32 năm sống trong kiốt điện

Thứ Hai, 19/01/2009, 14:30

Trong khoảng không gian chật chội, ẩm thấp vừa đủ kê hai chiếc giường và 1 cái bếp để gọi là nhà, vậy mà 7 con người của gia đình ông Nguyễn Đình Viên (77 tuổi), phường Phú Hậu, TP Huế đã  sinh sống và tồn tại suốt 32 năm nay. Suốt hàng chục năm nay gia đình họ chưa năm nào có Tết.

Tiếp cận ki ốt điện bỏ hoang

Đập vào mắt chúng tôi là một gia đình sống trong ki ốt điện bỏ hoang nằm sát dưới chân cầu Chợ Dinh, bảy con người chui vô chui ra trong "cái ổ" nhếch nhác, tạm bợ khoảng 4m2 mà hàng chục năm gia đình ông Viên quen gọi là nhà. Gặp tôi ông Viên tâm sự, những ngày giáp Tết ông và người con cả đều đổ bệnh, cả gia đình đều nương nhờ vào vợ chồng người con út quay quắt kiếm gạo để có miếng ăn.

Ông Viên chỉ vào mảng tường bong tróc của cái ki ốt và cái nền đất loang lổ, nói: trời mưa là nước chảy ào ào, trên đầu thì dột, dưới đất thì ngập, tui dùng hai tấm nilon che chắn mà vẫn bị ướt. Nắng ráo thì còn có chỗ chui vô chui ra, nhưng hễ mưa là cả nhà khốn đốn. "Khổ nhất là sống không nhà, thác không mồ"- ông Viên than.

Ông Viên tâm sự, năm 1975, sau khi giải phóng đất nước được nửa năm, tui cùng gia đình lên làm kinh tế mới ở xã vùng đồi Bình Điền, huyện Hương Trà. Ở được một năm thì tui mắc bệnh sốt rét phải vào nhập viện liên miên, vợ thì tay ôm 3 đứa con nhỏ không làm gì được, tui đành đưa cả gia đình trở lại phường Phú Hậu.

Không đất không nhà, thấy cái ki ốt làm trạm biến thế của điện lực bỏ hoang, tui che tạm mấy tấm bạt để ở, thời đó cả gia đình có 5 người. Có chút vốn dành dụm được tui mua chiếc xích lô để làm kế sinh nhai, vợ làm nghề lượm ve chai, với ước mong làm ăn dành dụm một ngày có tiền kiếm miếng đất cất căn nhà để ở. Vậy nhưng ước mơ đó cứ xa vời vợi, thời buổi "cơm thua gạo kém", hai vợ chồng chịu khó làm ăn "đầu tắt mặt tối" nuôi con.

Hơn nữa đứa con đầu là Nguyễn Đình Thành (nay đã 42 tuổi) bị bệnh tâm thần từ nhỏ, dành dụm được bao nhiêu không đủ thuốc thang cho con, gia đình càng ngày càng trầy trật nên đành chấp nhận "định cư" liều tại ki ốt này. Thấy gia đình tui nghèo khổ nên cũng chẳng ai đuổi, mà có đuổi tui cũng chẳng biết đi chỗ mô.

Tiền không có, con bị bệnh không chữa được, vậy mà cách đây 7 năm tui bị bệnh tụt ruột, vào khám ở Bệnh viện Trung ương Huế, họ đòi phải có 3 triệu đồng mới được mổ nên tui để liều luôn cho đến nay, làm gì nặng là bịt tụt ruột. Tui mất sức lao động, vợ tui bán vé số kiếm ngày chẳng được là bao đồng nên cả gia đình 7 miệng ăn đều nhờ vào vợ chồng người con út Nguyễn Đình Cư (phụ thợ nề) và vợ là chị Dương Thị Bê (bán bánh chuối ram).

Kiốt điện bỏ hoang là nơi mà gia đình ông Viên ở hơn 32 năm nay.

Ông Viên cho hay, đã nhiều lần tui viết đơn lên phường, lên thành phố nhờ họ xin đất, nhưng "năm lần bảy  lượt" vẫn chưa được. Cách đây 2 năm, phường đã mua bảo hiểm y tế hỗ trợ gia đình và rồi hơn năm trước phường cũng mắc cho công tơ điện để thắp sáng.

Ước mơ về căn nhà nhỏ 

Những ngày giáp Tết ở Huế trời mưa phùn và lạnh, trong bộ quần áo mỏng và bước chân khập khiễng, bà Trương Thị Sen (66 tuổi) vợ ông Viên phải lặn lội khắp nơi để bán vé số dạo. Bà cho hay, mỗi ngày tui kiếm được 10-15 ngàn góp vào bữa ăn của gia đình.

Ông Trần Văn Luyện, Tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Phú Hậu cho biết, gia đình ông Viên có hộ khẩu ở phường mấy chục năm nay. Họ rất chịu khó làm ăn, tuy nhiên do hoàn cảnh khó khăn, gia đình có nhiều người bị bệnh, nên suốt hơn 32 năm nay họ phải sống nương nhờ vào ki ốt điện bỏ hoang. Vì sao tồn tại như vậy trong thời gian dài, trong lúc đó trên địa bàn thành phố có rất nhiều chương trình hỗ trợ di dân, xóa nhà tạm cho người nghèo!?

Về vấn đề này, ông Mai Chí Minh, Chủ tịch UBND phường Phú Hậu, TP Huế cho biết: Hộ gia đình của ông Nguyễn Đình Viên là hộ nghèo của phường, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất phường, lại không có chỗ ở nên phường rất quan tâm. Năm 2004-2005, phường đã đưa hộ ông Viên vào diện xóa nhà tạm, tuy nhiên do gia đình ông Viên ở nương nhờ vào ki ốt điện, không có đất ở ổn định nên đành chịu. Phường cũng đã nhiều lần đề xuất lên thành phố Huế cấp đất để xoá nhà tạm cho gia đình ông Viên và thành phố cũng đã ghi nhận. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất nên đến nay vẫn chưa giải quyết, chính quyền phường thì lực bất tòng tâm.

Dịp Tết này phường Phú Hậu cũng đã trích ngân sách hỗ trợ ít gạo, đồng thời phường giới thiệu Thành uỷ và UBND thành phố Huế đến thăm tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán này, từ đó có hướng để giúp đỡ giải quyết tháo gỡ khó khăn. Vậy là suốt một thời gian dài chờ đợi, đến nay gia đình ông Viên lại hy vọng về một mảnh đất và căn nhà nhỏ mà họ mơ ước từ lâu

Đài Trang
.
.
.