Ngày thứ bảy xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo

Thứ Ba, 09/12/2014, 09:09
Ngày 8/12, TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, HĐXX đề nghị vị đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố nêu quan điểm về vụ án.
>> VKS đề nghị bác kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Bị cáo Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB xin rút đơn kháng cáo trước khi Viện Kiểm sát nêu quan điểm.

Trước khi Viện Kiểm sát nêu quan điểm, bị cáo Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã xin rút đơn kháng cáo. Lý do bị cáo Quang xin rút kháng cáo vì đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm cả về tội danh và hình phạt.

Đối với hành vi kinh doanh trái phép: Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, các công ty của Kiên không có ngành nghề kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các doanh nghiệp, nhưng quá trình kinh doanh, các công ty thường xuyên tham gia lĩnh vực này là vi phạm pháp luật vì kinh doanh ngành nghề không đăng ký. Riêng về hành vi kinh doanh trạng thái giá vàng tại Công ty Thiên Nam, trong chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty này không được cấp phép kinh doanh vàng. Nhưng tại biên bản họp HĐQT của công ty có bàn đến quy mô giao dịch kinh doanh trạng thái giá vàng. Sau đó, Công ty Thiên Nam ủy quyền cho Kiên thực hiện các giao dịch và Kiên đã nhiều lần thực hiện thành công. Vì thế, hành vi phạm tội kinh doanh trái phép của bị cáo Kiên là rất rõ ràng. Bản án sơ thẩm quy kết Kiên phạm tội kinh doanh trái phép là có cơ sở.

Đối với hành vi trốn thuế: Đại diện Viện Kiểm sát xác định, để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, Kiên đã giao cho vợ là Đặng Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái Kiên là bà Nguyễn Thúy Hương. Nhưng theo quy định của Nhà nước thì Công ty B&B và cá nhân bà Hương không đủ điều kiện để thực hiện ủy thác đầu tư tài chính - kinh doanh vàng nên các hợp đồng giữa Công ty B&B và bà Hương là trái quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Từ việc ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B và bà Hương đã thu khoản tiền lãi trên 100 tỷ đồng. Căn cứ theo quy định thì Công ty B&B phải nộp thuế theo luật định hơn 25 tỷ đồng từ số tiền lãi đã thu được, nhưng công ty đã trốn nộp thuế số tiền này. Vì thế, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên phạm tội trốn thuế là có cơ sở, đúng pháp luật.

Ngày 8/12, Viện Kiểm sát đề nghị bác toàn bộ đơn kháng cáo của bị cáo Kiên và đồng phạm.

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát thế chấp hơn 20 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng ACB. Mặc dù chưa được Ngân hàng ACB và Công ty Chứng khoán ACB chấp thuận cho giải tỏa 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, nhưng Nguyễn Đức Kiên với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội vẫn chỉ đạo cấp dưới lập khống biên bản họp HĐQT, lập khống quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội để thực hiện hành vi bán trái phép 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát lấy số tiền 264 tỷ đồng. Vậy nên bản án của Tòa sơ thẩm quy kết Kiên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không oan. 

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật không cho phép nhưng vì động cơ mục đích vụ lợi nên vẫn cố tình thực hiện bằng được. Việc mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB đã được Kiên và HĐQT lập phương án thông qua Công ty Chứng khoán ACB, bí mật đầu tư cổ phiếu của ACB nhằm tăng vốn điều lệ của các công ty của Kiên, đẩy giá cổ phiếu của ACB lên cao, gây xáo trộn trên thị trường chứng khoán. Các hợp đồng mà Công ty Chứng khoán ACB ký với các công ty đối tác tưởng như một sự tình cờ, nhưng thực chất đây là chủ ý của Ngân hàng ACB để “qua mặt” các cơ quan quản lý nhằm tạo ra những mối lợi nhất định cho Ngân hàng ACB và một số công ty do Kiên dựng lên. Về việc Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên của mình mang số tiền gần 720 tỷ đồng gửi vào Vietinbank là trái quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, dẫn đến hậu quả là toàn bộ số tiền gửi đã bị bị án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Vì thế bản án của Tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên và đồng phạm là có căn cứ. 

Sau khi đưa ra quan điểm về vụ án này cũng như vai trò của từng bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bản án mà Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Kiên và đồng phạm về cả bốn tội danh trên là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. “Quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cũng không có lời khai hoặc tài liệu gì mới để chứng minh không phạm tội. Vì thế, kháng cáo của các bị cáo là không có cơ sở để xem xét. Đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên tội danh, mức án và các vấn đề dân sự như Tòa sơ thẩm đã quy kết”, đại diện Viện Kiểm sát cho biết. Đối với bị cáo Trịnh Kim Quang, trong quá trình xét xử phúc thẩm đã tự xin rút đơn kháng cáo nên đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX không xem xét trong phiên tòa phúc thẩm.

Ngày 9/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Nguyễn Hưng
.
.
.