Sức sống mới của thành phố bên sông Hiếu

Thứ Hai, 04/02/2019, 10:19
Từ một xóm nhỏ vắng vẻ và chỉ là một trạm trung chuyển nhỏ cho những chuyến hoả xa Bắc - Nam ghé lại chở hàng của những nhà tư bản Pháp, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Đông Hà – mảnh đất nằm ở hạ du sông Hiếu hôm nay đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực vươn mình lên xứng tầm đô thị loại II…


Làng hoa trong lòng phố

Khoảnh khắc giao thoa của đất trời sang xuân thật ấm áp và thật gần mỗi khi ngắm nhìn những đóa hoa rực rỡ khoe sắc. Cảm giác ấy hiện rõ trong tôi khi đặt chân đến làng hoa An Lạc, phía Bắc dòng sông Hiếu.

Với truyền thống trồng hoa lâu năm, làng hoa như là sự điểm tô thêm sắc màu cho thành phố, là kế mưu sinh của những người dân sống nhờ phù sa bồi đắp và nguồn nước tưới tắm ruộng đồng từ dòng Hiếu giang xanh thẳm. Chính con sông này đã cho làng hoa An Lạc đặc ân bồi đắp phù sa hiếm nơi nào có được. Cây hoa trồng xuống đất đôi hôm đã bám rễ, vươn mình tươi xanh và cho ra những mùa hoa rực rỡ nhất.

Thành phố Đông Hà nổi tiếng với hoa An Lạc.

Anh Hoàng Hữu Khiêm, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa An Lạc trải lòng: “Bà con An Lạc đã theo nghề trồng hoa từ rất lâu. Trước đây, người trồng hoa chủ yếu trồng trong vườn nhà, chỉ để bán vào ngày rằm, mùng một hằng tháng. Bắt đầu từ năm 1983, nhiều gia đình trồng hoa chậu để phục vụ nhu cầu của người tiêu trong dịp lễ, Tết. Theo nhu cầu thị hiếu, những chậu hoa ngày càng được người trồng hoa đúc to hơn, mẫu mã đẹp hơn để trồng nhiều loại hoa như cúc, ly, vạn thọ, thược dược… An Lạc trở thành nơi cung cấp nguồn hoa chủ lực không chỉ cho riêng thành phố Đông Hà mà còn bán đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh”.

Tổ hợp tác hoa An Lạc có 18 hộ dân, ngoài trồng hoa vườn, bà con còn chuyên canh tập trung diện tích 2ha, thuộc khu phố 2, phường Đông Giang. Anh Khiêm cho biết, để tìm hướng phát triển chuyên canh hoa, ngoài giống hoa truyền thống như hoa cúc thì từ năm 2017 đến nay tổ trồng rất nhiều giống hoa hồng ngoại, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và đa dạng, phong phú thêm các loại hoa.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, làng hoa An Lạc mang về doanh thu trên dưới 3,5 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Kỷ Hợi năm 2019, Tổ hợp tác hoa An Lạc đã trồng khoảng 20 nghìn chậu hoa cúc và khoảng 15 nghìn chậu hoa các loại, như thược dược, dạ yến thảo, vạn thọ… đặc biệt, trồng hơn 5 nghìn chậu hoa hồng nhập ngoại.

Theo lời anh Khiêm, lâu nay, người dân ở An Lạc trồng hoa mang tính thời vụ, chủ yếu phục vụ vào dịp Tết chứ chưa phát triển thành vùng trồng hoa chuyên canh như các vùng trồng hoa nổi tiếng khác. Chính vì vậy, việc tìm hướng đi lâu dài và phát triển bền vững cho làng hoa An Lạc, đa dạng hóa sản phẩm và phục vụ nhu cầu quanh năm là vấn đề được người dân và chính quyền địa phương rất quan tâm, để vừa tăng thu nhập cho người trồng hoa, vừa giữ vững được thương hiệu làng hoa An Lạc. “Hiện tổ đang hướng đến sản xuất theo hướng chuyên canh.

Vừa rồi, tổ có 7 hộ dân nhận hỗ trợ từ Sở NN&PTNT và UBND thành phố Đông Hà đầu tư các loại nhà màng, theo nguồn hỗ trợ đóng góp 70/30 (người dân 70%) để trồng các loại hoa như hồng, đồng tiền cắt cành. Một tín hiệu vui khác là Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Đây là cơ sở quan trọng để hoa An Lạc khẳng định vị trí của mình không chỉ trong tỉnh mà còn vươn xa ra các thị trường khác.

“Khi xây dựng được thương hiệu và phát triển nghề trồng hoa theo hướng chuyên canh, chắc chắn thương hiệu hoa An Lạc sẽ được khắp nơi biết đến, đời sống của bà con sẽ được tăng cao hơn”, anh Khiêm lạc quan nói.

Đô thị bên sông Hiếu

Người xưa có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Xứ sở Đông Hà hình thành nên từ ba ngôi làng gồm Tây Trì, Đông Hà và làng Điếu Ngao, ôm gọn vào lòng mình cả ba ưu thế đó để trở thành trung tâm của tỉnh Quảng Trị về nhiều mặt. Trong kí ức của cư dân gắn bó với Đông Hà gần trọn đời người, Đông Hà hôm nay đã khoác lên một tấm áo mới. Những tòa nhà cao tầng, biệt thự mọc lên bên những hàng cây xanh mướt thay vì vài ba dãy nhà là trụ sở của các cơ quan nhà nước đơn điệu như cách đây hơn 15 năm về trước.

Một góc thành phố Đông Hà hôm nay.

Anh Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà ao ước, sông Hiếu, đoạn giữa cầu đường sắt và cầu Đông Hà nối quốc lộ 1A bắc ngang sông cần có một cây cầu nữa để tạo sự hài hòa cho giao thông thành phố. Có thêm cầu, thành phố sẽ phát triển cân bằng hơn về phía hai bên bờ sông.

Tương lai, khi các cơ quan ban, ngành xây dựng mới trụ sở mới về phía Bắc sông Hiếu, thuộc các phường Đông Giang, Đông Thanh, thì Đông Hà sẽ ôm gọn vào lòng dòng sông này tạo nên vẻ đẹp cảnh quan vừa tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa trên trục điểm tựa của đôi bờ sông trù phú.

Năm 2018, trong bối cảnh chung tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những khó khăn, chính quyền và nhân dân Đông Hà đã có những nỗ lực vượt bậc và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. 100% chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 12,1%; công tác phân cấp nguồn thu được tỉnh quan tâm, thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch; chi ngân sách đảm bảo theo dự toán triển khai thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 23,42% so với năm 2017 là nguồn lực quan trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển đưa Đông Hà đạt đô thị loại II đến năm 2020.

Nhìn xa hơn, Đông Hà chỉ cách những điểm đến như Thành Cổ, biển Cửa Việt, cầu Hiền Lương… trên dưới 15 cây số, đủ để tạo thành trung tâm, là điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách thập phương, góp phần tăng doanh thu phát triển kinh tế, du lịch. Để có một Đông Hà đầy sức sống hôm nay, người Đông Hà không quên cột mốc ngày 13-12-2005, Đông Hà được công nhận là đô thị loại 3.

Tiếp đó, năm 2009, Đông Hà trở thành thành phố thuộc tỉnh Quảng Trị. Sự phát triển khởi sắc cùng những cột mốc ấy là niềm tin và kỳ vọng để năm 2020, Đông Hà trở thành đô thị loại 2.

Tại hội nghị báo cáo quy hoạch Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều ý kiến tư vấn của chuyên gia cũng đã đưa ra nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; hoạch định chiến lược và không gian đô thị để xây dựng Đông Hà trở thành một trung tâm phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, văn hóa, dịch vụ, thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp của tỉnh; trở thành một trong những đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Mười năm, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ kí quyết định đưa thị xã Đông Hà trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; người dân Đông Hà luôn hết mình chung tay dựng xây nên một tầm vóc thành phố trẻ năng động, sáng tạo, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Ở đó, mỗi một người đều căng mình làm việc để những mong sớm nhân lên những hạnh phúc nhỏ bé cho người và cho đời!

Phan Thanh Bình
.
.
.