Người lao động không mặn mà với BHXH tự nguyện

Thứ Tư, 01/09/2010, 20:11
Hai năm rưỡi thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (loại hình bảo hiểm tự nguyện - BHTN), hiện trạng đang khiến cơ quan quản lý Nhà nước lo lắng. Người lao động có lý do để họ khước từ loại bảo hiểm mới, trong khi lối ra vẫn chưa có gì khả quan.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì BHTN là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội. Lường trước sự mới mẻ và khó khăn, BHTN có hiệu lực thi hành muộn hơn 1 năm so các loại BHXH khác. Thế nhưng tới nay mới chỉ có gần 4 vạn người tham gia trong tổng số hàng chục triệu lao động thuộc các thành phần khác nhau là nông dân, đang làm việc trong các làng nghề, hợp tác xã và những lao động tự do thì con số nói trên quá bé nhỏ.

Theo lý giải của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân quan trọng là do loại hình bảo hiểm này mới, người dân chưa quen và do khâu tuyên truyền còn kém hiệu quả, chưa đủ sức hấp dẫn để người dân tham gia. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khâu tuyên truyền chỉ là một phần. Người lao động, nhất là nông dân, công nhân hầu hết là những người có thu nhập thấp và không ổn định hàng tháng, họ không có điều kiện tham gia loại hình BHXH bắt buộc với nhiều quyền lợi hơn hẳn khi tham gia BHTN. Trong mọi vấn đề, người dân đều dễ dàng đưa lên "bàn cân" để tính toán hơn thiệt khi tham gia BHTN.

Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng hằng tháng với BHTN bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng BHXH, từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%. Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội được thay đổi tuỳ theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

Về quyền lợi, người lao động đóng BHXH chỉ được hưởng lương hưu khi có 20 năm đóng BHTN trở lên và thời điểm bắt đầu hưởng lương là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH theo quy định tại Điều 76 của luật, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. 

Như vậy, nếu một người lao động có thu nhập 2 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng đóng bình quân 22% là 440.000 đồng BHTN, mỗi năm sẽ đóng 5.280.000 đồng. Sau 20 năm, người lao động đóng 105,6 triệu đồng. Đến khi đó, họ được hưởng lương hưu, mỗi tháng bằng 45% thu nhập hàng tháng đã đóng BHTN, tức khoảng 900.000 đồng. Con số này là khá khiêm tốn so với quãng thời gian kéo dài 20 năm liên tục đóng bảo hiểm và những khoản trượt giá trong thời gian đó.

BHTN hướng vào đông đảo nông dân nhưng quy định hiện hành không đủ hấp dẫn để họ tham gia.

Ngoài ra, đa phần người đóng BHTN là người lao động có thu nhập thấp và không ổn định nên việc tham gia BHTN bằng cách chắt bóp thu nhập vốn ít ỏi hàng tháng của mình là rất khó khăn. Nếu mỗi tháng họ thu nhập được 1-2 triệu đồng thì số tiền đó dành cho chi tiêu hằng ngày đã là quá khó, nếu trích 22% đóng BHTN thực sự không hề dễ dàng.

Trong khi đó, quyền lợi của BHTN so với bảo hiểm bắt buộc dành cho công nhân viên chức là kém xa. Họ chỉ được hưởng bảo hiểm y tế khi đã có lương hưu, tức phải ít nhất 20 năm tham gia BHTN và phải trên 60 tuổi với nam và trên 55 tuổi với nữ.

Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng tới 5 chế độ được Nhà nước hỗ trợ phí đóng. Trong khi đối với BHXH tự nguyện, họ phải lo phí đóng hoàn toàn và người tham gia chỉ được hưởng hai chế độ (hưu trí và tử tuất). Với người dân, thói quen chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia BHXH tự nguyện nên tỷ lệ người dân nông thôn tham gia loại hình bảo hiểm này còn thấp là dễ lý giải.

Theo giải thích của những người làm BHXH, nếu tham gia BHTN thì người lao động đã tự lo cho mình khi về già. Điều này là hợp lý vì thực chất, loại hình bảo hiểm này là sự tích cóp tiền bạc của họ đóng cho ngành bảo hiểm khi họ còn sức khoẻ, còn thu nhập.

Quá 60 tuổi, sức khoẻ kém, họ đã có nguồn lợi hưởng như người hưởng lương hưu và được bảo hiểm y tế. Tính chất nhân văn của BHTN theo mục đích đó là rất rõ. Song, như phân tích trên, cái chính là việc thu nhập hàng tháng của họ thấp và bấp bênh, cộng thời gian tham gia dài nên nhiều người không đủ sức theo. Nhiều lao động hiện tìm cách tiết kiệm bằng hình thức "bỏ ống" hoặc tích cóp mua vàng, gửi ngân hàng thay cho tham gia BHTN.

Tại ĐBSCL, khu vực có đến 80% lao động nông nghiệp vẫn có quá ít người tham gia BHTN... Toàn quốc có khoảng 50 triệu lao động nhưng chỉ có 1/5 số đó nằm trong diện BHXH bắt buộc, số còn lại là nông dân, xã viên, người làm thuê với các công việc mang tính mùa vụ… đều nằm ngoài chế độ phúc lợi và BHXH. Số này chỉ có thể tham gia BHTN. BHXH tự nguyện ra đời là nhằm khắc phục khoảng trống đó. Tuy nhiên, để BHTN thực sự có sức hút, phải điều chỉnh một số qui định sao cho phù hợp với thực tế để người lao động nhìn rõ hơn quyền lợi của mình khi tham gia

Đ.Trường
.
.
.