ADN “phá” kịch bản tống tiền

Chủ Nhật, 06/05/2007, 08:32

Cô gái mà nhà đầu tư nước ngoài đã “gặp trong 1 đêm” đồng ý cho anh đón “đứa con” đi với điều kiện anh phải hỗ trợ cho cô 1 tỉ đồng để cô có thể bỏ cái mảnh đất nơi cô đã sinh ra thằng bé mà đi mãi mãi.

"Con người có thể dối lừa nhưng ADN thì không"

GS Lê Đình Lương, người sáng lập ra Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền, đã trả lời tôi như vậy khi tôi cứ mãi băn khoăn về việc, tại sao ADN có thể chỉ ra được "ai là ai"?

Ông cho biết, thực ra nguyên lý của các xét nghiệm ADN không hề phức tạp. Bắt nguồn từ phát minh của Kary Mulis về Phản ứng nhân ADN đặc hiệu (PCR). Ngày nay PCR trở thành kỹ thuật được sử dụng hàng ngày trong các phòng thí nghiệm sinh học phân tử trên khắp thế giới, mà ứng dụng thực tế hàng đầu của PCR là xét nghiệm ADN.

Theo di truyền học, 23 nhiễm sắc thể có trong tế bào trứng của người mẹ và 23 nhiễm sắc thể có trong tinh trùng của người cha kết hợp với nhau để sinh ra người con. 46 nhiễm sắc thể này có trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta - 23 lấy từ mẹ và 23 lấy từ bố. Xét nghiệm ADN cho phép kiểm tra xem có đúng người con lấy nhiễm sắc thể của người bố nghi vấn hay không. Xét nghiệm huyết thống bằng ADN là cách xét nghiệm chính xác nhất hiện nay.

Giáo sư Lê Đình Lương, người sáng lập Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1977, được phong hàm GS năm 1992, phụ trách Phòng thí nghiệm Di truyền phân tử, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam.

Tất cả mọi người có nhu cầu xác định quan hệ huyết thống bằng phân tích ADN đều có thể được GS Lê Đình Lương tư vấn qua điện thoại 04-7540602 tại Phòng 108, E3, khu Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.

Nếu các mẫu ADN của mẹ, con và người bố nghi vấn khớp với nhau trong từng phép thử thì độ chính xác của quan hệ huyết thống đạt tới 99,9% hoặc cao hơn. Điều đó có nghĩa là trên thực tế, người đàn ông được xét nghiệm ở đây chính là bố của người con.

Nếu các mẫu ADN giữa người con và người bố nghi vấn không khớp với nhau trong hai mẫu thử hoặc nhiều hơn thì người đàn ông này đích thực không phải là cha của đứa trẻ.

GS Lê Đình Lương kể, ý tưởng ứng dụng một công nghệ cao vào thực tiễn Việt Nam, nảy sinh trong ông từ năm 1988, khi ông mua  được máy PCR tại Moskva trên đường trở về Việt Nam từ Hội nghị Di truyền học XVI ở Toronto, Canada. Trong suốt gần 20 năm qua, kể từ khi có được chiếc máy này ông và các cộng sự đã thực hiện trên 2.000 thí nghiệm để hoàn thiện từng khâu trong quy trình xét nghiệm ADN.

Cho mãi đến năm 2005 thì Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền mới chính thức được thành lập và dịch vụ xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga nhớ lại, dù đã làm trên 2.000 thí nghiệm nhưng trước khi mở dịch vụ làm cho khách hàng, GS Lương vẫn còn cẩn thận đem bản thân cùng vợ và các con ra để... thí nghiệm thêm một lần nữa. Đầu tiên là lấy mẫu máu của từng người rồi ghi tên - mẫu này của bố, mẫu này của mẹ, mẫu này của con 1, mẫu này của con 2. Những học trò của GS Lương bắt đầu làm xét nghiệm và mặc dù các mẫu đã được mã hóa, họ vẫn đoán được và reo lên: "Thầy ơi, cô ơi, đây đích thị là các con của cô và thầy rồi”. GS Lương bật cười: “Có mỗi một loại mẫu, lại trong cùng một ca thì dễ đoán quá”.

Lần thứ hai không lấy mẫu máu nữa mà lấy mẫu móng tay, cũng không ghi tên của ai mà chỉ đánh số 1, 2, 3, 4, 5. Mà lần này lại có những 5 mẫu chứ không phải 4 như lần trước.

Phân tích ADN trong phòng thí nghiệm.

Làm xét nghiệm xong, đám học trò ngập ngừng, mãi mới dám thông báo kết quả: "Thầy ơi, thầy đừng buồn, mẫu số 4... không phải là con thầy”. Lần này, đến lượt vợ chồng GS Lương reo lên: "Mừng quá, thế là chính xác rồi”, bởi chính tay ông bà đã đưa thêm mẫu móng tay của đứa con một người bạn vào và đánh số 4.

Câu chuyện của GS Lương đưa tôi, một nhà báo mù tịt về công nghệ sinh học, hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thì ra, mẫu móng tay cũng xét nghiệm được ADN ư? GS Lương bảo: “Chả phải chỉ có máu và móng tay đâu. Xét nghiệm huyết thống có thể tiến hành với nhiều loại tế bào như tế bào bên trong má, mẫu mô, tinh trùng... Các xét nghiệm sẽ có cùng độ chính xác như nhau, vì tất cả các tế bào trong cùng một cơ thể đều có cùng một loại ADN”.

GS Lương còn cho biết thêm, không có giới hạn nào về tuổi khi xét nghiệm huyết thống. Trẻ con có thể xét nghiệm từ khi chưa sinh ra bằng nước ối. Và nữa, sẽ chẳng có gì khó khăn trong việc lấy mẫu bởi chỉ cần một lượng mẫu rất nhỏ: vài ba giọt máu, một tăm bông có chứa tế bào niêm mạc miệng, thậm chí chỉ một mẩu nhỏ của cuống rốn sau khi rụng cũng có thể thực hiện được xét nghiệm ADN.

Cũng chính bởi những lý do đó mà xét nghiệm ADN là xét nghiệm có độ chính xác cao để xác định quan hệ huyết thống. Con người với những toan tính có thể dối lừa nhưng ADN thì không.

Lật tẩy một kịch bản tống tiền

Bà Nga nhớ lại, có một lần, trung tâm được đón một vị khách đặc biệt. Đó là một người đàn ông trung niên, trắng trẻo, lịch lãm, đi một con "Mẹc" đen bóng. Người khách ấy đặc biệt không phải bởi dáng vẻ bề ngoài phong lưu mà bởi câu chuyện anh ta đem tới.

Đó là một người Hà Nội gốc, ở trong một biệt thự Pháp trên phố cổ và lớn lên cùng với sự giáo dục quá cầu kỳ của một gia đình sang trọng. Mười tám tuổi, học xong phổ thông, anh không chỉ đỗ đại học mà còn thừa điểm để đi học ở nước ngoài. Trong thời gian học, vì trót đem lòng yêu thương một cô gái người bản xứ học cùng lớp, đẹp như thiên thần, anh đã kết hôn và định bụng sẽ ở lại.

Cha mẹ anh ở Hà Nội thậm chí đã từng tuyên bố nếu anh ta lấy vợ người ngoại tỉnh thì coi như chưa từng lấy vợ nên khi biết tin con trai mình sẽ rước về một cô dâu Tây thì ông bà đã mấy phen toan tự tử. Nhưng tình yêu ở người trẻ có sức mạnh vô biên nên anh thừa can đảm để vượt qua mọi thứ lễ giáo, ràng buộc.--PageBreak--

Họ sống chung với nhau không cưới cheo, cũng không cần hôn thú, ở một đất nước xa xôi cách Hà Nội đến nửa vòng trái đất nên cha mẹ anh cũng chả biết mà đau. Với họ, anh vẫn là người đàn ông chưa một lần kết hôn.

Mười năm sau, anh về nước với tư cách một nhà đầu tư nước ngoài cực kỳ giàu có. Nhưng ngoài tiền ra, anh như một người trắng tay. Không con cái, không tình yêu. Cuộc hôn nhân với cô gái Tây ngày xưa đã tan vỡ từ lâu bởi một lý do đơn giản, cô ta nhất định không chịu sinh con. Tại Việt Nam, anh là người phụ trách một dự án ở một tỉnh vùng cao phía Bắc. Hai năm sau khi kết thúc dự án, anh lại lên đường trở về đất nước ở bên kia bán cầu, nơi anh đã nhập cư.

Một năm sau, vào một ngày đẹp trời, bỗng dưng anh nhận được một cú điện thoại. Ở bên kia ống nghe là giọng một người phụ nữ, nói tiếng Việt. Cô ta hỏi thăm anh ríu rít rất nhiều chuyện. Mãi anh mới lờ mờ nhận ra, đó là cô Mai bán quán nước ven đường quốc lộ, người đã từng cho anh tá túc vào một đêm mưa rừng, khi cơn giông tố ập đến quá bất ngờ khiến anh không kịp quay trở lại thị xã nơi có văn phòng dự án của anh.

Ríu rít mãi rồi Mai cũng phải nói những điều cô ta cần nói. Cô thông báo rằng, đã sinh cho anh một đứa con trai. Bây giờ cô phải lấy chồng. Cô ta đã gửi giọt máu của anh cho một người đàn bà câm điếc ở gần nhà nuôi dưỡng để khỏi phiền lụy đến cuộc sống riêng của cô. Nhưng cuộc sống của cô hiện giờ rất khốn khổ. Người chồng mới của cô nghiện ma túy nặng. Cô sợ rằng, cô sẽ không còn sức để chu cấp nuôi con. Nhưng cô không muốn đưa thằng bé về  Hà Nội cho ông bà nội vì cô sợ làm mất danh giá của gia đình anh.

Nói rồi cô khóc và buông máy...

Kể từ đó, hàng đêm anh luôn luôn chủ động gọi điện cho Mai. Lần nào cô cũng khóc. Anh vừa thương cô vừa mừng cho mình. Cảm ơn số phận đã cho anh một đứa con, một báu vật mà suốt gần một chục năm ròng sống với người vợ Tây, lúc nào anh cũng đau đáu ước ao nhưng không được.

Cũng kể từ đó, anh thường xuyên gửi tiền về cho người đàn bà kia và hầu như chưa bao giờ từ chối bất cứ yêu cầu nào của cô ta. Một số đồng nghiệp khuyên anh nên đón thằng bé sang sống cùng anh. Anh cũng đã dè dặt một lần bày tỏ ước nguyện nhưng cô ta khóc và cho rằng đó là một hành động tàn nhẫn.

Cứ thế, được chừng 3 năm thì đột ngột cô lại gọi điện cho anh. Lần này cô ta đồng ý cho anh đón đứa con đi với điều kiện anh phải hỗ trợ cho cô 1 tỉ đồng để cô có thể bỏ cái mảnh đất nơi cô đã sinh ra thằng bé mà đi mãi mãi. Bằng không, cô còn ở đấy ngày nào thì cô sẽ phát điên lên vì mọi xó xỉnh, ngõ ngách ở nơi này đều khiến cô nhớ đến thằng bé.

Hai ngày sau khi nhận được niềm vui bất ngờ mà cô ban phát, anh tạm gác tất thảy mọi công việc để bay về Việt Nam mang theo số tiền gấp chục lần mà cô yêu cầu chỉ với một mục đích phải đón bằng được thằng bé. Cuối cùng anh cũng tìm được đến nơi cô ở. Thằng chồng nghiện của cô vẫn ở nhà. Mai lén lút dẫn anh sang tận bên kia quả đồi, vào một căn nhà nhỏ.

Thằng bé lúc đó đã 7 tuổi, gầy gò, nhem nhuốc. Anh thương con, thương người đàn bà đã vô tình đi qua đời anh trong giây lát nhưng đã đem đến cho anh niềm hạnh phúc mà cả đời anh kiếm tìm. Một đứa con trai 100% dòng máu Việt, tóc đen, da vàng. Thằng bé đang sống cùng một người đàn bà cũng gầy quắt và xơ xác. Bà ta câm, không biết nói, chỉ ngồi lặng lẽ trong xó cửa nhưng lại được thằng bé gọi là mẹ và tỏ ra rất âu yếm.

Anh cho hai mẹ con một khoản tiền lớn rồi trở về Hà Nội để lo thủ tục xuất cảnh cho thằng bé. Lần này anh quyết định phải nói thật với cha mẹ. Nhưng trong khi anh đang mải mê với hạnh phúc thì mẹ anh, một người đàn bà từng trải, dường như đọc được điều gì đó bất thường trong câu chuyện tình thơ mộng này.

Hai tuần sau, không hiểu thuyết phục bằng cách nào mà bà đã đưa được người tình của anh và thằng bé về Hà Nội. Nhưng không phải về sống trong ngôi biệt thự sang trọng của gia đình mà về Trung tâm Phân tích ADN của GS Lương. Bà yêu cầu Trung tâm cho kết quả sớm nhất, với bất kỳ giá nào. Mẫu móng tay của con trai bà đã thủ sẵn trong túi. Chỉ cần lấy vài giọt máu của hai mẹ con thằng bé là xong.

Hai ngày sau, bà đến nhận giấy báo kết quả, trong khi Mai đang sống những ngày sung sướng nhất của cuộc đời trong một khách sạn 5 sao ở Hà Nội và tràn trề hy vọng vào món tiền khổng lồ sắp đoạt được. Kết quả giám định ADN thật bất ngờ. Thằng bé không phải là con của anh cũng chẳng phải là con của người đàn bà kia.

Thì ra, thằng bé ấy là con ruột của người đàn bà câm. Còn anh, trong cái đêm tá túc vì mưa rừng ấy, đúng là anh đã để lại một mầm sống trong Mai. Lúc ấy, Mai đã cặp với tay chồng nghiện bây giờ. Trong một cơn ghen, nó đã đánh cô đến trụy thai. Sau này, lại chính hắn bày ra màn kịch tống tiền này.

Chính hắn đã bắt cô đi mượn đứa con trai của người đàn bà câm điếc kia và định bụng sau khi nhận được món tiền 1 tỉ đồng  sẽ lại bắt cô dùng nước mắt và những lời đường mật để “đánh tháo” không cho anh đón thằng bé đi.

Thế là nhờ ADN một kịch bản tống tiền hoàn hảo bị lật tẩy. Nhưng anh không trách cô mà lại thấy thương cô hơn. Anh cho cô vài triệu đồng và thuê một chuyến taxi đưa cô và thằng bé về quê. Ít ngày sau anh rời Hà Nội, lòng vô cùng thanh thản và trước khi lên máy bay, anh không quên quay lại văn phòng xinh xắn ở khu Vĩnh Phúc để cảm ơn vợ chồng GS Lương và các nhân viên nơi này...

(Còn nữa)

.
.
.