Nguy hiểm nghề phóng viên điều tra

Thứ Tư, 20/06/2018, 10:25
Không phải ngẫu nhiên làm báo được xếp vào loại nghề nguy hiểm. 

Làm phóng viên điều tra thường phải đối mặt với tiêu cực, tham nhũng và những mặt trái của xã hội để đưa những vấn đề đó ra ánh sáng pháp luật còn nguy hiểm hơn. 

Hạ tuần tháng 5, nữ nhà báo của Mexico Alicia Diaz Gonzalez bị sát hại ngay tại nhà riêng ở Monterrey. Đây là nhà báo thứ 5 của Mexico bị sát hại kể từ đầu năm 2018. 

Trước đó, vào cuối tháng 2, một phóng viên điều tra của Slovakia tên là Jan Kuciak bị sát hại cùng vợ tại làng Velka Maca... Là những minh chứng nói lên vinh quang và hiểm nguy đối với các nhà báo khi thực hiện các phóng sự điều tra...

Thông tin từ đài Al-jazeera cho hay, cậu con trai 20 tuổi Eduardo Andres là người đầu tiên tìm thấy thi thể của Alicica Diaz Gonzalez. Bà nằm sấp xuống sàn nhà tầng 1, xung quanh máu chảy lênh láng. Hãng tin AP cho hay, nữ nhà báo 52 tuổi này làm việc cho tờ El Financiero từ tháng 1 và đang thực hiện phóng sự điều tra về một băng nhóm buôn bán ma túy. 

Trước khi bị sát hại, Alicica Diaz Gonzalez đã nhận được nhiều lời đe dọa tính mạng. Đáng chú ý là hồi đầu tháng, một đồng nghiệp của bà là Juan Carlos Huerta cũng bị bắn chết khi đang trên đường trở về nhà ở ngoại ô Villahermosa, phía Đông Nam Mexico. 

Còn với trường hợp của nhà báo Jan Kuciak, báo chí Slovakia cho hay, anh bắt đầu làm việc từ 3 năm trước cho Aktuality.sk, một trang tin tại Slovakia thuộc Ringier Axel Springer, công ty truyền thông liên kết giữa Thụy Sỹ và Đức. 

Hồi cuối năm ngoái, Jan Kuciak từng viết những bài báo liên quan đến tình trạng tài chính ám muội hoặc trốn thuế của những công ty có liên quan đến các nhà đầu tư và thương nhân hàng đầu nước này. Những bài báo mới nhất của anh tập trung vào nhà đầu sỏ chính trị Slovakia Marian Kocner và các công ty của ông này. 

Thông tin chính thức từ cảnh sát Slovakia cho hay, nhà báo Jan Kuciak và vợ là Martina Kusnirova (27 tuổi) bị giết hôm 22-2 và phải 3 ngày sau thi thể của hai người mới được phát hiện. 

Vụ tấn công này có dấu vết của một vụ giết thuê. Jan Kuciak bị bắn vào ngực còn Martina trúng đạn vào đầu. Sau cái chết của Jan Kuciak, trang tin aktuality.sk vẫn cho đăng tải bài báo đang viết dở của anh mang tên "Mafia Italia trong lòng Slovakia, vòi bạch tuộc đã chạm đến thượng tầng chính trị". 

Tên và một bức ảnh màu nhỏ của tác giả được đặt trên hàng đầu tiên của bài báo. Bên cạnh đó, một bức ảnh đen trắng với kích cỡ rộng hơn được dựng lên trên một bức tường, xung quanh là nến và hoa, được đưa lên đầu trang. 

Hãng BBC cho biết, trong bài báo này, Jan Kuciak cáo buộc một số doanh nhân người Italia có quan hệ khăng khít với tổ chức tội phạm vùng Calabrian, 'Ndrangheta của Italia sang hoạt động ở phía Đông Slovakia. Nhưng vụ sát hại hai nhà báo Alicica Diaz Gonzalez, Jan Kuciak không phải là chuyện hiếm trên thế giới.

Thống kê mới nhất của tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho hay, 45 nhà báo tại 18 quốc gia đã thiệt mạng trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong khoảng thời gian nói trên là Afghanistan với 11 nhà báo bị sát hại, tiếp đó là Mexico và Syria (mỗi nước có 5 nhà báo thiệt mạng); Ecuador, Ấn Độ và Yemen (mỗi nước có 3 nhà báo bị sát hại); Brazil, dải Gaza, Guatemala và Pakistan (mỗi nước và vùng lãnh thổ có 2 nhà báo thiệt mạng). 

Các nước còn lại trong danh sách này Colombia, Haiti, Iraq, Liberia, Nicaragua, Nga, El Salvador và Slovakia. Còn theo thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ), trong năm 2017, số lượng nhà báo, phóng viên điều tra thiệt mạng do bị giết hại đã lên tới con số 60 người. 

Nhưng con số này cũng chỉ bằng một nửa so với số liệu thống kê cùng kỳ năm 2016 do IFJ đưa ra. IFJ cũng cho thống kê rằng, trong vòng 25 năm qua, hơn 2.300 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng trên toàn thế giới.

Ông Anthony Bellanger, Tổng Thư ký của IFJ khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Mười năm qua là quãng thời gian nguy hiểm nhất đối với những người làm báo, trong đó kỷ lục nhất là vào năm 2007 với 155 người thiệt mạng”. 

Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) công bố hồi cuối tháng 12 năm ngoái lại cho thấy, năm 2017, trên thế giới có gần 80 nhà báo bị sát hại, trong đó chủ yếu là ở vùng chiến sự, do nhiều nguyên nhân như kẹt giữa hai làn đạn, trúng bom đạn hoặc gặp nguy hiểm khi tác nghiệp. Syria tiếp tục dẫn đầu các quốc gia nguy hiểm nhất đối với báo giới, tiếp đó là Iraq và Mexico. 

Giám đốc Ban vận động của CPJ, bà Courtney Radsch trong bài phát biểu mới đây nói, cái đáng lo ngại nhất hiện nay không chỉ là số lượng nhà báo bị sát hại gia tăng mà là hiện tượng các nhà báo tại các quốc gia vốn nổi tiếng yên bình lại bị chết một cách bí ẩn. 

Phần lớn các nhà báo bị thiệt mạng là những người phụ trách về các vấn đề chính trị, nhân quyền, tham nhũng. Chẳng hạn như vụ sát hại bằng bom xe nhằm vào nữ nhà báo Daphne Caruana Gazlizia ở Malta hồi tháng 10 năm ngoái.

Hiện trường vụ sát hại nữ nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia ở Malta.

Hãng tin CNN của Mỹ cho hay, con trai nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia tên là Matthew Caruana Galizia và cũng là một nhà báo khẳng định mẹ của anh đã trở thành mục tiêu để tiêu diệt của những kẻ lo ngại bị phơi bày mặt xấu trong loạt phóng sự điều tra của nữ nhà báo. 

Daphne Caruana Galizia là một phóng viên điều tra nổi tiếng tại Malta. Bà đã thực hiện loạt bài điều tra liên quan đến “Hồ sơ Panama” nhằm lật tẩy nhiều nhân vật quyền lực gây ra tình trạng tham nhũng trong các lĩnh vực ngân hàng, kinh tế, ở Malta. 

Trước khi bị giết, Daphne Caruana Galizia từng báo cáo với cảnh sát về việc bà nhận được nhiều lời đe dọa tính mạng. Matthew Caruana Galizia kể rằng, trong suốt 30 năm theo đuổi nghiệp phóng viên điều tra, mẹ của anh đã có không ít kẻ thù và gia đình anh cũng không ít lần bị đe dọa. 

Andrew, em của Matthew thì nhớ lại: “Năm 1996, ai đó đã đốt lửa ngay trước cửa chính. Rồi có người bí mật cứa đứt cổ con chó nhà tôi rồi bỏ nó trên bậc thềm. Năm em tôi, Paul còn đang học Trường Kinh tế London, một nhóm người lạ đã ít nhất 2 lần định đốt nhà chúng tôi. Chúng tẩm xăng vào các lốp xe rồi quăng vào nhà… Chúng tôi đã lớn lên cùng những chuyện đó. Những cú điện thoại nặc danh, các thư đe dọa thường xuyên được để trước cửa nhà. Nhưng mẹ chúng tôi luôn trấn an tất cả và vẫn quyết tâm theo đuổi nghề của mình”…

Rõ ràng, số lượng các nhà báo bị sát hại trong mỗi năm cũng phản ánh các mối xung đột trên thế giới ngày càng gay gắt, trong khi đó tình trạng thủ phạm không bị đưa ra trước công lý ngày càng trầm trọng. 

Tính toán của CPJ cho thấy, vào riêng năm 2015, trong số 71 nhà báo thiệt mạng, thì có đến 69% chết vì bị giết hại, 24% là do xung đột và chỉ 7% là vì tham gia nhiệm vụ nguy hiểm. Và để bảo vệ các nhà báo, nhiều tổ chức, liên đoàn báo chí trên thế giới đã kêu gọi chính phủ các nước phải mạnh tay hơn nữa đối với tệ nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực đồng thời hỗ trợ tối đa cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp. 

Hồi tháng 2 năm 2015, Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí đã công bố những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột mang tên "Lời kêu gọi xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn toàn cầu". 

Tháng 3 năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng xuất bản một cuốn sách dành riêng cho các nhà báo của Giáo sư Jean-Paul Marthoz có tựa đề "Khủng bố và báo chí: Cẩm nang nghề báo" (Terrorism and the Media: A Handbook for Journalists). 

Ngoài việc giới thiệu những bí quyết hay trong khi tác nghiệp cho các nhà báo như thận trọng khi tuyên truyền các thông điệp hay thực hiện phỏng vấn với khủng bố, thì ấn phẩm này cũng dành hẳn một chương riêng chia sẻ về các vấn đề liên quan tới sự an toàn của giới báo chí khi tác nghiệp.

Gia Nam (tổng hợp)
.
.
.