ANTG Cuối tháng - 5 năm là bấy nhiêu tình

Thứ Bảy, 02/09/2006, 08:30

Giờ ngồi nhớ lại, mới thấy, bắt tay vào làm tờ ANTG Cuối tháng, thật sự chúng tôi đã phải vừa làm vừa "khai phá đường đi". Bí cái gì thì lên gặp Tổng biên tập trình bày để nhờ giúp gỡ rối.

Đối với tôi mọi việc diễn ra rất tình cờ: một lần tình cờ có mặt ở tòa soạn báo ANTG 100 Yết Kiêu; tình cờ gặp Tổng biên tập Hữu Ước xuống trò chuyện "dăm câu ba điều" và như ngẫu hứng rủ "về làm báo với anh cho vui!"... Lúc ấy, tình cờ tôi cũng đang có ý định tìm nơi làm việc mới để đổi không khí, nhưng quả thực là trước khi gặp anh Hữu Ước hôm đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày mình sẽ trở thành "thuộc cấp" của anh.

Sau một đêm suy nghĩ, tỉnh dậy thấy một vạt tóc của mình bỗng dưng bạc trắng, tôi quyết định "đầu quân" về ANTG. Phải mất hai năm mới hoàn thành thủ tục chuyển từ toà soạn báo QĐND sang, nhưng chỉ vài ngày sau tôi đã thực sự "tâm phục, khẩu phục" với nơi mà mình đã chọn làm bến đỗ cho cuộc đời làm báo của mình.

Một vài tháng sau khi tôi cộng tác với ANTG với tư cách thành viên chính thức ... trong tương lai, Tổng biên tập Hữu Ước đề cập tới việc ra một ấn phẩm mới, chuyên đề ANTG Cuối tháng. Theo ý anh, báo ANTG bước vào tuổi thứ 5, đã đến lúc cần phải bổ sung vào diện mạo đang rất có uy tín của tờ hàng tuần một nội dung và phong độ khác, vừa nhất quán với những đặc trưng truyền thống, vừa có thêm những nét hấp dẫn và trí tuệ mới.

Hóa ra là từ lâu, Tổng biên tập đã có dự định làm tờ ANTG CT và chỉ chờ mốc 5 năm tờ tuần thì sẽ cho ra (càng làm việc lâu với Hữu Ước, tôi càng hiểu ra rằng, anh không bao giờ tiến một bước lên phía trước nếu anh không nhìn rõ hai ba bước, thậm chí năm sáu bước tiếp theo sau).

Tổng biên tập Hữu Ước giao cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (người danh chính ngôn thuận biên chế thuộc báo Văn nghệ nhưng từ lâu đã gắn bó với ANTG, được Tổng biên tập biệt đãi vừa như em, vừa như khách) và tôi phác thảo đề cương tờ báo mới. Khi đã thống nhất được những chuyên mục chính của báo, anh lập tức "bật đèn xanh" cho ra đời một ban biên tập do anh trực tiếp nắm.

Lúc ấy, Nguyễn Quang Thiều với tôi làm việc thực chất là chỉ trên cơ sở "hợp đồng miệng", cùng ba thành viên là nhân viên hợp đồng có ký giấy là hoạ sĩ Lê Tâm, hai phóng viên trẻ Trịnh Việt Đông và Tú Anh (sau này, ban biên tập đã có thêm nhà thơ Nguyễn Quyến, nhà báo trẻ Nguyễn Thiêm; Hiện nay, trong những cây bút chính của ANTG CT có nhà văn Như Bình, nhà viết kịch Thu Phương, hai nhà báo trẻ Dương Bình Nguyên và Trịnh Việt Đông...).

Công việc đã không dễ dàng nhưng đầy hứng khởi. Đội hình làm việc toàn những người tử tế, có văn hóa, tôn trọng nhau và đều cảm thấy đây là một cơ hội nếu không muốn nói là duy nhất thì cũng là lớn nhất để thực hiện những ý tưởng ấp ủ từ lâu trong mình về một tờ báo của trí thức có tham vọng trở thành hàng đầu ở Việt Nam. Liên kết tất cả là một niềm tin là kiểu gì thì cũng phải "thắng"!

Những ý tưởng mới nảy sinh liên tiếp, được thảo luận kỹ càng và lựa chọn khe khắt. Cứ thế dần dà hình hài của tờ báo mới đã được đắp bồi với nhiều chuyên mục mà ngay cả cái tên của chúng cũng tạo ra khá nhiều "đất" để người biên tập không phải bị quá bó buộc khi lựa chọn bài có thích hợp (Theo quan điểm của Tổng biên tập, nguyên tắc chính trong làm báo là bài hay và hấp dẫn và phải linh hoạt trong việc xếp bài, chứ không nên để mình rơi vào tình trạng cứng nhắc).

Chuyên mục "Trò chuyện cuối tháng" được coi là một trong những "cú đánh" chủ đạo, có thể tạo được hơi thở mới cho thể loại phỏng vấn còn hơn cả phỏng vấn này ở Việt Nam. Trong chuyên mục này cả khách lẫn chủ đều có tư cách như nhau, cùng đối thoại, bàn luận để tiếp cận chân lý và sự thật trong một không khí độc nhất vô nhị để có thể nói với nhau cả những điều mà không bao giờ và không ở đâu khác có thể nói.

Về sau, nhiều vị khách mời đã tâm sự rằng, bài trên ANTG Cuối tháng là bài mà họ coi là tâm đắc nhất trong tất cả những lần trò chuyện với các nhà báo. Một trong những khách mời của chuyên mục Trò chuyện cuối tháng gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với chúng tôi là nhà báo Hữu Thọ. Ông cũng là người duy nhất mà chúng tôi đã ba lần "trò chuyện cuối tháng" và lần nào cũng thu nhận được những ý tưởng mới mẻ về những vấn đề tưởng chừng đã cũ, đã "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"

Và thế là tới ngày 20/9/2001, số đầu tiên của chuyên đề ANTG CT đã tới tay độc giả. Trước khi báo đưa vào nhà in thì xảy ra vụ tấn công ngày 11/9 vào toà tháp đôi ở New York. Tổng biên tập Hữu Ước, đang công tác ở TP Hồ Chí Minh, lập tức bổ sung thêm bài "Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nước Mỹ bị tấn công hơn một tiếng đồng hồ". Nhờ thế, tờ nguyệt san của chúng tôi vừa có độ tĩnh cần thiết lại vẫn cập nhật được hơi thở thời sự. Đặc tính này trong suốt 5 năm qua đã luôn được cố gắng duy trì.--PageBreak--

Xong số thứ nhất, chúng tôi bắt tay ngay vào chuẩn bị số thứ 2. Mừng vì số báo có hồi âm tốt, nhưng Tổng biên tập Hữu Ước hơn ai hết hiểu rõ rằng, nếu không đưa ra được những "chưởng mới", vô tiền khoáng hậu thì khó có thể tạo nên thế thượng phong trong một thị trường báo chí nhiều lực lượng và lắm khát vọng như ở nước ta.

Tôi không rõ anh đã phải uống hết bao nhiêu ly rượu nhưng anh đã nghĩ ra được một độc chiêu: biết là kiểu gì Mỹ cũng sẽ tấn công Afghanistan (lúc ấy đang do Taliban cai quản), anh cử ngay hai cây bút vào hàng cự phách của toà soạn là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Phó Tổng biên tập ANTG Nguyễn Như Phong sang Pakistan với nhiệm vụ làm sao thổi được không khí nóng bỏng từ đó lên những trang báo các ấn phẩm của ANTG, cả tờ tuần lẫn tờ cuối tháng.

Đồng thời, anh cũng quyết định cho ra thêm tờ ANTG Cuối tuần (tờ này anh cũng giao cho tôi làm công tác thư ký, báo tồn tại được tới số 17 thì tạm đình bản ở mức phát hành gần 30 vạn bản mỗi kỳ)... Dự đoán của Tổng biên tập đã đúng: loạt bài của hai anh Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Như Phong gửi về từ Pakistan đã hâm được sự chú ý của độc giả khắp nơi đối với các ấn phẩm của ANTG. Hai "phóng viên sát chiến trường" của báo đã làm việc rất tích cực và hiệu quả với sự chỉ đạo và hỗ trợ hết mình của Tổng biên tập...

Tới tháng 8/2006, ANTG CT đã ra được số 60. Nhìn lại thấy thời gian trôi nhanh như một giấc mơ. 5 năm là bấy nhiêu ngày niềm vui xen lẫn nước mắt. Làm một tờ báo hay thì bao giờ cũng ngọt bùi và cay đắng hòa quyện. Và nguy hiểm nữa, vì ta bị rơi vào vị trí của một người múa võ giữa chợ, sở trường sở đoản gì cũng lộ ra hết trong con mắt nhìn phần nhiều săm soi của thiên hạ.

Làm một tờ báo như ANTG CT với phong độ đang có của nó lại càng là một quá trình không đơn giản. Sống thành thật là việc cực dễ  nhưng cũng cực khó. Làm báo thành thật cũng vậy, bởi khi ta quá thành thật, ta rất dễ bị nghi ngờ là ta đang giả dối. Đã có không ít những lần tờ báo tưởng như lâm nguy chỉ vì vô tình bị hiểu lầm hay cố tình hiểu lầm...

Giờ ngồi nhớ lại, mới thấy, bắt tay vào việc lúc ấy, thật sự chúng tôi đã phải vừa làm vừa "khai phá đường đi", bí cái gì thì lên gặp Tổng biên tập trình bày để nhờ giúp gỡ rối. Lắm lúc, sắp tới ngày ra báo mà bàn nát nước vẫn chưa biết chọn ai làm khách mời cho chuyên mục Trò chuyện cuối tháng để vừa "nóng" vừa sinh động, anh Nguyễn Quang Thiều và tôi lại kéo vào phòng Tổng biên tập ngồi uống rượu và xin ý kiến. Thường là Tổng biên tập suy nghĩ rất nhanh và tìm đươc ngay nhân vật cần thiết...

Vốn là người "lặn lội" rất sâu vào mọi mặt đời thường nên anh Hữu Ước biết rất rõ vấn đề, nhân vật, sự kiện và cách đi bài cần thiết để báo hấp dẫn. Mới gặp anh Hữu Ước, đôi khi ta có cảm giác như anh hành xử rất "vĩ mô", nhưng thực ra đây là con người cực kỳ kỹ tính trong "vi mô": anh tỉ mỉ từng chữ (tất nhiên là những chữ mà anh cho là quan trọng), từng vị trí đặt tên tác giả,  từng đồng nhuận bút cho từng bài (anh quan niệm, nhuận bút phải tương xứng với chất lượng bài viết và tốt nhất nên đánh giá chất lượng bài viết bằng mức nhuận bút chứ không chỉ bằng những lời khen hay chê)...

Việc đặt tên những người tham gia làm báo, ai trước ai sau, khi nào trước khi nào sau, cũng đều là những thông điệp tuy không nói thành lời nhưng lại rất có tác dụng đối với việc tạo nên không khí làm báo lành mạnh và có hiệu quả nhất... Anh Hữu Ước biết cách tạo ra cảm giác là chỉ làm việc với anh, ta mới có thể phát huy hết tiềm năng mà của đáng tội, những người trót mang trong mình dòng máu văn nghệ sĩ hay suy tưởng rằng mình rất dồi dào nhưng lúc nào cũng chưa có đủ đất dụng võ!..

5 năm trôi qua, đã có những cuộc chia tay không hẹn trước ngay trong chính đội hình những người làm tờ ANTG CT. Và phải nói rằng, nhớ lại và còn lại trong lòng chúng tôi chỉ là những kỷ niệm đẹp về một thời "đồng cam" làm báo... Để làm nên ngày hôm nay là đóng góp của nhiều cây bút, của nhiều thế hệ cộng tác viên và sự ủng hộ nhiệt thành, trước sau như một của đông đảo độc giả. Tôi luôn tâm niệm rằng, để tri ân những tri kỷ như thế, không có cách gì khác là phải tiếp tục làm việc hết mình để tờ báo của chúng ta dù bao nhiêu năm trôi qua vẫn giữ được hồn cốt căn bản đã có từ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy"...

.
.
.