20 năm dành tiền xây trường học

Thứ Năm, 14/04/2005, 07:28
Hễ khi nào có được một khoản tiền lớn, ông Thuỗm lại tính chuyện làm một việc gì đó giúp cho sự nghiệp giáo dục quê mình. Ông lý giải: Tiền bạc con người vẫn có thể làm ra, chứ trẻ nhỏ mà không được học chữ thì coi như đã hỏng cả một thế hệ.

Người đàn ông ấy có tên là Đinh Văn Thuỗm, người thôn Vân Trình (xã Thượng Hoà, Nho Quan, Ninh Bình). Mặc dù đã bước sang tuổi 78, nhưng ông còn nặng lòng với sự nghiệp giáo dục ở quê nhà. Hai mươi năm dành dụm tiền để xây lớp học cho những học trò nghèo trong làng. Nhiều lần, ông đã định bán cả nhà cửa, đất đai để lấy tiền làm "khuyến học".

Ông là một trong số ít ỏi người làng được học hành, trở thành một y tá, rồi làm giáo viên Trường Y tế Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1972, ông Thuỗm nghỉ dạy học, về quê làm nghề chữa bệnh. Việc học của lũ trẻ trong làng cũng trở thành nỗi ám ảnh của ông từ đấy.

Ông Thuỗm kể, trước đây, vì làng Trình cách xa trung tâm xã quá nên những học sinh lớp 1, lớp 2 học ngay tại làng, trong những lớp học tạm bợ. Từ ngày đó, ông Thuỗm đã nung nấu ý định xây một ngôi trường mới khang trang cho học sinh.

Mãi đến năm 1992, sau 20 năm tiết kiệm và làm lụng vất vả, khi đã có trong tay gần 30 triệu đồng, ông Thuỗm mới quyết định xây trường học. Bản thiết kế ngôi trường mới ông đã nhờ một kỹ sư xây dựng ở thị xã vẽ. Sau đó, ông làm bản tường trình gửi đến ủy ban xã, rồi đến lãnh đạo trường học địa phương để được xây lớp học bằng số tiền của cá nhân ông. Đề nghị của ông được chấp thuận.

Chính quyền xã đã cấp cho ông một khu đất ngay đầu làng để xây trường. Song, số tiền ông dành dụm được cũng chỉ đủ làm xong phần nền. Công việc xây dựng phải tạm dừng. Chờ đợi mãi mà ngôi trường chưa xây xong, chính quyền xã, theo lời ông Thuỗm "cũng nghèo lắm", đã quyết định đầu tư thêm để xây trường.

Đến năm 2001, nghĩa là sau gần 10 năm xây dựng, phần mái của khu trường mới được hoàn tất. Trường xây xong, ông Thuỗm lại bỏ tiền ra làm bàn ghế, mắc điện nước và quạt trong lớp phục vụ học sinh. Ở cổng trường, ông cho tạc câu đối do chính tay ông làm, rất mộc mạc nhưng lại đầy ý nghĩa: Kính người già gơ gốc xóm thôn/ Yêu trẻ nhỏ xây nền đất nước.

Từ khi ông Thuỗm trở về quê, người làng Trình mỗi khi ốm không phải đi xa lên tận trung tâm huyện chữa bệnh nữa. Đã nhiều năm nay, ông nhận chữa bệnh miễn phí cho những học sinh học trong ngôi trường ông đã xây. Gần đây, ông lại nhận chữa bệnh miễn phí cho toàn bộ học sinh tiểu học của xã Thượng Hoà.

Nhắc đến ông Thuỗm, người dân làng Trình bao giờ cũng tỏ thái độ nể trọng và biết ơn. Học sinh trong giờ giải lao thường ùa sang nhà ông (ở  đối diện trường) nô đùa và để được nghe ông kể chuyện. Trong những câu chuyện ông Thuỗm kể, có rất nhiều tấm gương hiếu học đã vượt qua khó khăn để trở thành những học sinh giỏi, những người thành đạt

Nguyễn Trọng Tuyến
.
.
.