Khi người Tây chỉ thích nói tiếng…bản địa

Thứ Ba, 21/01/2020, 11:55
Không tính khách nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh theo dạng du lịch vãng lai, hiện tại các quận ở TP Hồ Chí Minh có khoảng 110.000 người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau làm việc và lưu trú thường xuyên. Những người đến từ các quốc gia khác nhau, bởi vậy, để quản lý và đảm bảo an ninh trật tự đối với người nước ngoài, giúp họ hiểu được phong tục cũng như pháp luật Việt Nam đòi hỏi những người làm công tác quản lý phải giỏi ngoại ngữ...


Khu vực trung tâm, quận 1, TP Hồ Chí Minh được coi làm điểm lưu trú của người nước ngoài đông nhất. Tại phường Bến Nghé có phố đi bộ Nguyễn Huệ, UBND TP nơi người nước ngoài thường xuyên lui tới, đặc trưng của phường Bến Thành là chợ Bến Thành nơi hàng ngày có hàng ngàn du khách nước ngoài đến thăm thú. 

Còn tại phố Tây Phạm Ngũ Lão là nơi lưu trú của cả ngàn khách du lịch nên việc Công an, Cảnh sát khu vực biết thông thạo ngoại ngữ là điều cần thiết. Trung tá Ngô Xuân Thọ- Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão cho biết, phường có hơn 30 CBCS thì tất cả đều thông thạo ngoại ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh, một số CBCS biết tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc. 

Ða phần những CBCS của phường tự trao dồi kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, tự tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của một số nước để khi tiếp xúc với người nước ngoài, cán bộ chiến sĩ của phường sẽ để lại hình ảnh đẹp trong lòng du khách.

Cần nâng cao trình độ giao tiếp bằng tiếng nước ngoài cho CBCS.

Ngoài việc phải trực tiếp làm việc với khách nước ngoài trong việc hướng dẫn họ cách làm thủ tục lưu trú, giải quyết các thủ tục giấy tờ, các CBCS Công an phường Phạm Ngũ Lão còn phải đối mặt với nhiều tình huống khác của khách du lịch như việc khách nước ngoài trình báo mất trộm, bị cướp giật, ẩu đả bị…xâm hại thân thể. 

“Cái khó trong việc nhận trình báo hay xử lý đến các vụ liên quan đến người nước ngoài là họ sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, trong đó có cả tiếng bản địa nên đôi lúc cán bộ Công an phường phải nhờ vả đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Nhiều người nước ngoài vi phạm dù biết tiếng Anh nhưng lại sử dụng ngôn ngữ bản địa để làm khó cho cán bộ tiếp xúc, bởi vậy nhiều cán bộ giỏi ngoại ngữ của phường phải nhẫn nại với khách, có trường hợp phải làm việc với khách nước ngoài cả ngày trời!”. 

Một Cảnh sát khu vực ở phường Phạm Ngũ Lão kể lại một câu chuyện cười ra nước mắt. Một nhóm du khách sau khi uống vài chai bia tại khu phố tây xảy ra xích mích với một nhóm khách khác bàn đối diện dẫn đến xung đột. Khi bị mời về Công an phường làm việc, dù biết tiếng Anh nhưng khi được hỏi đến những vị khách này toàn “xổ” bằng tiếng Iran…

Vất vả không kém Công an phường Phạm Ngũ Lão là Công an các phường tại quận 7 nơi có đến 20.000 người nước ngoài sống và làm việc, đa phần là người Hàn, Nhật, Trung Quốc, Ðức, Ý, Philipines… tập trung nhiều nhất là khu vực phường Tân Phong và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Tại phường Tân Phong, số lượng người nước ngoài lưu trú chiếm tỷ lệ khá lớn. 

Quản lý địa bàn cư dân bình thường đã khá vất vả, nay lại phải quản lý một lượng lớn người nước ngoài lưu trú thì đây là một công việc khá nặng nề. Bởi người nước ngoài lưu trú tại đây ở các vùng lãnh thổ khác nhau có tôn giáo khác nhau, nếp sinh hoạt cũng như ngôn ngữ không đồng nhất. Vì thế, người Cảnh sát khu vực phải là người am hiểu kiến thức đa dạng và… giỏi ngoại ngữ.

Một lãnh đạo Công an phường Tân Phong cho hay, ra ngõ là gặp người nước ngoài và họ giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ða phần người nước ngoài sống tập trung trong các căn hộ tại các chung cư, ban ngày đi làm, tối mới có mặt tại căn hộ của mình. Tại mỗi khu vực mà cán bộ Công an phường quản lý có cả ngàn người nước ngoài với khoảng 40 quốc tịch khác nhau, tuy nhiên không phải người nước ngoài nào cũng sử dụng ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh để giao tiếp. 

Vì vậy để quản lý những người nước ngoài này, mỗi cán bộ công an phải tự rèn luyện thêm ngoại ngữ để có thể làm tốt công việc của mình. Một cán bộ Công an phường kể lại câu chuyện, chỉ vì bịch rác để không đúng chỗ mà 2 gia đình, một quốc tịch Ðài Loan (Trung Quốc), một quốc tịch Hàn Quốc mạnh ai người nấy “cãi” bằng tiếng của mình...

Ðể quản lý người nước ngoài, Công an phường phải thống kê từng hộ, thu thập tư liệu từng nhân khẩu, phân loại theo từng nhóm quốc tịch để dễ quản lý và cũng dễ điều động cán bộ chiến sĩ biết ngôn ngữ của từng nhóm quốc tịch mới dễ quản lý. 

Ðể quản lý tốt, phường Tân Phong còn sử dụng ứng dụng quản lý cư trú, liên tục cập nhật thông tin người nước ngoài lưu trú trên địa bàn phường vào phần mềm. Ngoài ra để phổ biến pháp luật cho người nước ngoài sống trên địa bàn phường, Công an phường phải in hàng loạt tờ rơi với nhiều ngôn ngữ khác nhau phát đến từng căn hộ để người nước ngoài hiểu và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Phường Thảo Ðiền, quận 2 cũng có trên 5.000 người lưu trú thường xuyên, đa số là người châu Á. Ngoài lượng người nước ngoài sống dường như cố định như số liệu trên thì phường Thảo Ðiền hằng ngày còn tiếp đón có trăm lượt khách nước ngoài đến du lịch, thăm người thân. 

Công an TP Hồ Chí Minh tiếp xúc và trao trả lại tài sản cho du khách nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Thảo Ðiền cho biết, những người sống tại Thảo Ðiền phải nói là đa ngôn ngữ nên khi vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra, UBND phường phải kết hợp với Công an phường để xử lý. Tuy nhiên ngôn ngữ chủ yếu của cán bộ phường và Công an phường có thể giao tiếp là tiếng Anh, tiếng Hàn, Nhật, còn các ngôn ngữ khác thì gặp rất nhiều khó khăn. 

Cán bộ UBND phường cũng như cán bộ chiến sĩ Công an phường liên tục được đi học các khóa  ngoại ngữ để nâng cao trình độ giao tiếp, xử lý các ca khó. Tuy nhiên có những trường hợp Công an phường phải nhờ đến sự “hỗ trợ” của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TP. 

“Mới đây có trường hợp người nước ngoài đến khu vực phường Thảo Ðiền tìm người đòi nợ. Người đàn ông này không sử dụng tiếng Anh mà sử dụng ngôn ngữ bản địa. Ðể làm việc với người đàn ông này, Công an phường phải mất nửa ngày tìm người phiên dịch”- ông Tuấn cho hay.

Cái khó trong việc quản lý người nước ngoài đa quốc tịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là như vậy, việc xử lý những người nước ngoài gây rối an ninh trật tự, gây mất an toàn giao thông trên đường phố lại khó khăn hơn. Khi vi phạm giao thông, người nước ngoài thường sử dụng nhiều chiêu trò để né tránh bị phạt, trong đó có việc sử dụng ngôn ngữ bản địa. 

Trung tá Nguyễn Văn Bình- Ðội trưởng Ðội Tham mưu (Phòng CSGT đường bộ-đường sắt-Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, người nước ngoài vi phạm luật giao thông phổ biến nhất là không đội MBH, chở 3, đi vào làn đường ngược chiều. Khi bị các tổ chuyên đề xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông, những vị khách này thường sử dụng tiếng bản địa và giả bộ bặp bẹ vài câu tiếng anh (tôi không hiểu), để làm khó cho tổ công tác. 

Nhiều trường hợp để lập biên bản một người nước ngoài vi phạm giao thông phải mất từ 1-2 giờ đồng hồ. Bởi vậy ngoài việc nâng cao tiếng Anh cho cán bộ tổ chuyên đề, cán bộ chiến sĩ thuộc tổ chuyên đề còn tự rèn luyện thêm nhiều ngôn ngữ khác. 

Cần nâng cao trình độ giao tiếp bằng tiếng nước ngoài cho CBCS.

Một trong số ít những nữ CSGT làm nhiệm vụ xử lý người nước ngoài vi phạm là giao thông là Trung úy Ðoàn Thanh Thanh Tâm (SN 1994, cán bộ Ðội tổ chức chính trị-Phòng CSGT ÐB-ÐS-Công an TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ tiếng Anh, Trung úy Tâm còn thông thạo thêm tiếng Nhật. Ngoài việc hỗ trợ tích cực cho tổ công tác khi giao tiếp với người nước ngoài vi phạm, Trung úy Tâm còn hướng dẫn người nước ngoài hiểu rõ hơn về pháp luật Việt Nam. 

“Giao tiếp với người nước ngoài phải khéo léo, người nước ngoài vi phạm luật càng phải khéo léo hơn, phải vận dụng nhiều kỹ năng cũng như am hiểu văn hóa của người vi phạm từ đó mới làm cho người vi phạm không khó chịu, vui vẻ chấp nhận ký vào biên bản”- Trung úy Tâm chia sẻ.

TP Hồ Chí Minh là địa bàn thu hút đầu tư lớn nên lượng người nước ngoài đổ về đây sinh sống và làm việc ngày một tăng nên công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm người nước ngoài rất phức tạp. Chính vì vậy, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Công an TP Hồ Chí Minh, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường nâng cao trình độ ngoại ngữ cho CBCS, nhất là địa bàn có đông người nước ngoài sinh sống, làm việc, du lịch... 

Ngoài việc tự học, tự rèn luyện khả năng giao tiếp thì CBCS cần được bổ sung các lớp đào tạo ngoại ngữ để phục vụ công tác, đáp ứng tình hình mới.

Minh Đức
.
.
.