17.622 lần chiến thắng tử thần

Chủ Nhật, 10/07/2005, 07:38

Thu gom, tìm kiếm và xử lý bom, mìn, vật liệu nổ (BMVLN) mà chiến tranh để lại luôn là công việc gian khổ và nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho đồng đội, nhân dân, 14 năm qua, Trung tá Phạm Minh Thư, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật sân bay Pleiku, và đồng đội đã thu gom, tìm kiếm và xử lý một số lượng BMVLN khổng lồ là 17.622 quả!

Sân bay Pleiku (Gia Lai) nguyên là căn cứ quân sự hỗn hợp của Mỹ - ngụy trước giải phóng. Tại đây, có một kho bom đạn cũ bị phát nổ trong chiến tranh. Số BMVLN nổ không hết đã văng ra trên diện tích hơn 50 ha. Ngoài ra, trước đây, địch đã gài nhiều lớp, nhiều bãi mìn để phòng thủ sân bay. Vì thế, khu vực này dày đặc BMVLN các loại. Các loại bom M117/A3, MK-82 là bom phá, nặng từ 500 đến 750 bảng Anh. Còn bom BLU/66B, BLU/46B được gọi là bom cam vì chúng chỉ lớn hơn quả cam chút ít, nhưng sức công phá tương đương 4 quả lựu đạn. Nguy hiểm nhất là "bom bi con" rơi ra ngoài sau khi bom bi mẹ phát nổ và đầu đạn M79 đã bắn ra khỏi vỏ đạn thì chúng rất dễ phát nổ. Ngoài mìn phốt pho, ở đây còn có cả mìn râu, mìn zip…

Xung quanh khu vực dày đặc BMVLN này là địa bàn cư trú, làm ăn, đi lại của nhân dân địa phương. Bộ đội Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật sân bay Pleiku và các đơn vị khác thuộc Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng thường xuyên qua lại khu vực nguy hiểm này. Từ năm 1977 đến 1992, đã có 9 người thiệt mạng, 30 người bị thương do BMVLN gây ra. Sư đoàn 372 đã chỉ đạo tiến hành nhiều đợt thu gom BMVLN vào các năm 1981 và 1989 nhưng vẫn chưa giải quyết hết. Các đợt thu gom này đều xảy ra nổ, gây thương vong nên kế hoạch phải dừng lại.

Trực tiếp chứng kiến những mất mát về người mà BMVLN nằm vung vãi trong khu vực gây ra, Trung tá Phạm Minh Thư luôn trăn trở để tìm phương án, giải pháp khắc phục. Theo anh, trước hết phải thu gom, tìm kiếm, xử lý số bom, mìn, đầu đạn nguy hiểm này càng sớm càng tốt. Hiểu được nhiệt tình, quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao của anh Thư, đồng chí Nguyễn Anh Tiễu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và xử lý vật liệu nổ thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đã tận tình hướng dẫn anh cả về lý thuyết và thực hành cách thu gom, tìm kiếm, xử lý thủ công đối với BMVLN. Để đảm bảo an toàn, đòi hỏi người tham gia thu gom, tìm kiếm, xử lý BMVLN không chỉ dũng cảm, mưu trí, có bản lĩnh mà còn phải hết sức cẩn trọng và có tính nguyên tắc cao. Đối với đầu đạn M79, khi phát hiện phải đốt nổ tại chỗ, không di chuyển vì nó rất dễ phát nổ. Đối với bom cam và bom bi, phát hiện chúng nằm ở tư thế nào, phải di chuyển chúng đúng ở tư thế đó để tránh phát nổ… Đây là những điều anh Thư phải thuộc lòng, thực hành thuần thục trước khi tiến hành trong thực tế nhằm đảm bảo an toàn.

Biết thu gom, tìm kiếm, xử lý BMVLN là một công việc nguy hiểm, thường xuyên đối mặt với tử thần nên trước khi tiến hành, anh Thư đã không báo cáo với cấp trên vì anh biết nếu báo cáo, chắc chắn cấp trên sẽ không đồng ý vì đơn vị cũng như cá nhân anh không đủ trình độ chuyên môn. Anh cũng giấu kín, không cho vợ con biết chuyện để họ khỏi lo lắng. Để công việc được thuận lợi, anh đem ý định của mình bàn bạc và rủ đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, một cán bộ trung đội cùng tham gia. Anh Đạt hồ hởi nhận lời và tận tình học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để sớm được tham gia.

Việc thu gom, tìm kiếm, xử lý BMVLN là công việc ngoài chuyên môn nên hai anh chỉ tiến hành vào giờ nghỉ trưa, sau giờ làm việc buổi chiều và các ngày nghỉ, ngày lễ. Theo kế hoạch, lúc đầu các anh tiến hành công việc dọc đường đi, đường tuần tra và các khu công vụ của sân bay. Ngoài việc thu gom số BMVLN có thể dễ dàng quan sát thấy, các anh còn dùng thuốn sắt kiểm tra kỹ lưỡng từng hốc cây, búi cỏ, mô đất. Tuy gian khổ, căng thẳng và nguy hiểm luôn rình rập, nhưng niềm vui trong các anh ngày một nhiều lên khi từng quả BMVLN được các anh lôi từ dưới lòng đất lên. Khi đã hoàn thành công việc theo kế hoạch ban đầu, các anh tiếp tục mở rộng phạm vi làm việc ra khu vực 50 ha gần kho bom và sau này là khu vực 250 ha xung quanh sân bay. Để có thể thu gom, tìm kiếm, xử lý được nhiều BMVLN, các anh thường xuyên dành nhiều giờ nghỉ, ngày nghỉ cho công việc này. Thi thoảng, do "thèm" chơi cầu lông, bóng chuyền với anh em trong đơn vị, hai anh mới nghỉ làm công việc này.

Khi số BMVLN được thu gom, tìm kiếm, xử lý lên đến 10.005 quả thì anh Đạt chuyển đơn vị công tác. Một mình anh Thư lại tiếp tục thực hiện được 7.265 quả BMVLN. Thấy Tiểu đoàn trưởng "máu mê" với công việc này, anh em trong đơn vị cũng tham gia thu gom, tìm kiếm được 352 quả. Anh em trong đơn vị kể lại rằng, vào sáng mồng 2 Tết Nguyên đán Quý Mùi 2003, sau khi chữa cháy do mìn phốt pho của địch sót lại tự hủy gây ra, thấy khu vực này xuất hiện nhiều bom cam, anh Thư và đồng đội đã thu gom được 279 quả. Vì thế, kế hoạch đi chúc Tết của gia đình anh Thư bị nhỡ. Cũng vì "sự cố" này mà chị Hà, vợ anh mới biết chồng đã giấu mình việc thu gom, tìm kiếm, xử lý BMVLN từ nhiều năm nay.

14 năm trực tiếp đối mặt với tử thần, anh Thư đã cùng đồng đội thu gom, tìm kiếm, xử lý số lượng BMVLN khổng lồ là 17.622 quả. Để có được kết quả làm nhiều người phải "tâm phục, khẩu phục" này, đã nhiều lần anh suýt phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Anh Thư còn nhớ, vào tháng 2/1994, khi phát hiện quả bom cam BLU/66B, anh quan sát thấy kim hỏa vẫn nhô cao 2mm, báo hiệu bom trong trạng thái an toàn. Sau một lúc đào bới, vừa cầm quả bom trên tay, anh chợt phát hiện kim hỏa của nó đã tụt xuống vị trí không an toàn. Với kinh nghiệm sống còn, anh vừa kịp hất vội quả bom cam xuống hố bom ngay sát đó và nằm xuống thì quả bom phát nổ. Rất may là nó nổ trong hố bom nên anh chỉ bị ù tai mất mấy ngày.

Là sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, Trung tá Phạm Minh Thư luôn mẫu mực nêu gương sáng. 17 năm anh làm Tiểu đoàn trưởng thì 14 lần đơn vị được công nhận là Đơn vị Quyết thắng, 16 năm chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Cá nhân anh 11 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua, được tặng 5 Bằng khen. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cũng dành cho anh sự ngưỡng mộ, thán phục và những tình cảm sâu sắc. Song, điều làm anh vui mừng hơn cả là từ năm 1992 đến nay, BMVLN không còn gây ra tai họa trên địa bàn này. Khu vực dày đặc BMVLN trước kia quanh sân bay nay đã mọc lên những cánh rừng bạch đàn xanh tốt. Màu xanh của rừng bạch đàn nổi bật trên nền đất bazan đỏ tươi báo hiệu cuộc sống bình yên đã đến với mảnh đất từng gánh chịu nhiều tai họa này

Công Gôn
.
.
.