Vạch trần thủ đoạn của các đối tượng buôn người ở miền Tây đất Nghệ

Thứ Ba, 20/01/2015, 10:51
Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng ở Nghệ An liên tục triệt phá các đường dây buôn bán người. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ bị đưa bán qua biên giới phía Bắc. Đây là loại tội phạm đang gây nhức nhối trong nhân dân cần vạch trần, góp phần trả lại sự bình yên cho mỗi bản làng.

Bản làng hiu hắt vì những con số nhức nhối

Chúng tôi đến xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, mảnh đất vùng sâu xứ Nghệ trong cơn mưa tầm tã. Nói về vấn nạn buôn bán người, cán bộ xã giật nảy mình, bởi hai từ “buôn người” đã trở nên ám ảnh với người dân nơi đây. Chỉ tính riêng bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu có 148 hộ với 638 nhân khẩu, nhưng đến thời điểm này đã có 38 phụ nữ mất tích khỏi bản, trong đó có 16 cháu từ 9 đến 12 tuổi cũng bị bắt cóc đem đi đâu không rõ.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội-Công an tỉnh Nghệ An, trong năm 2014, phòng đã khởi tố 15 vụ buôn bán người, 29 bị can, giải cứu 28 nạn nhân trở về nhà. Còn Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, đơn vị cũng đã phá được 7 vụ buôn bán người, bắt 6 đối tượng, giải cứu thành công 9 phụ nữ.

Về miền Tây đất Nghệ, chúng tôi chứng kiến một số bản làng heo hút, những ánh mắt bơ phờ của đàn ông, nỗi lo của đám trẻ khi bố mẹ vắng nhà. Ông Cụt Thanh Sơn, Trưởng bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, cho biết, “riêng bản này đã có hơn 50 người bị bán, nhiều nhất có năm lên đến hơn 30 người”. Uống vội chén nước lá, ông Cụt Thanh Sơn dẫn chúng tôi vượt qua một con suối, rồi tiếp một triền đồi để đến nhà anh Cụt Phò Sang trú cùng bản Lưu Thắng.

Các đối tượng buôn bán người bị lực lượng Công an và Biên phòng tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ.

Bao đêm rồi, Cụt Phò Sang cùng con trai Cụt Văn Sáng và đứa cháu nội 6 tuổi ngồi trước hiên nhà nhìn đăm đăm vào khoảng không chờ đợi kể từ ngày Sáng mất vợ, con trai Sáng mất mẹ và ông Sang mất đứa con dâu vì bị bán qua Trung Quốc.

Năm 2007, Cụt Văn Sáng lấy vợ là  Moong Thị Mây. Khi Mây sinh được đứa con chưa đầy năm thì bị lừa bán. Nỗi đau mất con dâu chưa nguôi thì đến tháng 4/2013, con gái của Cụt Phò Sang là Cụt Thị My (19 tuổi) lại bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc. Rời xã Chiêu Lưu, chúng tôi đến xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Khi nói đến nạn buôn người, cả bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm đều nói đến gia đình anh Lương Văn Phương. Nhà có 4 chị em, thì chỉ còn anh Phương là không bị bán. Năm 21 tuổi, Phương trở thành trụ cột cho cả gia đình khi cha mẹ qua đời.

Một buổi chiều lên nương về muộn, Phương nghe hung tin: em gái Phương là Lương Thị Lá mới 12 tuổi và chị gái đầu Lương Thị Yến đã bị bọn buôn người lừa bán. Tiếp đó, đêm 15/4/2014, đứa em gái còn lại là Lương Thị Giàng cũng bị bọn buôn người lừa đem bán qua Trung Quốc…

Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn của “quỷ dữ”

Hằng ngày, các đối tượng buôn bán người vẫn len lỏi, lùng sục trong nhiều bản làng miền tây Nghệ An. Lợi dụng địa hình đồi núi chia cắt, dân trí của bà con dân bản còn hạn chế nên các đối tượng dễ dàng lừa phỉnh phụ nữ đem đi bán. Đánh vào tâm lý thích quần áo đẹp, thích điện thoại, đồ trang sức... của nhiều cô gái bản mới lớn, các đối tượng buôn người đã tiếp cận, tỉ tê rủ họ về thành phố làm việc được trả lương cao.

Song khi các cô gái vừa rời khỏi bản khuất tầm mắt thì bị chúng trao đổi như một món hàng để đưa qua biên giới bán làm vợ, hoặc làm gái mại dâm. Hiện, các đối tượng buôn bán người còn tìm cách tiếp cận trước các cổng trường học để lừa gạt đưa cả nữ sinh mới 13, 14 tuổi đem bán.

Vì vậy nữ sinh và nhà trường, chính quyền địa phương cần hết sức cảnh giác. Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại địa phương, chúng tôi nhận thấy trong số các đối tượng buôn bán người bị cơ quan chức năng bắt giữ, nhiều đối tượng là phụ nữ trong thôn, bản, trước đó chính họ là nạn nhân của nạn buôn người, sau đó trở lại địa phương tìm cách bán những người khác.

Mới đây, Công an Nghệ An đã bắt giữ 2 đối tượng là Lô Thị Hợi (19 tuổi), trú tại bản Canh Khịt, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương và Vi Thị Pồn (24 tuổi), trú bản Đình Tài, xã Xiềng My, huyện Tương Dương, Nghệ An. Pồn và Hợi từng là nạn nhân của bọn buôn người, sau khi bị bán qua Trung Quốc làm vợ, Pồn và Hợi quay về miền Tây Nghệ An và trở thành những đối tượng buôn người chuyên nghiệp.

Hằng ngày, Pồn và Hợi ăn mặc sang trọng, tiêu tiền thoải mái làm cho nhiều phụ nữ dân bản tỏ ý thèm thuồng. Khi xác định “cá đã cắn câu”, Hợi và Pồn mới buông lời “muốn có tiền không, về thành phố Pồn, Hợi sẽ giúp xin việc cho làm”.

Bằng thủ đoạn trên, mới đây Pồn và Hợi đã lừa bán 4 phụ nữ đều trú ở huyện Tương Dương, gồm: Bùi Thị T. (37 tuổi), Lang Thị H. (24 tuổi), Hà Thị Y. (20 tuổi) và Lô Thị N. (28 tuổi). Trong đó 3 nạn nhân là H., N. và Y. đang mang thai nhưng các đối tượng vẫn quyết tâm lừa bán qua biên giới.

Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho rằng: Các đối tượng buôn bán người tìm hiểu, rồi chúng lợi dụng trình độ dân trí người dân ở các bản còn thấp để dụ dỗ rồi đem bán. Thủ đoạn của chúng rất biến hóa, hết sức tinh vi, trao đổi qua nhiều trung gian khác nhau để qua mắt cơ quan chức năng. Khó khăn nhất trong vấn đề xử lý bọn tội phạm buôn người là những nạn nhân sau khi trốn được về nhà, Công an đến lấy lời khai để có căn cứ xử lý, nhưng họ không hợp tác vì muốn che đậy quá khứ.

Thiết nghĩ để chấm dứt tình trạng buôn bán người ở miền tây đất Nghệ, chính quyền các xã cần liên tục tổ chức nhiều buổi nói chuyện, trao đổi và phổ biến pháp luật đến tận mỗi người dân. Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cần sớm vào cuộc phát huy vai trò của mình để giúp phụ nữ, thanh niên thôn bản thấy được thủ đoạn của các đối tượng buôn người.

Dương Sông Lam
.
.
.