Giáp Thị Thanh Tiến, nữ TNXP trong bức ảnh "Cầu người":

40 năm, vẫn lung linh một ước nguyện

Thứ Hai, 01/06/2009, 09:08
Dù đã hơn 40 năm nhưng bức ảnh "Cầu người" của nhà báo Phạm Thính (TTXVN) mãi mãi còn sáng lên nụ cười rất tươi của cô gái khi chị cùng đồng đội kê vai làm cầu đưa thương binh qua suối. Nhân vật trong bức ảnh chính là người con gái Bến Tre, Giáp Thị Thanh Tiến (Út Tiến), nữ thanh niên xung phong (TNXP).

Chị cũng chính là người cách đây đúng 40 năm, dưới bóng đêm và cơn mưa tầm tã giữa một cánh rừng Tây Ninh, đã thành kính ép tấm ảnh của Bác giữa lòng bàn tay, cùng đồng đội bí mật làm lễ tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng. Trong phút đau đớn ấy, cô tự hứa với lòng mình: nhất định ngày thống nhất đất nước sẽ đến tận nơi viếng Người. Thế nhưng, vì nhiều lý do, cho đến hôm nay, dù đã lên chức bà, tóc đã bạc nhưng ước mong nhỏ nhoi ngày xưa ấy vẫn chưa thành hiện thực.

Lên đường

Sau ngày Đồng Khởi, bà vẫn là cô Út của một gia đình 6 người con nhưng có truyền thống cách mạng tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. 16 tuổi, Út Tiến quyết định xin phép mẹ cha được vào lực lượng TNXP. Sau hơn 1 năm làm việc trong một đơn vị hậu cần, cô được điều chuyển về C20-12, đơn vị phục vụ mặt trận, thuộc Trung đoàn Bình Giã, Sư 9. Ngoài tải đạn, tải lương thực theo bộ đội trong các chiến dịch, nhiệm vụ của các cô là tải thương, sơ cứu thương binh trong các trận đụng độ với địch.

Sức con gái tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu", vác theo 40 đến 50kg trên vai, trèo đèo lội suối mà vẫn đi băng băng. Không sợ khó, chả sợ hy sinh nhưng lại sợ… ma. Trong 3 tiểu đội thuộc trung đội của cô thì có đến 2 tiểu đội là nữ, hầu hết lại là dân Bến Tre nên càng thương nhau.

Theo nguyên tắc đảm bảo bí mật, nếu địch phát hiện tiểu đội nào, hầm nào thì hầm đó tự chiến đấu, các hầm khác phải tuyệt đối giữ im lặng. Mới chuyển về đơn vị mới ít ngày đã đụng độ ngay một nhóm biệt kích. Chúng mò đúng khu hầm của một tiểu đội nữ. Hầm của Thanh Tiến cũng nằm rất gần. Thấy đồng đội chiến đấu, có chị không chịu được, toan nhảy lên lại bị lôi xuống. Khi tiếng súng dứt mới biết 5 tên địch đã bị tiêu diệt.

Tình người trong lửa đạn

Theo phục vụ đơn vị chiến đấu nên có những chiến dịch, chuyện nghỉ ngơi có khi chỉ được tranh thủ tính theo từng phút. Út Tiến bị mấy anh bộ đội chọc hoài: nó nhỏ con thế này, mình để nó khiêng thì coi chừng bị văng xuống đất… Thế nhưng lúc vào trận, mặc đạn bắn vèo vèo trên đầu, Út Tiến vẫn chạy tải thương. Có những chiến dịch phải chạy tải thương cả ngày lẫn đêm, nghỉ ngơi chỉ tính bằng phút.

Tại Phước Vĩnh, ước chừng cứ một giờ pháo địch lại bắn một lần nên giữa hai đợt pháo là phải ráng chạy cho kịp đến trạm sau. Thời gian vài phút pháo nó bắn lại là thời gian nghỉ của anh chị em trong đơn vị. Các anh chị chạy nhiều đến nỗi bàn chân, thân thể va quệt cây rừng tứa máu nhưng vẫn cố để đảm bảo an toàn cho thương binh.

Nữ TNXP Giáp Thị Thanh Tiến (người hàng đầu bên trái) tại rừng Bà Chim trong lúc kê vai làm “Cầu người” đưa thương binh qua suối.

Điều mọi người lo ngại nhất vẫn là "pháo ma", pháo địch bắn không theo quy luật nào nên không lường trước để mà tránh. Di chuyển cách nhau vài chục mét, có khi cùng một chuyến đi, người ở khúc giữa hy sinh mà người đi đầu, đi cuối lại không việc gì. Những cái chết bất ngờ trên đường hành quân xảy ra khá thường xuyên.

Có đêm, đơn vị đang trên đường hành quân thì có máy bay địch. Út Tiến và mấy người đồng đội chỉ kịp ào xuống cái khe bên gốc cổ thụ trong rừng. Khi bò lên mới thấy thân thể người nữ đội phó nằm vắt ngang rễ cây, đầu bị phạt mất gần một nửa. Không dám bật ra tiếng khóc, sợ địch quay lại, các anh chị em lặng lẽ gom xác đồng đội mà nước mắt cứ nhòe ướt cả khuôn mặt.

Chiến trường càng ác liệt, sinh hoạt cũng kham khổ theo. Những trận bị địch vây 5-6 ngày, thức ăn chỉ có lon cơm khô, rau rừng, măng luộc chấm muối. Có lần đi tải lương thực, vừa qua trảng thì địch tràn đến. Không đi tiếp cũng không trở về được, đói, chưa có kinh nghiệm nên rủ nhau bẻ măng luộc ăn. Mươi phút sau, ai nấy ôm bụng, sùi cả bọt mép… Hy sinh, gian khổ nhưng mọi người đều yêu thương, đoàn kết, chăm nhau từ chuyện nhỏ nhặt nhất.

Trở lại bức ảnh "Cầu người", bà Tiến cho biết: Ngay trước thời điểm ấy đơn vị bộ đội vừa đụng độ với địch, thương binh khá nhiều, nước suối lại dâng cao, khó đưa người qua nên ai cũng lo lắng. Quyết tâm không để thương binh bị thương lần nữa, mọi người thống nhất chọn giải pháp chặt cây rừng ghép lại. Người khỏe mạnh được cắt đứng trụ dưới suối để đỡ ván. Ai cũng chỉ cố gắng tập trung cho công việc của mình nên bà không biết ông Phạm Thính chụp vào lúc nào. Trong ảnh bà Tiến đứng ở vị trí đầu tiên dưới suối.

Ước nguyện chưa thành hiện thực

Ngày 2/9/1969, cả đơn vị C20-12 đang theo bộ đội Bình Giã hành quân thì nhận tin Bác mất. Út Tiến chưa bao giờ gặp Bác. Cô chỉ được biết về Người qua những câu chuyện do các anh các chị kể và tấm ảnh nhỏ như ngón tay được cô quý hơn vàng, bọc nilon giữ gìn kỹ lưỡng nơi đáy ba lô. Nghe tin Bác mà cô cứ thấy như ai vừa bóp nghẹt trái tim mình.

Thế nhưng cũng phải đợi đến tối, khi nhiệm vụ đã tạm gác lại, anh chị em mới được lệnh tập trung về bãi đất trống giữa rừng làm lễ truy điệu Người. Trời mưa tầm tã. Chỉ có tấm bạt nhỏ duy nhất che người chỉ huy đứng giữa cầm giấy đọc thông báo và làm lễ, còn tất cả cứ thế đội mưa, đứng vây quanh và nức nở ôm nhau khóc. Riêng Út Tiến, cô để tấm ảnh giữa hai lòng bàn tay và thầm hứa rằng ngày miền Nam giải phóng, nhất định cô sẽ ra tận nơi để viếng Người…

Tuy nhiên, đã sau 40 năm, cô Út Tiến nay đã trở thành bà Út Tiến mà ước nguyện vẫn chưa thành hiện thực. Bức ảnh "Cầu người" bà có được là nhờ một đồng chí lãnh đạo trong Trường Tuyên huấn Trung ương tại TP HCM, nơi bà là cấp dưỡng mang về tặng lại sau khi dự triển lãm ảnh "Đường mòn Hồ Chí Minh".

Chồng bà đã mất sau nhiều năm lâm trọng bệnh. Cuộc sống của bà và các con cháu không khá giả nhưng so với nhiều đồng đội cũ ở các tỉnh thì cũng đã tạm ổn hơn. Mới năm trước về nhà nhau thăm chơi, thấy nhiều người còn ở trong mái chòi tạm bợ, anh chị em lại quyên góp làm được mấy căn nhà tình thương. Hiện nay, ước nguyện một lần ra Hà Nội viếng Bác vẫn chưa thực hiện được nhưng bà vẫn chờ, vẫn cố gắng, vẫn tin nhất định một ngày nào đó bà sẽ làm được

Ngọc Nguyễn
.
.
.