20 năm làm lính Cụ Hồ, một đời làm người Việt Nam

Thứ Tư, 29/12/2010, 10:34
20 năm cùng dân tộc Việt Nam làm cuộc trường chinh đánh giặc, trải qua khốn khó trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như tham gia xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, từ người lính Cụ Hồ, trong tận sâu tâm hồn mình, Kostar - Nguyễn Văn Lập nguyện mãi là người Việt Nam.

>> Chuyện một người Hy Lạp trong đội quân lê dương theo Việt Minh

Ở tuổi 19, Kostar - Nguyễn Văn Lập quyết định từ bỏ đội quân lê dương, từ bỏ thành phố để bắt đầu cuộc sống du kích với những con người không cùng chủng tộc, tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập tự do cho Tổ quốc Việt Nam. 20 năm cùng dân tộc Việt Nam làm cuộc trường chinh đánh giặc, trải qua khốn khó trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như tham gia xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, từ người lính Cụ Hồ, trong tận sâu tâm hồn mình, ông nguyện mãi là người Việt Nam.

20 năm thăng trầm cùng đất nước

Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi, ông kể: Sau khi cùng anh Lê Trung Biển gia nhập Việt Minh, những ngày đầu hòa nhập không phải dễ dàng, bởi không dễ để một anh Tây mắt xanh mũi lõ, cựu lính lê dương có được lòng tin của những người cách mạng. Thậm chí, trong 2 ngày chạy trốn trong rừng tìm về đơn vị, Kostar và Lê Trung Biển không dám đi cạnh nhau. Những ngày đầu, không biết một chữ tiếng Việt nên anh Lê Trung Biển cùng một vài cán bộ từ Bắc vào, đều là sinh viên đại học, nói tiếng Pháp rất giỏi, phải thay nhau làm phiên dịch cho ông.

Biết rằng mọi người chưa thể tin tưởng mình ngay, Kostar im lặng làm mọi việc được phân công, im lặng chứng minh bằng tấm lòng trong sạch của mình với cách mạng. Sau khi gia nhập Việt Minh được 1 tháng, ông và một vài cán bộ khác được phân công vào rừng trinh sát, bỗng gặp ổ phục kích của địch. Địch đông, ta ít, không kịp chạy trốn nữa, ông lúc đó không một tấc sắt trong tay (do chưa được tin tưởng giao vũ khí), buộc ông phải nhảy ra đánh lạc hướng giặc, với hi vọng thấy mình là người nước ngoài, chúng sẽ tưởng lính lê dương bị lạc đơn vị. Ông không ngờ rằng, đó chính là đòn "nắn gân" ông, là màn "thử lửa" cuối cùng tấm lòng của ông với một dân tộc mới cách đó 5 tháng còn vô cùng xa lạ. Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng ông bị thử thách để được mọi người gọi bằng 2 tiếng thân thương "đồng đội".

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đoàn làm phim Cù Chính Lan. Bạch Tuyết (con gái ông Lập) được cố Thủ tướng bế trên tay.

Tham gia bộ đội Cụ Hồ, ông được phân công nhiều vị trí khác nhau, lúc thì làm địch vận, lúc thì ở đơn vị pháo cao xạ, lúc lại phụ trách tiểu đoàn thu dũng, quản lý trại tù binh… Ở đâu, ông cũng chiến đấu để xứng với danh xưng "bộ đội Cụ Hồ". Làm địch vận, ông nghĩ ra cách làm chương trình phát thanh, kể câu chuyện của chính mình bằng tiếng Pháp cho những người lính lê dương khác nghe. Từ đó, ông đã thu phục được thêm 40 người lính khác gia nhập Việt Minh, mang theo súng đạn. "Lúc đó súng đạn quý lắm. Mình phải đổi 3 người mới lấy được một khẩu súng" - ông nhớ lại. Bằng cách hàng phục được 40 tên lính Pháp một cách hòa bình, ông đã giữ được mạng sống cho 120 người cách mạng. Ở đơn vị pháo cao xạ, ông cũng cùng đồng đội trở thành một trong những người đầu tiên bắn rơi máy bay, bắt sống được 4 tên giặc lái.

Những năm đó, thấy mấy chiếc tàu của Nhật bị bắt neo ở bến cảng gần Phù Cát, ông và các đồng đội bèn bàn nhau lặn xuống tiếp cận tàu để lấy vũ khí, máy móc. Khổ cái nước thì sâu, mà đồ thợ lặn thì không có, mọi người mới nghĩ ra cách đội mũ cao su, bịt kín cổ lại, chỉ để một lỗ thông hơi, sau đó một người trên bờ bơm hơi, còn người đội mũ lặn xuống. Bằng cách thô sơ đó, họ đã tiếp cận tàu thành công, và lấy được một số súng đạn trên tàu. Sau này gặp lại, Kostar mới biết người bơm hơi cho mình lặn, hóa ra là đồng chí Trương Quang Được - người mà sau này trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Lập gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1991.

Đến ngày đình chiến năm 1954, ông được phân công áp giải tù binh trao trả ở Quy Nhơn, sau đó tập kết ra Bắc, bắt đầu tham gia vào công cuộc khôi phục và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các tỉnh miền Bắc. Bắt đầu là những công việc tại Bộ Văn hóa, làm phiên dịch tại Nhà in Tiến Bộ, lái xe ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), mỏ than Na Dương (Lạng Sơn), làm phục vụ mặt đất tại sân bay Gia Lâm… Trong thời kỳ này, ông đã vinh dự 3 lần được gặp mặt Bác Hồ. "Lần thứ 4, tôi gặp Người trong Lăng Bác" - Kostar ngậm ngùi.

Năm 1958, ông kết hôn với một cô gái Hà Nội gốc, mồ côi cha mẹ. Họ sinh được 3 người con, đều đặt những cái tên Việt: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga. "Ngoài công việc chính, cũng có khi tôi được mời đóng phim nữa. Có những phim tôi đóng liền 4 vai, lúc thì là quan hai, lúc thì là lính Pháp, lúc lái xe tăng, lúc làm phi công… như trong phim Cù Chính Lan năm 1964. Tổ chức phân công việc gì tôi làm việc đó. Nghĩ lại cũng vui lắm".

Điều mà khiến ông cảm thấy may mắn là khi đóng bộ phim, ông đã được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chụp một tấm ảnh lưu niệm, trong đó cô con gái Bạch Tuyết của vợ chồng tôi được bác Đồng bế trên tay. Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp đã tôi luyện chàng trai người Hy Lạp trở thành một người Việt thực thụ. Tất cả quãng đời sôi nổi nhất của ông, ông đã trải qua ở Việt Nam. Trong thâm tâm ông chưa bao giờ nghĩ đến việc rời đất nước này mặc dù hồi đó rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Điều day dứt nhất trong ông, là suốt hơn chục năm phiêu dạt, ông không có được một dòng tin nào về mẹ.

Năm 1954, với chính sách của đất nước đưa tù binh về các nước CNXH khác để từ đó họ trở về cố quốc, ông biết một số người tốt, nhờ gửi thư về nhà cho mẹ. Cuối năm đó, ông nhận được thư trả lời. "Lá thư đó tôi đọc 10 ngày không hết. Cứ giở ra lại khóc". Trong thư mẹ ông nói tưởng ông đã chết, 10 năm nay bà đã mặc áo đen. Bà cũng không quên dặn ông trở về "vuốt mắt cho mẹ". Đáp lại ước nguyện đó của bà, đến năm 1965 ông mới thực hiện được, bằng chuyến hồi hương. Rời "quê ngoại" Việt Nam, nhưng dấu ấn về người Việt trong ông không bao giờ mất.

Bản lĩnh được tôi luyện từ những ngày theo Việt Minh

Chúng tôi hỏi về cuộc sống của ông khi quay trở lại Hy Lạp, ông bảo: "Năm đầu trở về, gia đình tôi gặp bao khó khăn chồng chất". Vì mất quốc tịch Hy Lạp do vắng mặt quá lâu, lại không đi quân dịch nên tôi không thể tìm được việc làm, và cũng không có gì để ăn. Thời gian đó khổ vô cùng, nhưng nhờ những ngày đi theo Việt Minh và bộ đội Cụ Hồ đã đào luyện tôi và gia đình vượt qua". Hồi đó, theo ông kể, ở Hy Lạp người ta không ăn đầu gà, chân gà, ông liền ra nhà hàng xin cái đó về ăn. Không dám nhận mình là người Hy Lạp, ông nói nhặt chân gà về để làm thuốc Bắc cho đỡ xấu hổ. Mỗi ngày 1 bọc chân gà đã nuôi sống gia đình ông trong 1 năm trời.

Và trong 1 năm gian khổ ấy, thêm một người con nữa ra đời với cái tên Tự Do. Theo ông giải thích thì ông chọn cái tên đó đặt cho cô gái út của vợ chồng mình là "Tự Do cho Việt Nam" và cũng là Tự Do cho chính bản thân ông và gia đình. Nhờ người con đó ra đời, ông được xếp vào hạng "đông con" và được miễn quân dịch, mặc dù thay vào đó là đóng một khoản tiền lớn cho chính quyền Hy Lạp. Hồi mới về nước, cả gia đình sống trong căn buồng chục mét vuông của bố mẹ ông để lại, xem ra vẫn chưa cùng cực đến mức đầu đường xó chợ, ông mang nghề lái xe đã được dạy ở Việt Nam ra làm cần câu cơm.

Ngày đầu tiên được công nhận lại là công dân Hy Lạp với một cái bằng lái xe đã được thừa nhận, ông không bao giờ quên được. "Ngày đầu tiên tôi đi làm, cháu Thành chạy vào ôm lấy bố thốt ra một câu tiếng Việt: Bố ơi, hết lo rồi! Hai bố con đều khóc. "Mỗi ngày tôi làm việc thông 2 ca để có tiền nuôi vợ và các con. Cứ thế, cuộc sống dần trôi, cả 4 cháu đều học hết đại học. Tôi vô cùng tự hào. Các con đều được học hành, và học giỏi. Tôi chợt nghĩ đó là nhờ dòng máu Việt Nam chảy trong các cháu". Hiện các con ông đều đã trưởng thành và thành đạt.

20 năm cùng thăng trầm với đất nước đã biến ông thành người Việt Nam thực thụ, từ cả cách ăn nói, đến cách đệm các từ địa phương. Đến các cháu ông, dù sinh ra ở Hy Lạp nhưng cũng đều mang những cái tên Việt. Cháu đầu của ông tên là Phục Sinh, cháu thứ 2 thì tên là Hồ Minh, vì cháu sinh đúng ngày 19-5. Tuy chưa từng được về Việt Nam, nhưng từ ngày còn nhỏ xíu, chỉ cần ông hỏi "Cháu có biết Hồ Minh nghĩa là gì không?", thằng bé ngay lập tức trả lời: "Biết chứ, biết chứ. Chỉ huy, chỉ huy".

Hai ông bà ở nhà nói chuyện với nhau cũng bằng tiếng Việt, ăn đồ ăn cũng là đồ Việt. Ngay các cháu ông cũng thích "ăn cơm bà" chứ không thích "ăn cơm mẹ". Ông vẫn giữ thói quen đọc sách tiếng Việt, từ nào không hiểu thì gạch chân, tiện gặp ai thì hỏi. Ở tuổi ngoài 80, nhưng ông vẫn nhớ mùa xuân năm 1975 mình đã nhảy lên vì quá sung sướng khi nghe tin Việt Nam thống nhất. Ngay cả chiếc mũ cối, đến giờ người Việt cũng ít dùng, nhưng ông thì vẫn kè kè mang theo cả khi đi dự hội nghị quốc tế. Những năm sau này, tuy không còn khỏe, nhưng ông vẫn tham gia Hội Việt kiều tại Hy Lạp, quyên góp giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Cuốn sách "Một người Hy Lạp ở quân đội lê dương, tại sao theo Việt Minh?", sau khi dịch sang tiếng Việt bán lấy tiền để ủng hộ các cháu nghèo mổ tim, cho các cháu da cam chút quà. Những lần trở về Việt Nam, ông càng thấy khỏe hơn, vui hơn, dù tuổi mỗi ngày mỗi cao. Lần này được Nhà nước mời về dự Đại hội Thi đua yêu nước, càng khiến ông cảm động.

Dù ông là người Hy Lạp chính gốc, các cán bộ của Bộ Ngoại giao vẫn gọi ông là Việt kiều. "Vài ngày nữa, tôi sẽ trở thành người Việt Nam "xịn" đấy nhé", ông hồ hởi khoe. Bởi vài ngày nữa, ông sẽ chính thức được Chính phủ trao Quốc tịch Việt Nam

Lưu Vinh - Ngọc Yến - Vũ Hân
.
.
.