Xét xử vụ siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như: Đề nghị hai án chung thân

Thứ Ba, 14/01/2014, 00:00
Sau hơn 1 tuần diễn ra, ngày 13/1, phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm bước sang phần tranh luận. Thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, thực hành quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã phát biểu quan điểm về vụ án và đưa ra mức án đề nghị với 23 bị cáo.

Theo VKS, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận: Từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay tiền của nhiều cá nhân tổng cộng 200 tỷ đồng của ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều nơi. Do kinh doanh thua lỗ, nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, để có tiền trả nợ và thỏa mãn tiêu xài cá nhân, Huyền Như đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân. Để thực hiện việc lừa đảo, Như đã làm giả 8 con dấu của các đơn vị sự nghiệp, ký giả chữ ký của một số cán bộ lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP HCM, mạo nhận là nhân viên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để tiếp cận các đơn vị, tổ chức cá nhân thỏa thuận huy động vốn rồi chiếm đoạt số tiền 3.982 tỷ đồng.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ liên quan và diễn biến phiên tòa, nhận thấy cáo trạng VKSND Tối cao truy tố Huyền Như và các bị cáo là hoàn toàn đúng người đúng tội. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến nhiều mối quan hệ của xã hội, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế bị khủng hoảng.

Xét quá trình điều tra cũng như tại tòa, bị cáo Như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội khi mang thai, nhưng hậu quả vụ án bị cáo gây ra quá lớn nên cần áp dụng mức án cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Từ đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Như mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-7 năm tù tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Huyền Như và các bị cáo khác trước giờ diễn ra phiên tòa.

Đứng sau Như trong vụ án này, Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh), người giúp sức cho Như chiếm đoạt số tiền 1.598 tỷ đồng của ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên và 80 tỷ đồng của Công ty Thái Bình Dương, VKS cũng nhận định hành vi của bị cáo này là đặc biệt nghiêm trọng nhưng tại tòa bị cáo không thành khẩn nhận tội, vì vậy VKS cũng đề nghị tuyên phạt Võ Anh Tuấn mức án tù chung thân.

Cùng nhóm tội lừa đảo, 4 bị cáo còn lại cũng bị VKS đề nghị mức án từ 10-19 năm tù, trong đó có chị gái Huyền Như là Huỳnh Mỹ Hạnh bị đề nghị từ 16-18 năm tù.

Liên quan trong vụ án, 14 bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng, lãnh đạo công ty cũng bị đề nghị mức án từ 4 đến 18 năm tù cho các tội danh "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Các bị cáo còn lại trong nhóm cho vay nặng lãi cũng bị đề nghị mức án từ 9 tháng đến 30 tháng tù.

Về phần trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân với tổng số tiền 3.982 tỷ đồng. Để đảm bảo thi hành án, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục duy trì lệnh kê biên khối tài sản 229 tỷ đồng của Huyền Như và các bị cáo khác. Ngoài ra, VKS còn đề nghị tịch thu sung công quỹ Nhà nước toàn bộ số tiền tất cả các bị cáo thu lợi bất chính từ việc cho vay, môi giới cho vay trong vụ án.

Liên quan đến vụ án này, VKS cho rằng vẫn còn nhiều đối tượng có dấu hiệu phạm tội chưa bị khởi tố. Vì vậy, VKS kiến nghị cơ quan điều tra xem xét khởi tố một số người có hành vi giúp sức cho bị cáo Như chiếm đoạt tài sản, xem xét trách nhiệm hình sự của một số cán bộ ngân hàng, công ty liên quan và một số đối tượng cho vay nặng lãi trong vụ án này

A.Huy
.
.
.