Căn cứ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh trong lòng đất Hà Nội

Thứ Tư, 29/04/2020, 12:01
Trở lại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, mới cảm nhận được hết không khí hào hùng một thời của quân và dân ta. Nơi đây, bên cạnh những dấu tích kiến trúc cổ xưa của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… còn có không ít di tích lịch sử cách mạng đặc biệt ghi dấu ấn của một thời đoạn kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước...


45 mùa xuân đã qua, nhưng những chứng tích, cứ liệu lịch sử về chiến dịch lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị. Có những căn cứ chỉ huy “tuyệt mật” nằm sâu dưới lòng đất Thủ đô Hà Nội, là nơi đưa ra các quyết sách chiến lược đúng đắn, chỉ huy tiền tuyến đánh thắng quân xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Thăm lại căn cứ cách mạng một thời, cảm giác lâng lâng, niềm tự hào dân tộc bỗng chốc dội về.

1. Trở lại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, mới cảm nhận được hết không khí hào hùng một thời của quân và dân ta. Nơi đây, bên cạnh những dấu tích kiến trúc cổ xưa của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… còn có không ít di tích lịch sử cách mạng đặc biệt ghi dấu ấn của một thời đoạn kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Mỗi kỷ vật, mỗi chứng tích là minh chứng rõ nét về ý chí quật cường, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của dân tộc Việt Nam.  

Con đường với bóng cây râm mát dẫn chúng tôi vào ngôi Nhà D67 – một trong những điểm di tích của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thu hút đông du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan. Nhà D67 vẫn nguyên vẹn những chứng tích hào hùng của một thời oanh liệt.

Căn hầm D67 nằm sâu dưới lòng đất 9m -là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Theo cứ liệu lịch sử do Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cung cấp, ngôi nhà trên có tên “D67” là bởi được xây dựng vào năm 1967. Tòa nhà có kiến trúc hiện đại, tường bê tông dày 60cm tọa lạc ở vị trí phía Bắc nền Điện Kính Thiên. Nơi đây, từ năm 1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, đề ra các quyết sách chiến lược đúng đắn, chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ánh nắng hắt xuyên qua khe cửa sổ. Ngôi nhà mái bằng D67 ẩn dưới những tán lá cây cổ thụ hiện ra trước mắt du khách. Bên trong, gian phòng họp nằm chính giữa ngôi nhà. Dãy ghế được xếp ngay ngắn, kèm với đó là biển tên các đồng chí lãnh đạo dự họp được nhân viên Trung tâm Hoàng thành Thăng Long bài trí ngay ngắn, bất giác khiến chúng tôi – thế hệ hậu sinh xúc động và có cảm giác như được trực tiếp chứng kiến cuộc họp của 24 đồng chí lãnh đạo đã từng tham gia cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng cuối năm 1974, đầu năm 1975. Bàn họp được đặt tại vị trí trung tâm của gian phòng và nhìn theo hướng Đông – Tây.

Hai phía Bắc – Nam của căn phòng có 4 chiếc bàn nhỏ, là vị trí ngồi của thư ký các cuộc họp. Đây là nơi diễn ra nhiều hội nghị cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, là nơi tập trung trí tuệ, đưa ra những quyết sách chiến lược, chỉ đạo các chiến dịch quan trọng từ năm 1968-1975. Đáng chú ý, cũng chính tại căn phòng này, từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975, cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng đã được diễn ra.

Phương châm “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975” được cuộc họp đưa ra và Tây Nguyên được chọn làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tổng tiến công lớn và rộng khắp năm 1975. Đây cũng chính là quyết sách quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Dù đã trải qua gần 5 thập kỷ, song những cứ liệu, kỷ vật lịch sử vẫn còn đó. Những tấm bản đồ, những chiếc ghế, điện thoại liên lạc, bình đựng nước v.v... khiến không gian của phòng họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương – nơi gắn liền với các hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam một thời trở nên gần gũi, sinh động hơn với du khách .

2. Từ Nhà D67 có hai cầu thang nối thẳng xuống Hầm D67 (hay còn gọi là Hầm Quân ủy Trung ương). Đây là một trong những căn cứ cách mạng “tuyệt mật” nằm sâu trong lòng đất của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội. Hầm D67 nằm ở độ sâu khoảng 9m so với mặt đất, là địa điểm bí mật tuyệt đối. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vào những thời điểm ác liệt khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội.

Phòng họp dưới Hầm D67 có hình chữ nhật toàn khối, dài 9,150m; rộng 3,88m; tường dày 0,47m bằng bê tông cốt thép mác cao. Cửa chính thông ra hành lang, hai đầu nối lên hai cầu thang đến phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng. Cửa ra vào làm bằng thép sơn xanh dày 12cm với hệ thống gioăng cao su có thể ngăn nước và khí độc.

Phòng trực ban dưới hầm D67

Với công trình thiết kế khá công phu và kiên cố này đã khiến Mỹ thời điểm bấy giờ không thể thực hiện được âm mưu “đánh vào trung tâm chỉ huy” của quân và dân ta. Cũng chính tại căn Hầm D67 này diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, chỉ đạo các quân, binh chủng giành được nhiều thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam.

Rời phòng họp trung tâm của căn hầm, chúng tôi dừng chân tại Phòng Trực ban – Thông tin, nơi làm việc của Ban Thư ký với hệ thống điện đài, máy móc được bài trí trong tủ kính. Vào thời điểm bấy giờ, trực ban thông tin là một bộ phận giúp việc cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương khi tổ chức các cuộc họp bí mật tại Hầm D67.

Tại đây, được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc kỹ thuật với chức năng quan trọng trong việc tiếp nhận và truyền đi những tin tức, mệnh lệnh từ Tổng Hành dinh đến các bộ phận chỉ huy và đơn vị chiến đấu, giúp quá trình điều hành và thực hiện mệnh lệnh chỉ huy được diễn ra thông suốt. 

Cùng với Phòng Trực ban – Thông tin, Phòng Thông hơi lọc độc, lọc sạch, thông gió tự nhiên đóng vai trò quan trọng đảm bảo lượng không khí cần thiết khi đóng cửa, chống thẩm thấu hơi độc từ ngoài vào và chống lọt khí từ trong ra. Tạo được áp suất dư bên trong. Đáng chú ý, với thiết kế này, sẽ ngăn không cho khí độc lọt vào, còn không khí sạch bên trong được tập trung và theo một lối ra duy nhất để tẩy rửa độc cho người và vũ khí.

Những kỷ vật, trang thiết bị hiện còn lưu trữ nơi đây cho thấy, hệ thống thông hơi bao gồm: Phòng tiêu sóng đá sỏi hơi vào – thùng lọc bụi tinh, thùng lọc độc – khóa kín phòng độc – quạt gió – lá điều chỉnh gió – hộp tiêu âm – lưu lượng kế - cửa tự động thoát hơi – phòng tiêu sóng đá sỏi thoát hơi…

Với hệ thống trang thiết bị được lắp đặt như trên đã lý giải vì sao trong suốt nhiều năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù địch ra sức chống phá, tìm đủ mọi cách để tiêu diệt trung tâm chỉ huy nhưng mọi âm mưu, hành động của địch đều thất bại, căn cứ “tuyệt mật” chỉ huy chiến dịch giải phóng miền Nam dưới lòng đất Thủ đô Hà Nội vẫn nguyên vẹn.

3. Theo bà Bùi Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, hàng năm, nơi đây đón hàng trăm ngàn lượt du khách trong và nước đến tham quan, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Những kỷ vật, chứng tích lịch sử được bảo quản cẩn thận theo quy trình nghiêm ngặt. Mỗi tấm bản đồ, mỗi chiếc ghế, chiếc điện thoại… được lưu trữ, trưng bày nơi đây giúp các thế hệ sau hiểu thêm về giai đoạn lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc .

Các di tích cách mạng, trong đó có các căn cứ “tuyệt mật” chỉ huy chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nằm sâu dưới lòng đất có giá trị lịch sử vô cùng to lớn, là một phần quan trọng của Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Trần Huy
.
.
.