Những thủ đoạn cực độc của tội phạm hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán

Thứ Ba, 02/02/2016, 07:53
Báo CAND xin “điểm danh” lại những thủ đoạn phạm tội kinh tế - tham nhũng đã và đang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp hoặc gián tiếp lên nền kinh tế, cũng như sức khỏe của người dân Việt Nam...


Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung các cơ cấu lớn của nền kinh tế chưa thực sự ổn định, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. 

Những vấn đề trên đã tác động mạnh đến tình hình vi phạm, tội phạm về kinh tế và tham nhũng trong cả nước thời gian qua, với nhiều diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế của đất nước… 

Rượu là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất trong dịp Tết.

Để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm trên lĩnh vực kinh tế - tham nhũng một cách sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, Báo CAND xin “điểm danh” lại những thủ đoạn phạm tội kinh tế - tham nhũng đã và đang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp hoặc gián tiếp lên nền kinh tế, cũng như sức khỏe của người dân Việt Nam. 

Chắc hẳn trong mỗi người chúng ta không khỏi giật mình khi nghe đến con số hàng nghìn tỷ đồng mà tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng gây ra. Loại tội phạm này đã và đang gây hậu quả rất nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước và là nguyên nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, an toàn của cả hệ thống tài chính - ngân hàng, cũng như của cả nền kinh tế. 

Qua các vụ án mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - tham nhũng (C46) thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an điều tra, xử lý trong năm 2015 cho thấy, các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng đều có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của cán bộ, cũng như lãnh đạo cấp cao trong ngân hàng, trực tiếp hoặc thông đồng móc nối với nhau hoặc với cá nhân, tổ chức bên ngoài để tạo dựng hồ sơ, chứng từ khống trong thẩm định tài sản, thẩm định phương án vay, quản lý tài sản thế chấp để chiếm đoạt tiền, tài sản. 

Rượu giả rất khó phân biệt với rượu thật.

Lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, các đối tượng trực tiếp hoặc thuê người khác đứng tên thành lập doanh nghiệp nhưng thực chất không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà nhằm mục đích in và bán khống hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT hay sử dụng hóa đơn quay vòng để trốn thuế.

Nghiêm trọng hơn, hành vi bán hóa đơn GTGT lại tiếp tay cho hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe của người dân, vì các đối tượng đầu nậu sẽ dùng hóa đơn này để hợp thức hóa chứng từ, đối phó với lực lượng chức năng. 

Điển hình là vụ án Ngô Thị Quyên tại Hải Phòng, cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT mới bị lực lượng PC46 Hải Phòng phát hiện, triệt phá, thu giữ 5.000 hóa đơn GTGT, với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng, làm thất 160 tỷ đồng tiền thuế nhà nước. Một diễn biến khác liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng chính là hoạt động của loại tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Thời gian cận Tết bao giờ cũng là thời điểm mà loại tội phạm này gia tăng hoạt động, đã và đang không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp gây phương hại cho sức khỏe người tiêu dùng, do đó người dân cần nâng cao cảnh giác. Chúng thường lợi dụng sự thiếu thông tin của người tiêu dùng trong phân biệt hàng thật, hàng giả rồi lựa chọn các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao để làm giả với thủ đoạn trực tiếp hoặc thuê người khác sản xuất hàng giả, hàng nhái đưa đi tiêu thụ. Nổi lên trong thời gian qua là hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm.

Trước tình hình trên, C46 Bộ Công an đã tập trung lực lượng, triệt phá nhiều đường dây, với tang vật thu giữ rất lớn như 12 tấn sữa ong chúa và các sản phẩm nhau thai cừu, 8.000 hộp mỹ phẩm giả, 300 sản phẩm chứa chất gây ung thư… 

Bánh kẹo kém chất lượng bày bán công khai ở nhiều nơi.

Qua đó, C46 Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các đơn vị địa phương liên tiếp triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán, tàng trữ hàng giả khác, điển hình là PC46 Quảng Ninh đã bắt giữ 3 vụ người Trung Quốc đưa nguyên vật liệu vào Việt Nam sản xuất hàng giả, thu giữ hơn 47.000 chai mỹ phẩm giả các loại, gần 100 nghìn chi tiết linh kiện máy móc và 40kg Tem chống giả được làm giả từ Trung Quốc… 

Nghiêm trọng hơn, gần đây tại Quảng Ninh xuất hiện vàng giả được sản xuất bằng công nghệ rất tinh vi khiến các phương pháp kiểm định thông thường như máy đo quang phổ, các thiệt bị đo tuổi vàng tại các cửa hàng vàng không phát hiện được.

Năm 2016, dự báo là năm kinh tế trong nước sẽ có nhiều khởi sắc, do đó lĩnh vực lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, bất động sản dự báo sẽ hoạt động sôi động trở lại, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở xã hội, với gói kích cầu 30.000 tỷ đồng của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Lợi dụng chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực này, sẽ xuất hiện thủ đoạn các đối tượng thông đồng với khách hàng chia nhỏ giá trị hợp đồng mua bán căn hộ với giá thấp hơn 1,05 tỷ đồng bằng cách ký thêm hợp đồng tư vấn với sàn giao dịch. 

Như vậy, mặc dù khách hàng sẽ được hưởng lợi nhưng lại vô hình trung tiếp tay cho chủ đầu tư kê khai giảm lợi nhuận, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước có quy định lại một cách chặt chẽ các khâu trên lĩnh vực này. Do đó, người dân khi tham gia vào lĩnh vực này cần nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lợi dụng, kịp thời phát hiện vi phạm, tội phạm để báo với cơ quan chức năng kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Xuân
.
.
.