Đủ căn cứ truy tố các tội danh với "bầu Kiên"

Thứ Hai, 15/12/2014, 08:07
Tại phiên tòa phúc thẩm, "bầu Kiên" thừa nhận tất cả các hợp đồng ủy thác tài chính và bản thỏa thuận chia kết quả ủy thác đầu tư tài chính thực hiện theo yêu cầu của Nguyễn Đức Kiên.
>> Hôm nay, tuyên án phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "bầu Kiên" cùng đồng phạm chuẩn bị đến hồi kết. Trong những ngày qua, vụ đại án về kinh tế này đã "nóng" lên với phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo... Riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước ngày tuyên án đã phản bác tất cả các kết luận của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cáo buộc 4 tội danh với bị cáo này; đặc biệt là với hai tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế". Vậy chứng cứ có thực sự "yếu" khi buộc tội "bầu Kiên" hay không? Mức án và áp dụng tội danh với "bầu Kiên" như thế nào? Tất cả sẽ được trả lời khi Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng: "Không có căn cứ pháp lý nào khẳng định B&B (Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B) trốn thuế 25 tỷ đồng". Bị cáo cho rằng: "Muốn xác định B&B trốn thuế hay không thì phải xác định phải nộp bao nhiêu. Việc này chưa ai làm cả"...

Được biết, Ngân hàng ACB có chức năng kinh doanh vàng, nhưng "bầu Kiên" lại thông qua Công ty B&B, một doanh nghiệp do vợ "bầu Kiên"  - bà Đặng Ngọc Lan đứng tên làm Tổng Giám đốc. Ngày 25/12/2008, bà Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) do ông Lý Xuân Hải làm Tổng Giám đốc. Nội dung hợp đồng: Công ty B&B ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thúy Hương (em gái "bầu Kiên") ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Công ty B&B. Nội dung: Bên ủy thác đồng ý ủy thác đầu tư tài chính cho Công ty đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ.

Vẫn ngày hôm đó, một phụ lục hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính nữa lại được lập, có nội dung bên ủy thác (Nguyễn Thúy Hương) đồng ý để bên nhận ủy thác (Công ty B&B), bên được ủy quyền của bên ủy thác (Nguyễn Đức Kiên) ủy thác lại cho Ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng ghi sổ.

"Bầu Kiên" bị dẫn giải tới phiên tòa phúc thẩm.

Thông qua hoạt động kinh doanh vàng, Công ty B&B đã thu lợi số tiền hơn 100 tỷ đồng, nhưng chỉ nộp thuế 1% (là 1 tỷ đồng), 99% còn lại tương ứng với 99 tỷ đồng Kiên sử dụng cá nhân.

Việc Nguyễn Đức Kiên là đại diện theo pháp luật của Công ty B&B lại nhận ủy quyền của Nguyễn Thúy Hương để thực hiện hợp đồng ủy thác của Hương cho Công ty B&B là vi phạm Điều 144 khoản 5 Bộ luật Dân sự. Theo điều luật này: Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện.

Tại phiên tòa phúc thẩm, "bầu Kiên" thừa nhận tất cả các hợp đồng ủy thác tài chính và bản thỏa thuận chia kết quả ủy thác đầu tư tài chính thực hiện theo yêu cầu của Nguyễn Đức Kiên.

Như vậy, Nguyễn Đức Kiên với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, là người đại diện theo pháp luật, đã chỉ đạo ký hợp đồng ủy quyền phạm vào điều cấm và đã sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để xác định sai số thuế phải nộp, vi phạm khoản 5, Điều 108 Luật Quản lý thuế. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội "Trốn thuế" theo qui định tại khoản 3, Điều 161 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, việc xác định bị cáo Kiên phạm tội "Trốn thuế" là hoàn toàn có cơ sở.

Về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Kiên cũng cho rằng mình vô tội. Tại phiên tòa, bị cáo đưa ra các căn cứ cho rằng, bị cáo không có ý đồ lừa đảo, chiếm đoạt số cổ phiếu của Hòa Phát. Bị cáo nói đã làm nhiều việc để chuyển lại số tiền 264 tỷ đồng cho Hòa Phát chứ không "ngậm miệng ăn tiền"...

Về việc này, theo tài liệu của cơ quan công tố: Ngày 21/5/2012, Trần Ngọc Thanh đại diện cho Công ty ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần trong tổng số gần 22,5 triệu cổ phần cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, tương ứng với số tiền 264 tỷ đồng cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát. Điều khoản hợp đồng qui định, số cổ phần mà ACBI bán đảm bảo chưa chuyển nhượng, không có tranh chấp và chưa có nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào. Tuy nhiên, trước đó, "bầu Kiên" đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh thế chấp gần 22,5 triệu cổ phần trên cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm Trần Ngọc Thanh bán 20 triệu cổ phần cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, số cổ phần trên đang bị thế chấp tại Ngân hàng ACB. Ngày 27/6/2012, Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát đã trả đủ 264 tỷ đồng vào tài khoản của ACB theo hợp đồng. Nhận đủ và chi hết 264 tỷ đồng, nhưng Nguyễn Đức Kiên không thực hiện việc giải chấp. Đây là nguyên nhân khiến Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát có đơn đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an vào cuộc. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã yêu cầu Công ty ACBI nộp lại 264 tỷ đồng nhưng trong tài khoản của công ty này chỉ có 53 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm này, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc khởi tố vụ án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xuất phát từ Hòa Phát, mà là mong muốn của cơ quan điều tra. Song, theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự là đủ căn cứ để khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Việc tiến hành tố tụng này không thuộc phạm vi khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do đó, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra có quyền khởi tố về hành vi nêu trên, nhất là khi cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã có công văn yêu cầu nộp lại 264 tỷ đồng, nhưng Công ty B&B không thực hiện.

Như vậy, việc buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến là có cơ sở và đúng pháp luật.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Đức Kiên còn phản bác 2 tội danh còn lại là tội "Kinh doanh trái phép" và tội "Cố ý làm trái...", song theo một số cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp, bản chất của bị cáo là chối tội nên việc "bầu Kiên" tranh tụng cho rằng mình không phạm tội cũng là điều bình thường. Với những chứng cứ rõ ràng mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được thì việc chối tội của Kiên khó có thể thuyết phục được Hội đồng xét xử.

Trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị tuyên phạt 30 năm tù giam về các tội: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái. Ngoài ra, bị cáo Kiên còn bị phạt 75 tỷ đồng trốn thuế và truy nộp 25 tỷ đồng trốn thuế. Trong phiên tòa phúc thẩm này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm như đã truy tố bị cáo Kiên và các bị cáo khác.
Đào Minh Khoa
.
.
.