Xung quanh việc một học sinh ở Hà Nội gửi thư tới Chủ tịch nước về việc bị đình chỉ học vì không có hộ khẩu:

Vì sao Đỗ Hồng Sơn phải tạm dừng đến trường?

Thứ Năm, 20/02/2014, 09:39
Sau khi bức thư gửi Chủ tịch nước của học sinh Đỗ Hồng Sơn, lớp 11A5, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội được đăng tải trên mạng chiều 19-2 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nội dung bức thư cho biết, Sơn đã bị nhà trường cho nghỉ học từ trước Tết với lý do chưa có hộ khẩu Hà Nội.

Trước khi đến gặp em Đỗ Hồng Sơn và phụ huynh của em, chúng tôi đọc rất kỹ lá thư mà em gửi Chủ tịch nước. Trong thư nêu rõ: “Bố mẹ cháu là dân ngụ cư sinh sống ở Hà Nội. Bố cháu làm nghề vá xe ôtô, mẹ cháu phụ giúp bố cháu cùng làm. Gia đình cháu rất nghèo, bố cháu dựng cái lán bằng tôn với diện tích 12m2 trên đường Lê Văn Lương kéo dài… Năm lớp 8 do hoàn cảnh khó khăn gia đình cháu chuyển lên Hà Nội sinh sống. Cháu học cấp 2 tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi. Đến lớp 10 cháu đăng ký thi vào Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cháu thi được 50 điểm trong khi đó điểm tuyển đầu vào của nhà trường là 45 điểm. Cháu đã 2 lần bị Hiệu trưởng nhà trường đình chỉ học tập vì lý do nhà cháu không có hộ khẩu ở Hà Nội. Lần đầu bố cháu đến nhà trường sẽ cam kết chuyển khẩu cho cháu về Hà Nội để cháu được tiếp tục học tập. Đến nay nhà trường đã đình chỉ không cho cháu học vì gia đình cháu chưa chuyển xong hộ khẩu”.

Để biết rõ sự việc, chúng tôi đã đến địa điểm ngôi nhà tạm tại đường Lê Văn Lương kéo dài như trong thư Sơn đã nêu và thấy đây là một cửa hàng nhỏ chuyên sửa ôtô, xe máy. Tầng một là nơi để anh Đỗ Văn Tuyên - bố em sửa xe, gác lửng là nơi gia đình ngủ nghỉ. Anh Tuyên cho chúng tôi xem giấy tờ liên quan đến việc làm thủ tục nhập khẩu của em mà gia đình anh đang thực hiện bao gồm: đơn xác nhận việc em Sơn và em ruột của mình được bố mẹ giao cho vợ chồng người bác giám hộ; giấy chuyển khẩu từ huyện Kiến An, Hải Phòng để nhập khẩu vào địa chỉ của người bác ruột tại phường Thanh Xuân Nam; Giấy đồng ý cho Sơn và em ruột em nhập khẩu vào hộ gia đình mình của người bác ruột…

“Mặc dù đã có những giấy tờ này nhưng hiện nay Sơn chưa được nhập khẩu vào hộ gia đình người bác vì bên Công an cho rằng, bố mẹ còn sống thì không được để người khác giám hộ con mình”, anh Tuyên cho biết. Đồng thời, anh Tuyên cũng nói, đại diện cơ quan Công an tư vấn anh nên có hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào đó để thực hiện việc nhập khẩu.

Lá thư gửi Chủ tịch nước của học sinh Đỗ Hồng Sơn.

Cũng theo anh Tuyên, anh có đủ điều kiện để cho cháu Đỗ Hồng Sơn theo học ở trường dân lập. Tuy nhiên, vì Sơn đã theo học tại Trường THPT Trần Hưng Đạo gần 2 năm rồi nên không muốn có sự thay đổi. Anh vẫn đang cố gắng nhập khẩu cho cháu, cái cần là phải chờ thời gian thôi. Nói về việc phải tạm dừng học của mình, Sơn cho biết: “Em rất buồn. Em mong được tiếp tục đi học”.

Ngay trong chiều 19/2, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo. Bà Phương xác nhận, đúng là có việc nhà trường ra Thông báo không được tiếp tục đến trường đối với học sinh Đỗ Hồng Sơn từ ngày 13/1/2014. Nói về lý do, bà Phương cho biết, căn cứ vào hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2012-2013 của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, điều kiện dự tuyển vào các trường phổ thông công lập là học sinh đã hoàn thành thủ tục nhập hộ khẩu thường trú, có giấy hẹn nhận kết quả của Công an quận/huyện/thị xã. Đối chiếu với trường hợp của học sinh Sơn, ngay từ khi tham dự kỳ tuyển sinh năm học 2012-2013, Sơn chưa có hộ khẩu thường trú mà chỉ có cam kết của gia đình đang làm thủ tục nhập khẩu. Trong bản cam kết lần 3 (ngày 14/10/2013), chị Trịnh Thị Hà Hải, mẹ em Sơn đã cam kết với nhà trường đang làm thủ tục nhập khẩu và hẹn sẽ hoàn thành vào ngày 15/11/2013, nếu không sẽ chuyển trường cho Sơn.

Cũng trong cuộc trao đổi này, cô Hiệu phó cho biết, em Đỗ Hồng Sơn là một học sinh ngoan. Đứng ở góc độ sư phạm thì không có thầy cô giáo nào muốn cho học sinh phải nghỉ học. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, thì em Sơn bắt buộc phải nghỉ học tại trường. Trước khi ra thông báo cho em Sơn nghỉ học, nhà trường đã trao đổi với phụ huynh và tư vấn chuyển em sang học tại trường dân lập. Phụ huynh của em Sơn cũng cho rằng, việc đóng góp cho em ở trường dân lập gia đình cũng thực hiện được. Tuy nhiên, gia đình vẫn muốn em được học tại trường và tiếp tục hứa hẹn sẽ hoàn thành thủ tục nhập khẩu. Ở góc độ quản lý nhà nước, khi ra thông báo tạm nghỉ học với em Sơn, nhà trường cũng xin ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo về việc này.

Phóng viên Báo CAND trao đổi với em Đỗ Hồng Sơn.

Gần một tháng nay, cậu học sinh lớp 11 phải tạm gác lại việc đến trường. Không được cùng bạn bè đến lớp, chương trình bị bỏ dở là thiệt thòi quá lớn đối với cậu thiếu niên này. Việc Trường THPT Trần Hưng Đạo áp dụng quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội và cho em học sinh này nghỉ học tuy không sai theo quy định hiện hành, nhưng có lẽ quá máy móc trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay? Bởi lẽ, để dẫn tới sự việc này có cái sai ngay từ đầu của nhà trường. Bên cạnh đó, được đi học là quyền của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Việc học hành dở dang không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của cậu thiếu niên này và rất có thể còn ảnh hưởng đến tương lai của em. Những khúc mắc trong việc gián đoạn việc học của em Sơn sẽ được làm rõ, tuy nhiên thiệt hại nhiều nhất vẫn là em Sơn. Em có quyền được đi học, được đối xử bình đẳng như tất cả học sinh khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh về việc này

Cao Hồng - Nguyễn Hương
.
.
.