên, ông Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đức Sồi không thể trả lời nổi mà chỉ phân trần rằng, việc này rất khó nói, cái thế buộc ông phải ký tên đóng dấu.

Chưa hết, ở cấp cao hơn là UBND thị xã Phúc Yên cũng có những hành động không bình thường trong việc bao biện cho những sai phạm của Lý Kông Sinh. Ngày 26/11/2004, UBND thị xã Phúc Yên đã có công văn số 534/HC-UB do ông Chủ tịch Nguyễn Văn Vịnh ký gửi Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, Vụ Báo chí - Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc... trong đó khẳng định: “Nội dung tố cáo ông Lý Kông Sinh chiếm dụng nhiều đất công như một "địa chủ cường hào mới" được Thanh tra Nhà nước huyện Mê Linh (cũ) xem xét giải quyết.

Tại kết luận số 10 ngày 2/10/2002 của Thanh tra Nhà nước huyện Mê Linh nêu ngày 12/9/1995 tại Quyết định số 02 của UBND huyện Mê Linh giao cho anh Lý Văn Xuân (con trai Lý Kông Sinh) 23,2 ha để trồng rừng. Việc giao số lượng đất rừng trên là đúng theo quy định tại khoản 2, điều 24 Luật Đất đai năm 1998... ở thời điểm UBND huyện Mê Linh cấp đất trồng rừng cho anh Xuân trong bìa hộ khẩu gia đình anh Xuân lúc đó 19 tuổi”.

Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả điều tra của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Vĩnh Phúc số 14/CV-PC15 ngày 14/1/2005 lại khẳng định rằng: “Lý Văn Xuân có tên thật là Lý Văn Nhật sinh ngày 7/11/1979”. Như vậy, tại thời điểm được giao đất năm 1995, Lý Văn Xuân mới 16 tuổi

Nhóm PVTS
.
.
.