Chuyện chưa biết về Anh hùng Núp qua lời kể của nhà văn Trung Trung Đỉnh

Thứ Tư, 16/08/2017, 16:42
Tôi cứ ngơ ngẩn nghĩ, chỉ cách đây vài tuần, vài tháng thôi, việc được gặp Anh hùng Núp thì ngay cả trong mơ tôi cũng không dám mơ tưởng tới; ấy vậy mà bây giờ đây, tôi đang ngồi bên ông, đang hút điếu thuốc lá do chính ông hướng dẫn cách quấn sao cho vừa chặt lại vừa săn, nhưng không được quá tay để khi hút kéo được hơi vào nhiều, làm cho thuốc cháy hết, cháy đều, khói ra đậm và thơm.


I-Tôi có cái may mắn là sớm được gặp Anh hùng Núp, hơn thế, lại còn được ở chung với ông mấy năm giữa thời trai trẻ. Cái thời mà những người anh hùng, chiến sĩ thi đua là thần tượng, là lý tưởng, là niềm khát khao phấn đấu của tuổi trẻ. Mỗi lần có ai đó nhắc tới Anh hùng Núp thì bà con Bah Nar thường gọi ông một cách thân thiện là đe nhâng Núp. Đe nhâng Núp có nghĩa là “ông anh”, cũng có thể dịch là “liền anh” hoặc “người anh”.

Đe nhâng Núp, ấy là đồng chí Núp thời tôi gặp vừa làm Bí thư Huyện ủy Khu 10 (huyện 10), kiêm Chính trị viên Huyện đội. Cánh lính Huyện đội người miền Bắc như tôi thời đó hiếm lắm, đa phần là những anh “có được học văn hoá nhiều nhiều”, đe nhâng Núp thường tổ chức gặp gỡ anh em, vừa để động viên vừa để nhắc nhở chúng tôi quan tâm đến vấn đề phong tục tập quán, ngăn ngừa những hiểu lầm đáng tiếc.

Anh hùng Núp thăm Viện Bảo tàng Quân đội năm 1999.

Về phía chúng tôi thì mỗi anh đều đã có sẵn trong lòng mình một Anh hùng Núp huyền thoại thời anh cùng bà con làng Kông Hoa - tên làng này do Boók Nguyên Ngọc đặt trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" tổ chức đánh cho thằng Pháp chảy máu. Hình tượng Anh hùng Núp mà chúng tôi yêu mến và hâm mộ từ trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên"  của nhà văn Nguyên Ngọc giờ đây càng trở nên sống động khi tiếp xúc với ông, một đe nhâng Núp bằng xương, bằng thịt, không hề có vẻ gì của một người anh hùng.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp ông, đe nhâng Núp vừa ngồi nướng sắn vừa chờ tôi. Khi tôi tới, ông đứng dậy bắt tay với một câu chào mời rất Bah Nar: “E xa bum bé” (Mày ăn sắn đi). Rồi ông “chồ” lên một tiếng sau đó nói tiếng Kinh: “Tôi cũng ớn ăn củ mì quá nhưng huyện huy động hết lúa gạo ưu tiên cho phía trước rồi”. Tôi hiểu ông muốn thanh minh cho việc đón tiếp một thành viên mới lẽ ra không phải chỉ đơn giản thế này, và tôi vui vẻ ngồi xuống bên ông, vui vẻ ăn củ sắn chín vàng do chính ông nướng.

Tôi say sưa ngắm tẩu thuốc luôn luôn bập những cú bập chắc nịch rồi những làn khói phà ra thơm thơm, khen khét. Ngay bên cạnh chỗ ông ngồi là con dao quắm để vừa tầm tay và một cái gùi trong đó chứa hình như toàn bộ đồ đoàn của ông.

Tôi cứ ngơ ngẩn nghĩ, chỉ cách đây vài tuần, vài tháng thôi, việc được gặp Anh hùng Núp thì ngay cả trong mơ tôi cũng không dám mơ tưởng tới; ấy vậy mà bây giờ đây, tôi đang ngồi bên ông, đang hút điếu thuốc lá do chính ông hướng dẫn cách quấn sao cho vừa chặt lại vừa săn, nhưng không được quá tay để khi hút kéo được hơi vào nhiều, làm cho thuốc cháy hết, cháy đều, khói ra đậm và thơm.

Từ lúc được tiếp xúc với ông, tôi nhanh chóng quên mất rằng tôi đang làm việc, theo như cách nói trang trọng của đồng chí liên lạc là làm việc với cấp trên. Hơn thế, tôi đã quên cả những câu định hỏi, những ý định nói mà trước khi đi tôi đã chuẩn bị.

II- Hồi còn trong rừng đánh Mỹ, tôi thường được Huyện đội cử xuống buôn làng tuyển quân. Mỗi lần có tân binh về, thế nào đe nhâng Núp cũng sang nói chuyện với anh em. Đe nhâng Núp, Bí thư Huyện uỷ, Chính trị viên Huyện đội, miệng không rời tẩu thuốc, tay không rời con rựa, tức con dao quắm, bên hông một bộ thắt lưng Mỹ đủ một cơ số nào bi đông, ống cóng, nào lựu đạn, dao găm, băng đạn, võng dù, vắt cơm... Nghĩa là người lính kỳ cựu nhất của Huyện đội có cái gì thì ông cũng trang bị cho mình đủ các thứ ấy.

Đe nhâng Núp có phong cách nói chuyện chậm rãi và kiệm lời, với đôi mắt nheo nheo lúc nào cũng như cười, toát lên cái vẻ vừa gần gũi thân tình lại vừa cởi mở. Đe nhâng Núp nói tiếng Bah Nar với anh em tân binh người Bah Nar. Nói tiếng Jrai với anh chị em người Jrai. Và nói tiếng Kinh với anh em người Kinh.

Cả ba thứ tiếng đe nhâng Núp đều thành thạo, đều có thể diễn đạt hết ý, cạn từ, nhưng cùng chung một phong thái bình dị, tự nhiên như thể cha đang nói chuyện với con, anh đang hướng dẫn em, bạn bè tâm sự với bạn bè. Đặc biệt đe nhâng Núp nói chuyện với các già làng thì không ai có thể có sức thuyết phục hơn thế.

Một lần đội du kích làng Đe Tăng Chà chỉnh huấn, có một vấn đề gay cấn mà cán bộ xã, sau khi phát biểu ra, không sao giải thích lại được cho anh em bà con thông cảm. Đội du kích gần như chia thành hai phe tranh cãi. Một bên theo cái miệng cán bộ xã nói là tình hình cách mạng miền Nam đang có nhiều thuận lợi, đang theo đà phát triển đi lên. Còn một bên thì kiên quyết phản đối, cho rằng tình hình cách mạng miền Nam đang có nhiều thuận lợi, vì vậy đang đà phát triển đi xuống.

Họ kiên quyết đi xuống dốc bao giờ cũng thuận lợi dễ dàng hơn lên dốc, và vì vậy, phải đánh giá cho "trúng lỗ tai" họ. Giằng co nhau mãi, cuối cùng đến tai huyện. Thế là đe nhâng Núp lên đường. Tôi biết chuyện nên xin Huyện đội theo đe nhâng Núp xuống làng tuyển tân binh. Bà con nghe tin có đe nhâng Núp cùng hai cán bộ huyện và tôi về làng thì mừng lắm. Họ xúm vào đề nghị cán bộ giải quyết giúp cho họ vấn đề "mâu thuẫn nội bộ".

Hai anh cán bộ huyện cùng đi hôm ấy nổi tiếng là những người giỏi tiếng Bah Nar. Một anh làm việc ở Ban Kinh tế, thực ra là quanh năm suốt tháng nằm trong dân để vận động bà con đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Còn một anh làm việc ở Ban Tuyên giáo, cũng là người có thâm niên hàng chục năm làm cán bộ phong trào.

Trời mưa, nhà rông của làng chật ních người. Tôi ngồi bên đe nhâng Núp lẫn trong dân làng lắng nghe anh cán bộ xã trình bày lại vấn đề thắc mắc của bà con, sau đó đến hai lão du kích thay mặt cho hai phe, rồi đến anh cán bộ tuyên giáo. Anh cho rằng câu phát biểu của anh cán bộ xã hoàn toàn đúng với tinh thần chỉ đạo của trên, bà con chớ có lầm lẫn giữa chuyện lên dốc với lại xuống dốc sang việc nhận định tình hình. Rồi anh thông báo cho đồng bào nhiều tin tức mới về trận đánh lớn của Quân giải phóng, những chiến công oanh liệt của đồng bào miền Bắc...

Bà con ngồi nghe chăm chú, đến lúc anh dừng, thì cả nhà rông như bị hẫng hụt, phải vài giây sau mọi người mới chợt nhận ra là cái điều mình thắc mắc vẫn còn nguyên, chưa thấy cán bộ giải thích. Lão du kích phe thắc mắc đứng lên yêu cầu cán bộ nói chuyện thời sự tiếp, bà con nghe sướng lỗ tai lắm, còn chuyện thắc mắc do mâu thuẫn nội bộ, thì không đơn giản đâu. “Thế mày nói đi. Tui hỏi mày lên dốc có mệt hơn xuống dốc không?”. “Có. Nhưng đó là chuyện lên xuống dốc, người ta đã nói rồi, boók không chịu nghe à?”. “Có trúng lỗ tai mới nghe được chớ!”.

Đúng lúc ấy Anh hùng Núp đứng lên. Hôm nay ông cũng đóng khổ, cởi trần, dường như với loại trang phục này có vẻ hợp với ông hơn. Ông tới bên lão du kích, mượn của ông cây ná, bằng một động tác thuần thục vừa mềm như con báo lại vừa dứt khoát như một tráng sĩ, đe nhâng Núp giương cây ná lên biểu diễn một động tác ngắm bắn thật điêu luyện, khiến mọi người tập trung hết vào theo dõi. Bỗng ông hạ cây ná xuống, tới bên cái bảng treo trên vách nhà rông, dùng viên than củi, hình như đã được chuẩn bị sẵn, vạch một đường chéo xuống, cũng có một mũi tên.

Tôi cũng như nhiều người quanh tôi chưa hiểu thế nào, thì đe nhâng Núp hắng giọng, nhìn khắp lượt với cái nhìn hóm hỉnh, nói tiếng Bah Nar: “Tình hình cách mạng mình có cả lên dông, có cả xuống hố, vì cách mạng giống như cây ná, mũi tên. Thằng Mỹ-Thiệu ở trên dông, mũi tên cách mạng bay lên dông. Còn nếu thằng Mỹ -Thiệu ở dưới hố, thì mũi tên cách mạng bay xuống hố. Thế…ế ê... mà”. Cả nhà rông cùng lúc “ồ” lên, còn lão du kích phe thắc mắc có vẻ mặt cứng nhắc thì ôm ghì lấy Anh hùng Núp, miệng liên tục “lng liêm, lng liêm” (Tốt quá. Tốt quá).

Thế đó, Anh hùng Núp của chúng ta luôn luôn coi trọng việc giải thích cho đồng bào hiểu những đường lối, chủ trương, chính sách của cách mạng bằng một lối nói vừa sâu sắc, lại vừa giản đơn như vậy. Sau chuyến công tác ấy, làng du kích Đê Tăng Chà không những đã giải quyết xong vấn đề mâu thuẫn nội bộ mà câu chuyện kể trên còn lan truyền khắp huyện, tạo nên một không khí hào hứng cách mạng sôi nổi chưa từng có.

III- Lại nói về tài vận động quần chúng của đe nhâng Núp sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là những ngày sôi nổi và lãng mạn trong công cuộc chuyển mình dựng xây lại quê hương. Chính sách định canh, định cư như là chìa khoá mở ra một tương lai mới đầy hứa hẹn. Quê hương của Anh hùng Núp được chọn là một trong những cụm kinh tế mới điển hình. Thế nhưng đi vào cụ thể thì vấp phải trăm ngàn khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao cho bà con nhanh chóng tiếp thu được tập quán canh tác mới.

Anh hùng Núp trong một lần nói chuyện cùng Che Guevara.

Một tập quán mà từ đó sẽ tạo nên những bước thay đổi cơ bản hàng loạt các phong tục cổ truyền. Đe nhâng Núp lại một lần nữa lên đường. Ở làng Đê Bar, mà thực chất là cả huyện, cả vùng người ta cùng trông vào cái miệng nói lời phải trái của ông, không phải vì ông là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh mà họ coi ông như một già làng. Cái chuyện dời làng xuống núi là chuyện động trời, không thể chấp nhận được, vậy thì phải hỏi đe nhâng Núp thôi.

Đe nhâng Núp về làng như hàng trăm lần, hàng ngàn lần trước, vẫn ung dung, bình dị, chuyện trò trước hết với các già làng: “Núp này, dời làng xuống núi là cách làm sao? Không sợ Yàng phạt à?”. Đe nhâng Núp nhấc tẩu thuốc ra khỏi môi, chậm rãi hỏi lại: “Cách mạng lãnh đạo nhân dân ta đánh thằng Pháp, thằng Mỹ để làm gì?”. “Để có độc lập tự do chớ để làm gì?”. “Có độc lập tự do mà đói thì có giữ được độc lập tự do không?”. “Không!”. “Vậy muốn không đói thì ta phải đánh thằng giặc đói, có trúng lỗ tai không?”. “Trúng”.

Đe nhâng Núp cười vui rồi nắm tay già, nói: “Có tốt nhận thức rồi. Mình đánh thằng giặc đói không phải chuyện bình thường đâu. Cách mạng nó cho cán bộ về hướng dẫn cách làm ăn mới, không phải một ngày hai ngày mà quen ngay được. Núi cũng của mình mà đất bằng cũng của mình, mình chọn chỗ đất tốt cho bà con mình làm ăn, sao Yàng phạt. Yàng chỉ phạt mình để dân làng đói, càng đói sẽ càng lạc hậu. Càng lạc hậu Yàng càng phạt nặng hung! Thế mà”.

Thế đó. Anh hùng Núp của chúng ta không phải là một nhà hùng biện. Tôi chưa bao giờ thấy ông nói dài, nhưng tất cả những điều ông nói đều mang ý nghĩa thiết thực. Chính vì thế mà chỉ một mình ông, ông đã thuyết phục được hàng trăm con người lầm lỗi đi theo bọn FULRO ở một làng nổi tiếng có nhiều kẻ chống phá cách mạng, trở về với cộng đồng. Họ trở về không phải vì sợ mà vì họ hiểu ra bấy lâu nay chính họ là những kẻ bị lừa.

IV-Thoáng cái đã 18 năm Anh hùng Núp đi xa. Mỗi lần về Gia Lai tôi lại rủ mấy anh bạn văn nghệ lên đỉnh đồi nghĩa trang liệt sĩ kể cho nhau nghe những kỷ niệm của mình với đe nhâng Núp. Thật hiếm có người anh hùng nào lại dễ gần, dễ cảm tình đối với anh em văn nghệ như ông.

Có lẽ chính vì có sự dễ gần đáng yêu ấy đã là một trong những mạch nguồn cảm hứng giúp cho nhà văn Nguyên Ngọc sáng tạo thành công một cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật viết về những anh hùng chiến sĩ thi đua. Một cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ và thấm đẫm chất anh hùng ca truyền thống của Tây Nguyên.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh
.
.
.