Người sưu tầm kết nối quá khứ với hiện tại

Thứ Hai, 20/08/2018, 08:53
“Nhận quà” là tên status bà Nguyễn Thị Tiến khoe trên trang facebook cá nhân. Đó là 107 bài báo viết về hoạt động sưu tầm kỷ vật liệt sĩ của bà được cháu gái một liệt sỹ gửi tặng. 

Vì đi tìm phần mộ của ông mình, nên cô gái đã tìm kiếm và lưu giữ các bài viết về người phụ nữ đặc biệt này. Rồi chính nhân vật “bước ra” trong các bài báo này đã giúp cô và gia đình hoàn thành tâm nguyện.

Nay, cô gửi đến người phụ nữ có duyên nợ với liệt sỹ và gia đình của họ món quà đặc biệt này. Trong hành trình “bắt” di vật liệt sỹ phải nói tên chủ nhân suốt mấy chục năm qua, những bài báo, thước phim đã dẫn dắt, kết nối bà Tiến với thân nhân liệt sỹ một cách hữu duyên.

“Món quà” 107 bài báo

Một ngày đầu tháng Năm, chị Vĩnh Hiền, một thân nhân liệt sỹ gọi điện hẹn tôi đi ăn trưa “vì chị Tiến ra Hà Nội”. Thế là, buổi trưa hôm đó, cô cháu tôi có dịp offline. Mấy năm không gặp nhưng vẻ bề ngoài của bà vẫn thế và cũng chả khác trên fây (facebook) là mấy. 

Bà tâm sự, bà đã rời thành Vinh vào sống ở TP Hồ Chí Minh mấy năm rồi. Mặc dù thay đổi nơi cư trú nhưng “công việc” của bà vẫn thế, cũng giống như lúc bà nghỉ hưu ở Bảo tàng Quân khu IV nhưng thực tế thì bà đâu có dừng công việc liên quan đến liệt sỹ.

Có lẽ, việc tìm kiếm di vật liệt sỹ và kết nối với thân nhân của họ đối với bà là “duyên nợ với âm phần” nên chẳng có gì làm đứt đoạn được. Qua trò chuyện, tôi mới biết bà, cùng chị Hiền và một nhóm những người bạn vừa đi Tây Nguyên tìm mộ liệt sỹ.

Từ thông tin có được về một bệnh xá thời chiến tranh chống Mỹ ở huyện Sa Thầy, tỉnh Gia Lai mà bà tin rằng, đây là nơi có nhiều liệt sỹ đang yên nghỉ nên cất công tìm kiếm. Là người có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm di vật liệt sỹ, phần mộ liệt sỹ nên bà đã không thể ngồi yên trước những tư liệu nói lên khả năng rất lớn, đang có liệt sỹ nằm ở nơi đây. Thế nên, bà lên đường…

Cũng trong cuộc gặp này, bà kể với tôi câu chuyện về cháu gái liệt sỹ  trong quá trình đi tìm phần mộ của ông mình đã tìm kiếm và sưu tập hàng trăm bài báo viết về bà. 

Bà Tiến (bên trái), tác giả (bên phải) và bà Vĩnh Hiền.

Có lẽ, bà đã không ngờ rằng, có người lại công phu như vậy. Bà viết trên facebook: Sáng nay, Ngọc Linh gọi từ Hà Nội bảo, cháu có bộ sưu tập 107 bài báo viết về cô. Cháu lưu giữ và tìm liệt sỹ là ông cháu.

Nay, cháu đã nhờ cô tìm được. Cháu hỏi cô có cần không, cháu tặng cô hoặc cháu gửi sang Bảo tàng Phụ nữ.  Mình thật xúc động. Lần xem lại những ngày đầu đi tìm liệt sỹ, những khó khăn gian khổ mà bây giờ nghĩ lại vẫn sợ. Mình không hiểu sao lúc đó mình lại có sức mạnh đến thế. 

Lần đầu tiên là bài báo của Nguyễn Sỹ Đại và sự nhiệt tình phục chế tấm ảnh người mẹ nằm cùng hài cốt mà tôi tìm thấy ở Khăm Muộn (Lào). Anh đã liên tục đăng trên Báo Nhân dân.

Nhà báo Xuân Ba thì đăng nhiều trên Báo Tiền phong, Báo An ninh thế giới. Các báo địa phương đồng loạt đưa tin. Mình còn được Báo CAND mở hẳn chuyên mục “Tìm tên cho liệt sỹ khuyết danh” trang 12, đưa tin hằng ngày. Báo Sức khỏe đời sống cũng dành riêng cho mình đăng báo ngày.

Tất cả nhằm mục đích để những kỷ vật liệt sỹ nằm cùng hài cốt liệt sỹ được đăng tải và nhân dân đọc được để cùng khớp nối thông tin. Phía báo hình thì Tiến sỹ Tạ Bích Loan mời lên chương trình “Người đương thời” 5 lần. VTV1 làm phim “Không ai là vô danh”…

Bây giờ xem lại những gì báo chí đã giúp chung tay tìm liệt sỹ cùng mình, lòng lại chộn rộn…”.

Những con chữ mang sứ mệnh kết nối

107 bài báo mà Ngọc Linh sưu tập được đủ thấy, mức độ “phủ sóng” trên truyền thông của người phụ nữ đặc biệt này như thế nào. Việc làm tình nguyện, giàu ý nghĩa đã khiến bà trở thành nhân vật của báo chí. Và cũng qua báo chí, bà truyền tải được rất nhiều thông tin về những di vật tìm thấy cùng hài cốt đến đông đảo bạn đọc, khán thính giả.

Trong số những người đọc báo, nghe đài, xem ti vi ấy, có cả thân nhân và đồng đội liệt sỹ. Thế là, họ nhận ra những di vật liệt sỹ như: chiếc bút máy, chiếc bình tông, quyển sổ tay, tấm ảnh… là của người thân hay bạn bè, đồng đội của mình. Họ tới tấp phản hồi lại cho bà. 

Từ thông tin của người sống, bà Tiến đã lần theo để tìm kiếm, xác minh rồi tìm ra danh tính người đã nằm xuống trong bom đạn của kẻ thù.

Nhờ đó, rất nhiều liệt sỹ có phần mộ nhưng trên tấm bia đá chỉ có chữ “chưa có tên” được khắc tên; nhiều gia đình liệt sỹ được “đón” người thân trở về; nhiều cuộc chia ly được “hội ngộ”; nhiều giọt nước mắt đau thương khi xưa nay lại nhỏ dài trong niềm xúc động hạnh ngộ...

Để câu chuyện tìm kiếm thân nhân liệt sỹ của bà lan tỏa, để các di vật liệt sỹ “tìm” được người thân là một hành trình không biết mệt mỏi. Những di vật liệt sỹ đến tay bà như là định mệnh.

Do làm công tác bảo tàng nên bà tham gia công tác tìm kiếm, trưng bày kỷ vật chiến tranh. Những hiện vật mà các đội quy tập hài cốt liệt sỹ tìm thấy khi thi hành nhiệm vụ thật đặc biệt.

Bởi, đây là những vật được người chiến sỹ mang theo bên mình cả khi còn sống lẫn khi nằm trong lòng đất. Thế nên, nó rất linh thiêng. Với những phần mộ không có tên, những di vật này có thể là chìa khóa để tìm ra danh tính của liệt sỹ.

Bà Tiến đã chia sẻ thông tin về di vật cho các nhà báo, đã kể những câu chuyện về nó cho các nhà báo, đã cùng nhà báo kết nối, đăng tin... Đã có rất nhiều nhà báo đã đồng hành cùng bà trong công việc này, câu chuyện bà kể về nhà báo Trần Hồng, Báo Quân đội nhân dân là một ví dụ.

Đó là lần, bà mang theo chiếc túi đựng 27 mảnh nhôm nhỏ, kích thước khoảng 5x7cm, hình thù khác nhau, trên có ghi các ký hiệu và cùng nhà báo Trần Hồng tìm đến Sư đoàn 312 đóng ở Thái Nguyên. Đây là những hiện vật được tìm thấy trong phần mộ các liệt sỹ được cất bốc tại nước bạn Lào mà bà sưu tập được. Những mảnh nhôm nhỏ này được bà xác định là lấy từ xác máy bay.

Trước đó, khi có những di vật này, bà đã suy nghĩ rất nhiều về những ký hiệu ghi trên những mảnh nhôm nhỏ. Rất có thể, những người đồng đội khi khắc những ký hiệu vào đây và chôn cùng liệt sỹ đã gửi gắm ý nguyện, đó sẽ là chìa khóa để trả tên cho liệt sỹ. Khi mang theo những di vật này lên Sư đoàn 312, bà rất mong những ký hiệu này sẽ được giải mã.

Ban Chính sách của Sư đoàn này đã cung cấp hồ sơ mai táng tại Lào của đơn vị. Kết quả đối chiếu, xác minh cho kết quả mỹ mãn – xác định được danh tính 27 phần mộ liệt sỹ có di vật là mảnh nhôm nhỏ khắc ký hiệu. Nhờ kết quả này, mà 27 gia đình liệt sỹ có tin về phần mộ của các anh.

Món quà đặc biệt là 107 bài báo được bà Tiến khoe trên facebook cá nhân.

Cũng nhờ đó mà 27 phần mộ chưa có tên ở nghĩa trang Anh Sơn mà đội quy tập cất bốc tại Lào đưa về đây được khắc tên. Cũng như thân nhân liệt sỹ, bà đã vui sướng vô cùng khi tìm ra kết quả này. Nếu chỉ dừng lại ở công việc của người làm bảo tàng, hẳn là bà sẽ không được trải qua cảm giác vui sướng ứa nước mắt này.

Năm 2008, khi biết được mong mỏi quảng bá thật nhiều thông tin về di vật liệt sỹ thật rộng rãi của bà Tiến, tôi đã đề xuất Ban Biên tập mở chuyên mục “Tìm tên cho liệt sỹ khuyết danh” trên  Báo CAND. 

Hằng ngày, báo đều đăng tải những thông tin về di vật và nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc. Đó là phản hồi từ  đồng đội, bạn bè, người thân của liệt sỹ. Nguồn thông tin đa dạng, nhiều chiều này đã giúp bà Tiến có căn cứ để thu thập, củng cố nhằm tìm ra người thân của liệt sỹ.

Chuyên mục “Tìm tên cho liệt sỹ khuyết danh” ngoài đăng tải thông tin về di vật liệt sỹ, còn đăng cả thông tin tìm mộ liệt sỹ. Thế nên, việc gia đình chị Vĩnh  Hiền mà tôi nhắc ở đầu bài viết đã tìm được phần mộ sau khi đã đăng tải thông tin.

Tin đăng vào ngày 12-1-2008 và cũng trong ngày này đồng đội của liệt sỹ đã có phản hồi. Từ thông tin này, gia đình chị Hiền và những người đồng đội liệt sỹ đã sang nước bạn Lào để tìm kiếm phần mộ. Khi xác định, phần mộ này đã được cất bốc đưa về Việt Nam, họ lại tiếp tục tìm kiếm.

Trải qua một hành trình dài, cuối cùng ngày 3-11-2016, liệt sỹ Tạ Quang Năm đã “trở về” ngôi nhà ở 12 Vũ Hữu Lợi, Hà Nội – nơi ông gắn bó trước lúc lên đường nhập ngũ, rồi sau đó gia đình đưa về mai táng tại quê nhà. 

Từ một bài báo nhỏ nhưng có sự kết nối của những tấm lòng cùng hướng đến tri ân người đã ngã xuống trong chiến tranh, đã có những cái kết ấm lòng vậy đó.

“Món quà” đặc biệt là bộ sưu tập 107 bài báo mà bà Tiến nhận được cho thấy, việc làm giàu ý nghĩa của bà luôn được báo chí quan tâm, lan tỏa. Báo chí cũng luôn đồng hành với bà trên hành trình tri ân những người con hy sinh vì Tổ quốc. Báo chí mãi là cầu nối để những câu chuyện đầy tính nhân sinh được chuyển tải và truyền cảm hứng.

Cao Hồng
.
.
.