20 năm làm Hiệu trưởng trường khiếm thính

Thứ Hai, 05/02/2007, 14:35
Ở độ tuổi 51, hiệu trưởng Thân là người có thâm niên nhất ở TP HCM công tác tại trường chuyên biệt khiếm thính. Có lẽ thấu hiểu được tấm lòng của chị, nên 18 giáo viên ở đây ngoài việc dạy chuyên môn còn kèm thêm chức năng của một người cha, người mẹ...

Hy vọng Bình Thạnh, trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính đầu tiên ở TP HCM, được thành lập năm 1986, đặt tại số 25, đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh. 21 năm gắn bó với trẻ em nghèo khiếm thính, hiệu trưởng nhà trường đồng thời cũng là người sáng lập cô Nguyễn Thị Thân phải trải qua biết bao vất vả, giúp cho hàng trăm trẻ em khiếm thính có hy vọng để bước vào đời…

Ở độ tuổi 51, hiệu trưởng Thân vẫn còn một thời gian dài nữa để đem sức mình giúp đỡ cho trẻ khiếm thính, nhất là đối với trẻ nghèo. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc chị là người có thâm niên nhất ở TP HCM công tác tại trường chuyên biệt khiếm thính. Những đồng nghiệp cùng thời với chị, có người đã nghỉ, có người chuyển nghề vì không thể cầm cự nổi trước những khó khăn.

Chị nói: "Vì là trường dân lập, tự thu tự chi, trong khi đó số tiền học phí (các em nghèo, mồ côi thì được miễn) không đủ để trả lương giáo viên nên mọi thứ đều phải vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm". Vì vậy mà ngoài công tác quản lý, mọi người còn thấy chị Thân lặn lội nơi này, nơi nọ để kiếm từ cái bảng, cuốn sách đến bàn học, bàn ăn. Cực nhất là mỗi khi Tết đến, chị phải tăng cường tìm nhà tài trợ để có tiền mua quà Tết tặng học sinh, giáo viên.

Có lẽ thấu hiểu được tấm lòng của chị, nên 18 giáo viên ở đây (dạy ba cấp học từ mẫu giáo đến cấp 2 với số lượng dao động hàng năm là trên dưới 140 học sinh) ngoài việc dạy chuyên môn còn kèm thêm chức năng của một người cha, người mẹ để nuôi nấng các em mồ côi, cơ nhỡ.

Họ đến đây cũng xuất phát từ tình thương đối với trẻ thiệt thòi vì lương bổng chỉ mang tính chất tượng trưng và không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào. Chị Thân tâm sự: "Dạy trẻ khiếm thính phải từ 1,5 - 2 năm mới xong một lớp. Hơn nữa tính tình của chúng cũng khác thường". Để rèn luyện, dạy dỗ chúng ngoan, lễ phép, đích thân hiệu trưởng luôn tìm hiểu tâm tính của từng em và "tham mưu" giúp giáo viên dạy cho hiệu quả.

Sở dĩ chị Thân làm được điều này là vì đứa con gái của chị cũng là một người khiếm thính. Chị bùi ngùi kể lại: Con chị lúc sinh ra cũng là một đứa trẻ bình thường nhưng khi lên 3 tuổi thì bị bệnh và điếc luôn từ đó. Mỗi lần nhìn con cô độc hay nghĩ về tương lai của con là chị khóc. Sau bao năm trời buồn tủi, khi con lên 6 tuổi, chị quyết phải cho đi học. Mà học thì phải có trường, thế là trường Hy vọng hình thành từ đó. Đến nay thì chị đã mãn nguyện vì bé Ngô Thị Thanh Vân ngày nào giờ đã 27 tuổi, là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học.

Cùng hoàn cảnh với con chị, những học sinh của mái trường Hy vọng Bình Thạnh như Phạm Minh Thông (tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật), Nguyễn Kế Bình (nhân viên bảo vệ), Châu Chính Nghĩa (thợ điện lạnh)… đều trở thành những người có ích cho xã hội. Niềm vui được nhân đôi khi những học sinh thành đạt ấy luôn tranh thủ thời gian quay lại trường xưa để dạy lại đàn em nhỏ.

Hôm chúng tôi đến thăm trường cũng là lúc có Công ty cổ phần Thạnh Long (khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) đến giúp các em ít tiền để liên hoan vào dịp cuối năm. Qua phiên dịch của một giáo viên, chúng tôi hỏi về ước mơ của các em nhân dịp xuân về.

Nhiều em mong muốn có một máy trợ thính (hiện toàn trường còn hơn 30 em chưa có máy) vì gia đình nghèo không sắm nổi… "Nghe" các em "nói", cô Thân ra hiệu: "Cô còn làm đây 10-15 năm nữa, các con cứ an tâm sẽ có lúc ước mơ của các con trở thành hiện thực…"

M.T.P.
.
.
.