30 năm chưa được công nhận liệt sĩ

Thứ Năm, 13/09/2007, 20:02
Trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ Giếng Mứt, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, hằng ngày Nhà giáo Ưu tú Lê Đắc Phong thường ngồi trầm ngâm bên đống giấy tờ liên quan đến người con trai hy sinh tại chiến trường Tây Nam năm 1979.

Những ngày gần đây, người vợ mất đi, ông càng đau đớn khi nghĩ về sự hy sinh của con trai. Lúc con sống, vợ ông, bà Lê Thị Nhàn dù đã cùng chồng đi đến nhiều nơi, gửi nhiều đơn thư song ước nguyện không thành. Tuổi già, lại bệnh tật ông càng trăn trở với lời trăng trối của vợ.

Năm 1978, khi ông đang là giảng viên cao cấp của Đại học Bách khoa, vợ và các con ông đang ở quê thì nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài của anh Lê Đức Thắng.

Cùng lúc này, anh Thắng cũng nhận được giấy gọi lên đường nhập ngũ. Anh Thắng tạm gác bút nghiên, lên đường nhập ngũ, là chiến sỹ Trung đoàn 471, Sư đoàn 47, Binh đoàn 16, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

Năm 1979, gia đình ông nhận được giấy báo tử của Quân khu Thủ đô ghi chiến sỹ Lê Đức Thắng là tử sỹ, vì "tai nạn rủi ro". Tuy nhiên, do giấy báo tử ghi sai tên mẹ của anh Thắng nên gia đình ông thắc mắc.

Ngay sau đó, cơ quan này gửi đến cho gia đình giấy báo tử khác, song vẫn ghi sai tên mẹ chiến sỹ Lê Đức Thắng và lý do tử nạn lại ghi là "bản thân gây nên". Sau đó một thời gian, UBND xã Kim Chung gửi cho gia đình ông Phong quyết định của Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 cho Lê Đức Thắng vì đã "anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ" (theo lệnh số 201/LCT ngày 21 tháng 12 năm 1979).

Rồi thông qua Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, gia đình ông Phong đã tìm được mộ của anh Thắng đang an táng ở vị trí trang trọng trong nghĩa trang liệt sĩ Bến Cầu, Tây Ninh.

Thắc mắc tại sao con trai mình được Chủ tịch Nước tặng thưởng huân chương song vẫn chưa được công nhận liệt sĩ, ông tìm đến các cơ quan có trách nhiệm gửi đơn đề nghị.

Trong quá trình đi thu thập chứng cứ, hồ sơ, ông đã đến gặp đồng đội của con trai mình và được họ cho biết, anh Thắng hy sinh trong một vụ tai nạn khi đang chuyển cứ.

Trong Công văn số 20/CV của ngày 6/5/1998 của đơn vị của anh Thắng là E141-F47 cũng nêu rõ: "đồng chí Lê Đức Thắng, chiến sỹ, thuộc C20 của Trung đoàn đang cùng đơn vị làm nhiệm vụ chuyển cứ ở khu vực Công - Pông - Chư - Pư (Campuchia). Ngày 26/1/1979 hy sinh do lật xe trên đường làm nhiệm vụ chuyển cứ".

Cũng trong công văn này cho biết việc Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công cho đồng chí Thắng cũng do đơn vị đề nghị.

Tuy nhiên, ngày 10/3/1999 cũng chính đơn vị này lại có Công văn số 29/CV-TL thu hồi Công văn số 20/CV với lý do đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu nên đơn vị E141-F47 không quản lý được hồ sơ gốc. Trước nội dung của Công văn số 29/CV-TL, ông Phong không biết tại sao lại nhận được câu trả lời như vậy.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Quang Bảy, Phó Cục trưởng Cục Thương binh - Liệt sỹ và Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ông Bảy cho biết: Ngày 7/5/1999, Cục Thương binh - Liệt sỹ và Người có công cũng đã có công văn đề nghị Cục Chính sách Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc kiểm tra, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Sự việc trên hiện nằm ngoài thẩm quyền của Cục.

Ông Bảy còn nhấn mạnh trường hợp của đồng chí Thắng, dù hy sinh trong trường hợp nào, nếu không vi phạm kỷ luật, vi phạm đoàn kết quốc tế thì đương nhiên phải truy tặng danh hiệu liệt sĩ.

Bởi theo Quyết định số 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh và chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ có quy định: "Những quân nhân, công nhân, viên chức, thanh niên xung phong, dân công... trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, hoặc làm nhiệm vụ quốc tế đã tỏ rõ tinh thần phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, nếu bị thương hoặc bị chết (từ ngày 1/5/1975 trở về sau) trong những trường hợp sau đây thì được xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc hưởng chính sách như thương binh: Bị thương, hoặc ốm đau, tai nạn dẫn đến bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ ở vùng có chiến sự, vùng tiếp giáp với địch, vùng núi rẻo cao và hải đảo. Bị thương hoặc ốm đau, tai nạn dẫn đến bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia hoặc nước khác...".

Mong ước của người cha chiến sỹ Lê Đức Thắng là hoàn toàn chính đáng. Giờ đây ông Phong chỉ có một đề nghị tới các cơ quan có thẩm quyền xác minh,  làm rõ xem con ông có xứng đáng là liệt sĩ theo quy định hay không, nếu có thì phải được truy tặng ngay.

Mọi việc nên rõ ràng, minh bạch để những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của anh Lê Đức Thắng không phải là vô nghĩa

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.