Vạch trần lời khai gian dối của Nguyễn Mạnh Tường

Thứ Năm, 04/12/2014, 17:49
Sáng 4/12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sự hình sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Thẩm mỹ Viện Cát Tường, Hà Nội. Thẩm phán Lê Thị Hợp làm Chủ tọa phiên tòa này.
>> Xét xử vụ án xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường

Ông Đỗ Minh Tuấn, Kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố. Có 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, bị cáo.

Tham dự phiên tòa còn có đại diện Sở Y tế TP Hà Nội, các nhân chứng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và nhiều người thân trong gia đình bị hại, bị cáo. Do đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi nên lực lượng Cảnh sát bảo vệ hỗ trợ tư pháp Công an TP Hà Nội rất chú trọng công tác bảo vệ an ninh trật tự cho phiên xử.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, 41 tuổi trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là Giám đốc Trung tâm Thẩm  mỹ viện Cát Tường bị truy tố về hai tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Bị cáo Đào Quang Khánh, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội là bảo vệ thẩm mỹ viện bị truy tố về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và tội trộm cắp tài sản. Nạn nhân trong vụ án là chị Lê Thị Thanh Huyền, 41 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bị cáo Tường và bị cáo Khánh tại phiên xử.

Khi HĐXX thẩm vấn về hoạt động kinh doanh, bị cáo Tường khai nhận, quá trình hoạt động, Thẩm mỹ viện Cát Tường thiếu giấy chứng nhận của Sở Y tế Hà Nội. Nhưng bị cáo biện minh rằng, việc nâng ngực, hút mỡ không bị cấm nên mới làm. HĐXX hỏi bị cáo giao cho ai pha chế thuốc tiêm cho chị Huyền và pha chế theo công thức nào? Tường trả lời “Bị cáo hướng dẫn nhân viên pha chế thuốc theo công thức chuẩn của Việt Nam”. Tuy nhiên, vị công tố viên phản bác ngay: “Quá trình cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án này, cơ quan Y tế đã xác định, công thức pha chế thuôc mà bị cáo thực hiện ở Việt Nam chưa quy định và chưa cho phép thực hiện”. Đối với việc phi tang xác nạn nhân, Tường khai, ban đầu có ý định đưa thi thể nạn nhân vào bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên thời điểm đó, bệnh viện khá đông nên đã đưa vào Bệnh viện Bưu Điện. “Khi đưa xác chị Huyền đến cổng bệnh viện nhưng lúc đó phòng cấp cứu rất nhiều người nên mất bình tĩnh”, Tường nói. HĐXX hỏi tiếp tiếp “Vì sao sau khi chị Huyền có biểu hiện co giật bất thường sau khi tiến hành nâng ngực, hút mỡ nhưng bị cáo vẫn có biểu hiện vô cảm khi đi lễ mà bỏ mặc việc cấp cứu nạn nhân cho các nhân viên của trung tâm thẩm mỹ?”. Bị cáo Tường quanh co “Khi bị cáo đi lễ thì chị Huyền chưa có biểu hiện nguy hiểm”. Đối với quyết định đưa nạn nhân đi phi tang xuống sông Hồng, bị cáo Tường đổ thừa rằng, đấy là ý định của Khánh bởi lúc đó bị cáo đang rất hoảng sợ.

HĐXX thẩm vấn bị cáo Khánh về việc quá trình đưa xác nạn nhân đi phi tang. Khánh khai “Thời điểm xảy ra vụ việc, bác sĩ Tường nhờ bị cáo đưa chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu thì chị Huyền đã chết. Lúc đưa xác chị Huyền đến bệnh viện Bưu Điện do thấy có nhiều bệnh nhân nên bác sĩ Tường và bị cáo đứng ngoài cổng. Thấy bác sĩ Tường cứ quay đi quẩn lại trước cổng, bị cáo nói “nếu đưa nạn nhân vào bệnh viện trong tình trạng này thì sẽ bị phát hiện”. Nghe vậy, bác sĩ Tường nói với bị cáo “hay là mang đi vứt” và bị cáo đã ủng hộ ý tưởng của bác sĩ Tường. Thời điểm vứt xác, trên người của nạn nhân không bị buộc vật gì”. HĐXX hỏi bị cáo Khánh: “Ai là người đưa ý tưởng phi tang xác chị Huyền xuống sông Hồng?” và bị cáo trả lời “Bác sĩ Tường nhờ bị cáo cùng thực hiện”. Khi HĐXX cho đối chất, bị cáo Tường lại nói ngược lại “Khánh là người nêu ta ý tưởng phi tang xác nạn nhân, vì lúc đó bị cáo rất lo sợ nên không biết phải làm gì”.

HĐXX tiến hành thẩm vấn các nhân chứng. Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường khai “Tôi trực tiếp pha thuốc và tham gia quá trình phẫu thuật. Công thức pha chế thuốc thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ Tường”. Một nhân viên khác là chị Lê Thị Ngọc Vân khẳng định “Thời điểm sau hậu phẫu, chị Huyền có biểu hiện co giật. Lúc đó bác sĩ Tường không có ở trung tâm. Nhân viên liên lạc với bác sĩ Tường để thông báo tình hình và làm theo hướng dẫn của Tường”.

Chị Vân khai thêm “Khi nhận thông báo của nhân viên, bác sĩ Tường không hướng dẫn việc đưa đi cấp cứu dù nhân viên trong trung tâm đề xuất việc đưa chị Huyền đi cấp cứu”. Sau khi đưa ra các phân tích, đánh giá theo góc độ chuyên môn của ngành Y tế, vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân đưa ra nhận định “Việc pha chế thuốc một cách hỗn hợp từ các loại thuốc dẫn đến nạn nhân bị tai biến. Và đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền”. Bị cáo Tường biện minh “Công thức pha chế ở đây đã được một số nơi sử dụng. Còn việc tai biến do thuốc thì trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể xảy ra”. 

Cuối phiên xử ngày đầu tiên, khi các luật sư thẩm vấn, bị cáo Tường và bị cáo Khánh liên tục đổ lỗi cho nhau để chối bỏ vai trò chủ mưu trong việc phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng. Ngày mai 5/12, phiên tòa tiếp tục.

Liên quan đến vụ án này còn có bác sĩ Nguyễn Quang Thành, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai được Tường gọi đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để giúp cấp cứu chị Huyền. Khi phát hiện thấy nạn nhân đã tử vong nhưng bác sĩ Thành không tố cáo với cơ quan chức năng. Chị Nguyễn Thị Hằng (vợ bị cáo Tường) biết rõ sự việc này nhưng không tố giác tội phạm. Ngoài ra, một số nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường biết việc Tường thực hiện hút mỡ bụng và nâng ngực cho chị Huyền tại thẩm mỹ viện này khiến chị Huyền tử vong nhưng cũng không tố giác Tường. Tuy nhiên quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, hành vi của bác sĩ Thành, chị Hằng và một số nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường không cấu thành tội phạm nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguyễn Phương - Vũ Linh
.
.
.