Bắt giữ 6 quan chức ngành đường sắt liên quan đến nghi án đưa hối lộ của Công ty JTC (Nhật Bản):

Vì sao các đối tượng bị bắt giam?

Thứ Bảy, 10/05/2014, 11:05
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tiến hành điều tra xác minh, làm rõ thông tin về việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã chi một khoản tiền hối lộ cho một số lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01- giai đoạn I” bằng vốn ODA của Nhật Bản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (đơn vị được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra là Cục Cảnh sát kinh tế thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm) đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ Giao thông vận tải khẩn trương điều tra xác minh vụ việc.

Đến ngày 3/5, cơ quan CSĐT đã tiến hành khởi tố, khám xét và bắt tạm giam với 4 đối tượng. Theo đó, bị can Trần Quốc Đông, 50 tuổi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt Việt Nam (RPMU), bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 3 bị can là: Phạm Hải Bằng, 46 tuổi, Phó Giám đốc RPMU, kiêm chủ nhiệm dự án này; Phạm Quang Duy, 39 tuổi, Phó Giám đốc RPMU, nguyên Trưởng phòng Dự án 3 RPMU và là điều phối viên dự án này; Nguyễn Nam Thái, 37 tuổi, Trưởng phòng Dự án 3 RPMU về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mô hình phối cảnh nhà ga Long Biên trên tuyến đường sắt đô thị số 1.

Tiếp đó, ngày 8/5, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã tiếp tục tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng nữa là Trần Văn Lục, 56 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU và Nguyễn Văn Hiếu, 52 tuổi, Giám đốc RPMU cũng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Như vậy, đến nay đã có 6 quan chức của ngành đường sắt, từng và đang đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của RPMU đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Theo chúng tôi được biết, hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan trước hết đến dự án dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01- giai đoạn I” (hay còn gọi là Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên). Trong dự án này, Công ty Tư vấn GTVT Nhật Bản (JTC) đã trúng thầu tư vấn thiết kế. Hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho dự án giữa Tổng Công ty Đường sắt VN và liên danh tư vấn JKT (do JTC đứng đầu) được ký ngày 9-9-2009, là giai đoạn chuyển giao chức vụ giữa ông Trần Văn Lục và ông Trần Quốc Đông.

Được biết, ông Trần Quốc Đông thay ông Trần Văn Lục vị trí Giám đốc RPMU từ tháng 10/2009 và nắm chức vụ này trong khoảng 20 tháng. Đến năm 2011 thì ông Đông lên làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN, thay ông Đông giữ chức vụ Giám đốc là ông Nguyễn Văn Hiếu….

Liên quan đến hành vi phạm tội của các bị can trên, theo chúng tôi được biết, bị can Trần Quốc Đông bị khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bởi đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và triển khai dự án, đặc biệt là khiến công trình triển khai dở dang, không hoàn thành đứng dự kiến đề ra.

Theo quy định, ngày 30/10/2012, dự án này sẽ phải được hoàn thành và đưa vào nghiệm thu nhưng cho đến tận thời điểm này, dự án vẫn dang dở, Công ty Tư vấn JTC thì bị phía Nhật đình chỉ hoạt động… 5 đối tượng còn lại bị khởi tố tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong quá trình làm việc đã nhận một số tiền và quà biếu… Được biết, sau khi bị bắt, các đối tượng đã nộp lại một số tiền đã được “chia, biếu”. Chỉ riêng 3 bị can là Phạm Hải Bằng, Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái đã nộp cho cơ quan điều tra số tiền gần 3 tỷ đồng do thu lợi bất chính trong vụ án này.

Trước đó, như Báo CAND đã đưa tin, ngày 21/3, Báo The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin Giám đốc JTC Tamio Kakinuma thừa nhận đã chi bất hợp pháp hơn 100 triệu yên cho một số quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA. Riêng tại Việt Nam, JTC hối lộ cho 5 quan chức ngành đường sắt 80 triệu yen (hơn 16 tỉ đồng) từ năm 2008-2012 để được nhận thầu tư vấn dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1.

Ngay sau khi có thông tin, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã giao nhiệm vụ điều tra, xác minh vụ nghi án hối lộ của ngành đường sắt cho Cục Cảnh sát kinh tế. Đơn vị này đã cử các cán bộ có kinh nghiệm sang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải chủ động nắm tình hình, rà soát lại toàn bộ các dự án liên quan đến ngành đường sắt mà Công ty Tư vấn GTVT Nhật Bản (JTC) đã trúng thầu.

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, và là cơ quan Trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam, ngày 27/3, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có công văn gửi ngài Sadakuzu Tanigaki, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, đề nghị phía bạn trao đổi thông tin chính thức với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam để sớm làm sáng tỏ vụ việc. Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã nhận được công văn của Văn phòng Chủ tịch nước, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ Ngoại giao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải xử lý về vụ việc này. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng yêu cầu cơ quan tố tụng sớm điều tra làm rõ về thông tin đưa hối lộ cho số cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Căn cứ vào các tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp, cùng với các tài liệu, chứng cứ thu thập được, đến ngày 2/5, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã chỉ đạo Cục Cảnh sát kinh tế phá “đại án” gây bức xúc dư luận nói trên. Và bắt đầu từ ngày 3/5, những quan chức đầu tiên của ngành đường sắt đã bị bắt giữ. Hiện vụ việc đang tiếp tục được Cục Cảnh sát kinh tế điều tra, khai thác mở rộng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ việc

M. Khoa - T.Hòa
.
.
.