10 năm xin giám định lại thương tật của người thương binh

Thứ Sáu, 27/07/2007, 18:26
Ngày đối mặt với quân thù, ông Thí không hề nghĩ đến quyền lợi cho riêng mình. Kể cả khi giám định thương tật, ông cũng muốn tỷ lệ thấp để được tiếp tục công tác. Chỉ đến khi, vết thương ở đầu gối buốt nhức khiến bước chân đi cà nhắc ông mới nghĩ đến bản thân.

Năm nay, ông Nguyễn Văn Thí, ngụ tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã 77 tuổi. Hàng chục năm nay, ông không nguôi trăn trở điều mà đáng lẽ ông đã toại nguyện từ lâu, đó là giám định lại thương tật để hưởng chế độ thương binh.

Mỗi khi trái gió trở trời vết thương ở đầu gối đau nhức, quyết tâm đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân lại trỗi dậy trong ông. Và thế là, với bước đi cà nhắc, cùng gương mặt đượm buồn, khắc khổ, ôm tập hồ sơ thương binh cách đây hơn 50 năm, ông gõ cửa các cơ quan chức năng.

Nhưng rồi, hơn 10 năm kiên trì, hết ra Bắc vào Nam, tâm nguyện của ông vẫn chưa đạt được. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, thế nhưng tập hồ sơ lý lịch thương binh gốc do Ty Thương binh cựu binh tỉnh Hà Tĩnh cấp năm 1956 ông vẫn cất giữ rất cẩn thận.

Tại mục Bản thân của tờ lý lịch này ghi rất chi tiết: Họ và tên: Nguyễn Văn Thí. Ngày sinh: 1930. Nguyên quán: Thôn Bình An, xã Vĩnh Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Nhập ngũ 10/2/1952. Ngày giải ngũ 13/9/1953. Chức vụ: Chiến sỹ. Đơn vị C107, D231.

Phần III Tình hình thương bệnh tật cũng ghi rất cụ thể: Ngày bị thương: 28/4/1953. Nơi bị thương: Đường số 1 Hưng Lộc. Trường hợp bị thương: tác chiến. Tình trạng thương bệnh tật hiện nay: đầu gối chân trái: mười lăm phần trăm. Kèm theo lý lịch thương binh trên là giấy giải ngũ bằng khổ nhỏ, màu nâu, chữ đã nhòe, trong đó ghi ngày giải ngũ 12/9/1953 với lý do bị thương tật và nơi sẽ chuyển đến là Ty Thương binh Quảng Trị. 

Năm 1956, ông chuyển ngành và công tác cho đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu ít năm, vết thương cũ tái phát hành hạ, nghĩ mình đã từng tham gia chiến đấu bị thương mà không có chế độ ưu đãi gì, năm 1997, ông làm đơn gửi Bộ LĐTB&XH, Cục Chính sách QĐND Việt Nam, Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng đề nghị được giám định lại thương tật để hưởng chế độ thương binh.

Sau khi nhận được đơn của ông, Bộ LĐTB&XH và Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đều có phản hồi. Công văn phản hồi gửi đến ông Thí đề ngày 16/5/1997, Bộ LĐTB&XH báo ông liên hệ trực tiếp với Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng để được giải quyết.

Phản hồi của Cục Chính sách Quân đội ngày 14/4/1999 ghi rõ: Sau khi nghiên cứu xem xét, Cục Chính sách đã chuyển đến Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng là cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo phạm vi chức năng. Cầm 2 tờ phản hồi ông tìm đến 2 cơ quan trên và đều không được giải quyết, lý do họ đưa ra là phải có quyết định xác nhận thương tật.

Với ông, ngoài lý lịch thương binh, quyết định thương tật do chiến tranh bom đạn đã cháy hết. Thế là từ đó đến nay, ông đành bất lực trước quyền lợi chính đáng của mình không được xã hội ghi nhận.

Ngày đối mặt với quân thù, ông Thí không hề nghĩ đến quyền lợi cho riêng mình. Kể cả khi giám định thương tật, ông cũng muốn tỷ lệ thấp để nhanh được tiếp tục công tác, không mảy may nghĩ tỷ lệ thương tật 15 % đó không giúp ích được gì cho ông và gia đình những năm sau này.

Trong khi Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến việc đền ơn đáp nghĩa, có sự đãi ngộ xứng đáng cho các thương bệnh binh, trường hợp như ông Thí nêu trên không hề được hưởng chút quyền lợi ưu đãi nào đáng để cho các cơ quan chức năng suy ngẫm.

Hi vọng, nguyện vọng chính đáng của người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Thí sẽ được đáp ứng trong thời gian sớm nhất

Nguyễn Cầu
.
.
.