Vui Tết quá chén gây trọng án - những bài học đắt giá

Thứ Tư, 12/02/2014, 09:20
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) trong dịp Tết Giáp Ngọ xảy ra 46 vụ giết người do nguyên nhân xã hội (tăng 13 vụ); 194 vụ cố ý gây thương tích (tăng 51 vụ) so với cùng kỳ năm ngoái. Khi tìm hiểu về các vụ việc này, chúng tôi thấy cực kỳ đáng tiếc. Bởi chỉ vì những mâu thuẫn đôi khi rất nhỏ nhặt trong một buổi chúc Tết đầu năm, hoặc xảy ra trong lúc đi du xuân của 2 nhóm thanh niên trẻ…, có người đã bị mất mạng, có người bị bắt vào trại giam.

Những vụ việc đáng tiếc này đều xảy ra vào những ngày Tết đến, xuân về, để lại những nỗi đau tột cùng cho các gia đình (kể cả đối tượng và nạn nhân) trong những thời điểm đáng nhẽ được hưởng sự an lành, vui vẻ. Tháng Giêng mới được một nửa, hoạt động du xuân, chơi bời sẽ còn tiếp diễn trong một bộ phận dân cư. Chính vì thế, với việc cắt nghĩa các vụ trọng án do nguyên nhân xã hội đã xảy ra, chúng tôi  hy vọng có thể sẽ góp phần hạn chế được sự gia tăng của tội phạm.

Rượu vào, dao ra…

Mùng 2 Tết Giáp Ngọ, Công an huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhận được tin có vụ án mạng tại thôn Phán Thủy. Ngay sau đó, lực lượng Công an đã nhanh chóng bắt giữ đối tượng giết người Đào Văn Thạo, 41 tuổi, trú tại thôn Phán Thuỷ (Song Mai, Kim Động). Theo lời khai của đối tượng Thạo, vào khoảng 20h ngày 1/2, Thạo đi liên hoan với một số người bạn, trên đường về, nhóm của Thạo có xích mích với nhóm của Đào Văn Dân, 30 tuổi, trú tại Vĩnh Đồng (Đồng Thanh, Kim Động), trong lúc xô xát, Thạo đã dùng dao bầu đâm Dân, làm nạn nhân bị thương và chết trên đường đi cấp cứu.

Cũng trong ngày mùng 2 Tết ở Cà Mau, xảy ra một vụ giết người trong lúc ăn nhậu đón Tết. Vào khoảng 23h, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, đối tượng Danh Ngọc Kiệt và đám bạn nhậu đã bắt đầu “tây tây” vì chúc nhau quá nhiều rượu. Thế rồi, rượu vào, lời ra, giữa Kiệt và một người bạn là Bảo, quê ở tỉnh Kiên Giang xảy ra mâu thuẫn. Lúc đầu là cãi vã, sau đó cả hai xông vào nhau. Kiệt đã dùng dao đâm chết bạn nhậu. Đến khi thấy máu bạn tuôn xối xả, Kiệt mới bừng tỉnh nhưng đã muộn. Hiện, Kiệt đã bị Công an huyện Trần Văn Thời bắt giữ.

Thật đáng tiếc một vụ việc xảy ra ở tỉnh Tiền Giang. Khoảng 20h ngày 2/2, Nguyễn Long Nhựt, 26 tuổi, trú tại tỉnh Long An về nhà cha vợ là ông Bùi Văn Hùng, 58 tuổi, trú tại ấp Lợi Trinh, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè để ăn Tết. Sau đó, Nhựt đưa cha vợ sang nhà ông Lê Hoàng Liệt, 59 tuổi, trú cùng ấp để chúc Tết. Trong lúc uống rượu chúc Tết, giữa Nhựt và ông Liệt xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Lúc này, chị Lê Thị Thanh Phương, 38 tuổi (con gái ông Liệt) và chồng là anh Phan Thanh Tấn vào can ngăn thì bị Nhựt dùng dao đâm gây thương tích. Hiện Công an huyện Cái Bà đang điều tra sự việc.

Sự bốc đồng, hung hăng của tuổi trẻ dẫn đến trọng án

Có một thực tế, ngày Tết, đám thanh thiếu niên thường tụ tập, rủ nhau đi chơi xuân. Sự bốc đồng, hung hăng của tuổi trẻ sẽ tăng lên gấp bội nếu có hiệu ứng đám đông. Chính vì thế, nhiều vụ án đau lòng được bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa các đám thanh thiếu niên trong việc tụ tập, vui xuân. Chỉ cần một người trong nhóm có mâu thuẫn với người khác là bọn chúng có thể ra tay “giúp bạn”.

Các đối tượng trong nhóm của Lương Văn Du (trong vụ án mạng ở Ba Vì, TP Hà Nội).

Ngày 6/2, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố bị can đối tượng Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi), trú tại xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) về tội giết người. Trước đó, vào khoảng 20h45 ngày 4/2, nhóm thanh niên gồm: Đặng Văn Dũng, Lê Văn Ngọc, Lê Hữu Tài, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Nhân Tú, Đường Văn Thanh, Khổng Duy Ánh đang ngồi chơi ven đường phát hiện Nguyễn Quang Khanh (18 tuổi) ở xã Lũng Hòa và một người bạn đang đi tới.

Vốn mâu thuẫn từ trước với Khanh nên Đặng Văn Dũng hô nhóm bạn đuổi đánh. Trong khi những người bạn đuổi theo sau Khanh thì Tuấn chạy đường tắt đón đầu và dùng dao bấm đem theo trong người đâm vào bụng Khanh. Do vết thương quá nặng nên dù được mọi đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc nhưng Khanh đã tử vong.

Qua hồ sơ của Công an huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định vào chiều 4/2, hai nhóm thanh niên đến quán Phi Thuyền ở thôn Ca Công Nam, xã Hoài Hương để hát karaoke. Trong lúc tính tiền, nhóm của Phạm Như Thế, 22 tuổi, trú ở thôn Tài Lương 1, xã Hoài Thanh Tây cho rằng nhóm của Đào Duy Phúc, 21 tuổi, trú ở thôn Thiện Đức Đông, xã Hoài Hương đã “nhìn đểu” mình nên gây sự, dẫn đến mâu thuẫn.

Trong khi xô xát, đối tượng Thế chụp lấy con dao của quán karaoke đâm hai nhát vào người Phúc. Thấy nguy hiểm tính mạng em trai mình, Đào Duy Nhân lao vào can ngăn, nhưng đã bị Thế vung tay dao đâm một nhát vào bụng.  Dù đã được đi bệnh viện cấp cứu, nhưng đến tối cùng ngày Phúc đã tử vong, còn Nhân nằm cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi gây án, Thế trốn khỏi hiện trường, nhưng đã bị các trinh sát hình sự Công an huyện Hoài Nhơn bắt giữ ngay trong đêm.

Vào khoảng 20h30 tối 31/1 (tức mùng 1 Tết Giáp Ngọ), tại sân trượt patin xóm Tòng Lệnh (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, TP Hà Nội), do va chạm trong lúc chơi patin giữa 2 nhóm nên nhóm thanh niên gồm: Đoàn Văn Thoại (18 tuổi), Đỗ Ngọc Hưởng (18 tuổi), Phùng Ngọc Hòa (23 tuổi),  Nguyễn Duy Phương (18 tuổi) - đều trú tại Yên Kỳ (Phú Sơn, Ba Vì) và Phùng Thế Phong (23 tuổi, trú tại Vật Lại, Ba Vì) bỏ ra về. Tuy nhiên, khi 5 thanh niên nói trên ra về đến gần hồ Tây Ninh - thuộc thôn Tòng Lệnh, xã Tòng Bạt thì bị một nhóm thanh niên  gần 30 người dùng gậy gộc, gạch đá chặn đường đuổi đánh. Hậu quả, Nguyễn Duy Phương tử vong, 4 người còn lại bị thương tích.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Nghiêm cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi

Tháng Giêng mới chưa được một nửa, việc du xuân, chơi bời của một bộ phận dân cư sẽ còn kéo dài. Để ngăn chặn có hiệu quả các vụ án do nguyên nhân xã hội, đặc biệt là từ các mâu thuẫn bột phát trên, chúng tôi đã trao đổi với Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự về các giải pháp có hiệu quả.

Phóng viên: Thưa Cục trưởng, theo ông, về phía các cơ quan chức năng, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Chúng tôi đã có hẳn một chuyên đề nghiên cứu về các vụ trọng án do nguyên nhân xã hội. Nếu chỉ có lực lượng Công an vào cuộc thì không thể giải quyết triệt để tình hình. Nhân những dịp lễ, Tết, các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… nên tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, thu hút thanh thiếu niên tham gia. Đồng thời, các đoàn thể, tổ chức xã hội cùng phải vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an nắm bắt những mâu thuẫn trong từng hộ dân, để có biện pháp giải quyết, tránh xung đột dẫn đến các vụ án giết người. Đối với những đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên hư, có biểu hiện càn quấy, tại địa phương, cần đưa ra kiểm điểm, răn đe.

Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó kiểm tra, thu giữ các vũ khí, vật liệu nổ, đặc biệt là vũ khí thô sơ (dao, kiếm…) mà các đối tượng thanh thiếu niên thường mang theo người khi tham gia giao thông. Mà mô hình Cảnh sát 141 của Hà Nội là điển hình trong việc làm tốt công tác này, kiểm tra, thu giữ và xử lý được rất nhiều đối tượng mang theo vũ khí, vật liệu nổ trong người hoặc phương tiện giao thông. Không có các công cụ này trong người, ít ra, sẽ ngăn cản được tác hại của việc mâu thuẫn, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng của các đám thanh niên.

Công tác phối hợp, tuyên truyền giáo dục pháp luật đến từng người dân giữa các đơn vị nghiệp vụ với Công an các quận, huyện, thị trấn, xã, phường trên địa bàn phải chặt chẽ và được thực hiện thường xuyên. Các địa bàn không được để những tụ điểm quán ăn đêm, hát karaoke, internet… hoạt động quá giờ quy định vào ban đêm.  Phải quản lý chặt chẽ các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo (bệnh tâm thần), để tránh trường hợp các đối tượng này không kiểm soát được hành vi, dẫn đến gây án hàng loạt…

Phóng viên: Rất nhiều vụ án nghiêm trọng xuất phát từ rượu. Nhưng trong cuộc sống, đặc biệt là ngày đầu năm, dường như thói quen của mọi người là “chén rượu mở đầu câu chuyện”. Vậy làm thế nào để hạn chế các vụ án từ rượu, thưa Cục trưởng?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi thói quen để cuộc sống tốt đẹp hơn. Rất nhiều vụ trọng án có nguyên nhân xã hội xuất phát từ rượu. Khi có chất men kích thích này, nhiều người, ngay cả những người có văn hóa và trí thức, đã không điều khiển được lý trí và tình cảm của mình, Chỉ cần một va chạm, mâu thuẫn nhỏ là họ có thể gây thương tích hoặc giết người. Ở Việt Nam, rượu bán tràn lan ở các nơi công cộng. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ giờ nào, nhất là buổi trưa, hình ảnh mọi người, kể cả công chức uống rượu và say rượu. Chính vì thế, ở một số nước, họ đã cấm bán rượu ở nơi công cộng. Vậy tại sao ở Việt Nam chúng ta không thử áp dụng? Hơn nữa, rượu bia càng khiến sự hung hăng của đám trẻ dưới vị thành niên trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Thống kê cho thấy, các vụ va chạm, gây trọng án giữa các nhóm thanh thiếu niên sau khi uống rượu ngày càng tăng. Vì thế, theo tôi, nên cấm các nhà hàng bán rượu cho các đối tượng dưới 18 tuổi. Nếu các cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm thì phải có chế tài xử lý nghiêm. Đồng thời, các cơ quan chức năng, khi kiểm tra giao thông trên đường cũng cần kiểm tra chặt chẽ và xử phạt nghiêm khắc các đối tượng điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong người.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!

T. Hòa - Minh Hiền
.
.
.