Vắng mặt nhiều người liên quan vụ "đại án gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng"

Thứ Tư, 28/12/2016, 10:17
Ngày 27-12, TAND cấp cao tại TP HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (viết tắt là VNCB). Đây là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với số tiền thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.


Xuất hiện tại tòa lần này, được xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu vụ án, bị cáo Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) khá bình thản. 

Vụ án có 36 bị cáo bị xét xử, 162 người được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Sau phiên tòa sơ thẩm, Phạm Công Danh và 24 đồng phạm có đơn kháng cáo, 8 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.

Phạm Công Danh tại phiên tòa khai mạc.

Tại phiên tòa hôm qua, 25 bị cáo đều có mặt; 8 trong số 27 người liên quan kháng cáo vắng mặt. Trong đó, bà Hứa Thị Phấn (69 tuổi, người bị tòa sơ thẩm ra quyết định khởi tố tại tòa) và bà Phạm Thị Trang (tức Trang Phố núi) có đơn xin xét xử vắng mặt, 6 người còn lại vắng mặt không rõ lý do nhưng có ủy quyền cho 3 người khác tham gia phiên tòa. 

Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến khoản tiền 5.490 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích (32 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) có mặt tại tòa.

Trong phần thủ tục, bị cáo Phạm Công Danh đề nghị tòa triệu tập ông Trần Quí Thanh và một lãnh đạo của Công ty Phương Trang đến tòa để làm rõ một số nội dung liên quan. Luật sư của ông Danh thì cho rằng cần triệu tập thêm Phạm Thị Trang đến tòa. 

Theo luật sư, trước đó TAND cấp cao đã có giấy triệu tập bà Trang, tòa cấp cao cũng đã có phiếu ủy thác tư pháp hình sự gửi cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để triệu tập bà Trang nhưng bà này vắng mặt. 

Trong giấy triệu tập, bà Trang được yêu cầu đến tòa với tư cách là người liên quan và người làm chứng, theo luật sư thì tòa phải có cam kết không bắt giữ bà Trang tại phiên tòa để bà yên tâm tham gia, vì vậy luật sư đề nghị HĐXX nên kiểm tra lại đã có cam kết này gửi cho phía Hoa Kỳ hay chưa, vì sự có mặt của bà Trang rất cần thiết để làm rõ mối quan hệ vay mượn giữa bị cáo Danh và nhóm Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh.

Cũng trong phần thủ tục, luật sư Lưu Văn Tám bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và bà Hứa Thị Phấn đề nghị tòa triệu tập ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương, đang bị truy tố trong một vụ án khác) và những cá nhân trong nhóm Phú Mỹ đến tòa. 

Lý giải về việc này, luật sư cho rằng ông Hà Văn Thắm có vai trò quan trọng trong việc làm rõ mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn và vụ án ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của những cá nhân trong nhóm Phú Mỹ.

Sau khi các bên trình bày ý kiến, tòa đề nghị VKS cho ý kiến. Phát biểu, đại diện VKS cho rằng quá trình xét xử cấp sơ thẩm cũng như phúc thẩm đã triệu tập và ông Thanh có đơn xin xét xử vắng mặt. 

Đối với bà Phạm Thị Trang, bà Trang cũng có đơn xin xét xử vắng mặt và đã được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco chứng thực chữ ký của người này. VKS đề nghị tòa xem xét, quá trình xét xử nếu cần thiết sẽ triệu tập ông Hà Văn Thắm và những thành viên trong nhóm cổ đông Phú Mỹ.

Sau khi nghe ý kiến các bên HĐXX bắt đầu thẩm tra lý lịch của các bị cáo và những người liên quan. Hôm nay phiên tòa tiếp tục. Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ diễn ra đến ngày 25-1 mới kết thúc.

A.Huy
.
.
.