A Roàng đổi đời nhờ đường Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 08/03/2005, 15:15

Khi sương mai còn chưa tan, hàng chục phụ nữ miền xuôi mang đủ loại hàng hóa có mặt trên đường Hồ Chí Minh. Bà con các dân tộc Vân Kiều, Pakô tụm năm tụm bảy, miệng cười tươi, tay chọn mua những thứ mình thích. Trẻ con nhiều đứa đầu cao chưa quá cái yên xe đạp, xúng xính trong những bộ cánh mới, vắt mình qua khung xe đến trường theo con đường mới mở...

Nhớ lại ngày 19/5/2001, kể từ khi công trình đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng được 1 năm, tôi có dịp lên A Roàng. Ông Phạm Tuấn Cường, Phó ban Điều hành dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Tổng Công ty Sông Đà) bấy giờ tâm sự: "Những ngày đầu mới đặt chân đến A Roàng, vất vả không sao kể xiết, đường sá chưa có, A Roàng nằm giữa một vùng rừng núi hoang vu, heo hút, đơn côi như một ốc đảo. Bà con dân tộc Vân Kiều, Pakô sống khép kín theo phương thức tự cung tự cấp, đời sống hết sức lạc hậu và khó khăn".

Trở lại A Roàng lần này, nhờ có đường Hồ Chí Minh nên tôi chỉ việc chạy xe máy một mạch từ Tp. Huế đến tận A Roàng. Dưới ráng chiều rực rỡ, những cô gái tuổi chừng mười tám đôi mươi, lưng trĩu nặng gùi chất đầy lá nón đi theo từng hàng dọc về nhà.

Hỏi chuyện, Alăng Khiết trả lời e ấp: "Đi lấy lá nón mới đây thôi, từ khi có đường Hồ Chí Minh, người Kinh mới lên thu mua, chứ ngày trước thì không. Đi hái một ngày bình quân được 40 nghìn đồng". Tôi đùa: "Giàu to rồi còn gì!". Khiết cười trong trẻo, nói: "Muốn đi thì lên đây mà đi, có đường Hồ Chí Minh đi đâu cũng được!".

Ông Hồ Đới, Chủ tịch Hội Nông dân xã A Roàng tâm sự: "Bữa nay có đường, trường, trạm nên người dân A Roàng sướng lắm, không còn sợ con ma, cái đói, không còn phải leo nhiều dốc nữa…". Ông Hồ Đới nói rõ mồn một những đổi thay của dân mình: "Nhờ cán bộ người Kinh tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật nuôi, trồng cho bà con nên năm nay năng suất lúa nước ở cả 8 thôn của xã đều đạt 47 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số thôn đạt rất cao như thôn Ka Lô 55 tạ/ha, A Roàng 1 là 150 tạ/ha và A Ka 2, A Ho đạt 52 tạ/ha. Diện tích ao cá toàn xã là 14,3 ha, bà con đã thu hoạch bán ra thị trường 22.500 con cá giống các loại… Có điện lưới quốc gia, bà con không chỉ dùng trong sinh hoạt mà còn dùng trong sản xuất và dịch vụ. Nhiều gia đình vươn lên làm ăn khá. Ví như hộ ông Hồ Còn ở thôn Kalô dùng điện để xay xát, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, bình quân mỗi năm thu lãi gần 20 triệu đồng… A Roàng một năm lại đây đã không còn hộ đói nữa"

Phan Thanh Bình
.
.
.