Xử lý nghiêm cả người bán lẫn người sử dụng GPLX giả

Thứ Ba, 04/11/2014, 16:35
Việc sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) ôtô, môtô giả, không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật, tiếp tay cho các đối tượng cung cấp dịch vụ đáng lên án này mà còn đặt ra nhiều mối lo liên quan đến vi phạm, tai nạn giao thông (TNGT).

Tinh vi nhưng khó thoát

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai cấp, đổi GPLX (có bọc nilong) sang GPLX (loại thẻ nhựa). Những tưởng với công nghệ chế tác GPLX mẫu mới này, các đối tượng làm “nhái” GPLX sẽ bị bất lực. Thế nhưng, một số “đầu nậu” đã sử dụng nhiều phương thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ tinh vi để làm giả GPLX mẫu mới, tuồn ra thị trường thu lợi bất chính.

Những ngày cuối tháng 10/2014, có mặt tại trụ sở Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), chúng tôi chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ CSGT nơi đây đang hoàn tất thủ tục để chuyển các vụ việc người vi phạm Luật Giao thông sử dụng GPLX mẫu mới không do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 tỏ ra lo ngại trước hiện tượng làm giả GPLX (mẫu mới) đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Lật giở tập hồ sơ lưu của trường hợp Phạm Ngọc Minh, 19 tuổi, nhà ở quận Đống Đa – Hà Nội, Trung tá Ngọc cho biết, đây là một trong những trường hợp sử dụng GPLX (mẫu mới) giả bị đơn vị phát hiện. Trước đó, khi điều khiển xe môtô mang BKS 30M8-283x đến khu vực phố Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), Minh đã bị Tổ công tác của Đội CSGT số 1 kiểm tra và tạm giữ GPLX.

Các đối tượng trong một đường dây mua bán, làm giả GPLX bị lực lượng chức năng triệt phá.

Đáng bàn hơn, hồ sơ về trường hợp vi phạm trên được đưa về trụ sở cơ quan Công an, bằng con mắt nghiệp vụ, các cán bộ của Tổ xử lý vi phạm - Đội CSGT số 1 đã nhận thấy GPLX mẫu mới này có nhiều biểu hiện của việc làm giả. Toàn bộ thông tin trên nhanh chóng được chuyển tới các bộ phận nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội để xác minh. Kết quả cho thấy, GPLX này là giả một cách tinh vi.

Trước những dẫn chứng chính xác do Đội CSGT số 1 đưa ra, Phạm Ngọc Minh đã thừa nhận, khoảng 4 tháng trước, trong một lần ngồi uống nước ở gần nhà, Minh gặp một người đàn ông giới thiệu tên là H., có khả năng làm GPLX mẫu mới “siêu tốc”, Minh đã đồng ý và giao hồ sơ, ảnh cho người đàn ông trên. Sau hơn 2 tuần, đúng hẹn, Minh gặp và chuyển tiền cho người đàn ông trên, đổi lại bản thân được sở hữu chiếc GPLX như đã giao dịch mà không hề hay biết đây là GPLX giả. “Qua sự việc trên, được sự giáo dục, tuyên truyền của cán bộ CSGT, tôi đã nhận ra sai phạm của bản thân và sẽ không tái phạm nữa”, anh Minh cho biết thêm.

Đánh giá của riêng Đội CSGT số 1 cho thấy, từ cuối tháng 9/2014 đến nay, đơn vị này qua tuần tra kiểm soát đã phát hiện 9 trường hợp sử dụng GPLX (mẫu mới) giả. Toàn bộ hồ sơ trên ngay sau đó đã được đơn vị này chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra mở rộng làm rõ vụ việc.

Nhận thức rõ hệ lụy đi kèm

Nắm bắt tâm lý của một số người dân muốn sở hữu GPLX một cách “siêu tốc”, không phải tham gia các khóa học, lớp đào tạo sát hạch lái xe, gần đây, một số đối tượng vì tư lợi đã phớt lờ các quy định của pháp luật, “chế” ra các loại GPLX (kể cả loại mẫu mới khó bị làm giả) “tuồn” ra thị trường. Lo ngại hơn, khi nhiều đối tượng còn sử dụng mạng Internet, forum, mạng xã hội… làm công cụ để quảng cáo, “hút” khách hàng tìm đến dịch vụ làm bằng lái xe “trọn gói”, “siêu tốc” của mình. Chẳng thế mà khi truy cập vào mạng Internet ít phút, tra từ khóa “làm bằng lái xe” dễ dàng bắt gặp các đường link chỉ dẫn vào các trang mạng xã hội chuyên chào mời, cung cấp dịch vụ làm GPLX ôtô, môtô cho người có nhu cầu.

Tại địa chỉ: www..., chúng tôi được chủ nhân trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ “làm bằng lái xe trọn gói” này cho biết, cơ sở của mình sẽ “đảm bảo 100% lý thuyết, 100% thực hành, hỗ trợ làm hồ sơ…” cho những ai có nhu cầu “sở hữu” GPLX một cách “siêu tốc”. Và để có được tấm GPLX môtô này, khách hàng phải trả 499.000đ.

Trước sự bát nháo của dịch vụ làm GPLX “siêu tốc”, “trọn gói” như hiện nay, nhiều người như lạc vào mê hồn trận. Và tất nhiên, chỉ vì sự thiếu ý thức của mình, các đối tượng chuyên làm GPLX giả, không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo đó sẽ có… đất sống. Trong khi đó, kiến thức về pháp luật giao thông, cách xử trí khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị bỏ ngỏ… nguy cơ phát sinh vi phạm, TNGT luôn tiềm ẩn.

Trở lại vấn đề GPLX mẫu mới bị làm giả, theo Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1, qua kiểm tra, phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX mẫu mới giả cho thấy, các đối tượng đã sử dụng công nghệ tinh vi để làm giả chữ ký - chức vụ người cấp, kích thước phôi bằng, hạn sử dụng, hạng lái xe, con dấu… nếu không kiểm tra kỹ từng chi tiết, bằng mắt thường ta khó có thể phân biệt ngay được đâu là GPLX giả, đâu là GPLX do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Do vậy, theo khuyến cáo của đại diện một số Đội CSGT – Công an TP Hà Nội, để tránh tiền mất tật mang, không để các đối tượng “cò mồi” lợi dụng lừa làm GPLX giả, người dân cần đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm thủ tục cấp, đổi GPLX trực tiếp thay vì tìm đến dịch vụ làm GPLX theo kiểu “siêu tốc”, “trọn gói”. Đồng thời, cùng với công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

(Trích Điều 267, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Trần Huy
.
.
.