Viết tiếp vụ "Dấu hiệu thiếu khách quan từ những kết luận giám định pháp y (Cà Mau)"

Tùy tiện, bỏ qua pháp luật đến mức khó ngờ

Thứ Bảy, 27/09/2014, 12:27
Báo CAND từng có bài viết phản ánh về những dấu hiệu thiếu khách quan từ những kết luận giám định pháp y (sau đây gọi tắt là KL - PV) do ông Trần Việt Bắc - Giám định viên (GĐV), kiêm Giám đốc Trung tâm pháp y (TTPY) tỉnh Cà Mau thực hiện. Bên cạnh những KL liên quan đến bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Khánh Hội, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Lê Trần Anh Phương (ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) mà chúng tôi đã đề cập, còn có nhiều KL khác cho thấy biểu hiện tùy tiện đến bỏ qua pháp luật của ông Bắc.

Chiều 25/9, một nguồn tin cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có ý kiến chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương kiểm tra nội dung mà báo chí đã phản ánh thời gian qua liên quan đến vị GĐV, kiêm Giám đốc TTPY tỉnh Cà Mau.

Giám định kiểu nhìn hình, đoán chữ

Ngày 11/7, cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau có quyết định trưng cầu, yêu cầu TTPY tỉnh Cà Mau tiến hành giám định, xác định tỷ lệ thương tật đối với trường hợp Nguyễn Quốc Khanh (32 tuổi) là bao nhiêu phần trăm.

Tại bệnh án số lưu trữ 1085 ngày 7/7 của BV 121 Quân khu 9, ghi nhận: Vùng trán có nhiều vết thương từ 1,5cm đến 12,5cm. Vết thương rách da vùng cổ khoảng 1,5cm. Vết thương rách da mí mắt trái khoảng 2,5cm, mí mắt phải khoảng 1,5cm.

Tại bản KL số 203/CĐĐHS ngày 23/7/2014, GĐV kiêm Giám đốc TTPY Trần Việt Bắc kết luận: Vết thương phần mềm ảnh hưởng thẩm mỹ là 11%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 11%.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra làm rõ nội dung mà báo chí đã phản ánh liên quan đến ông Trần Việt Bắc.

Một GĐV có thâm niên ở tỉnh Cà Mau cho biết nguyên tắc giám định để đánh giá vết sẹo phần mềm còn để lại trên cơ thể của người được giám định (NĐGĐ) và để xác định vết sẹo đó có ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay không là những vết sẹo đã lành, sẹo lồi, khuyết, rúm dính, co, kéo, cứng, mềm là những vết sẹo đó nằm ở vị trí không có quần áo che hoặc không có tóc và phải có mặt NĐGĐ. Khi đó, GĐV pháp y trực tiếp sờ khám, nhìn sẹo mới đánh giá được thẩm mỹ, mức độ ảnh hưởng thẩm mỹ ít hay nhiều. Còn giám định vết thương trên hồ sơ, bệnh án không thể xác định được ảnh hưởng thẩm mỹ. Và kết luận “tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 11%” là sai hoàn toàn, không đúng với nguyên tắc giám định trên hồ sơ. Cũng cần kể thêm, giám định để xác định % thương tích cơ thể được xác định thực hiện qua hồ sơ trong trường hợp NĐGĐ đã bị chết phải có giấy báo tử hoặc bị mất tích có xác nhận của cơ quan chức năng hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Lẽ ra đối với trường hợp này, GĐV không xếp tỷ lệ % mới đúng.

Và… tùy hứng

Ngày 15/7/2014, ông Nguyễn Văn Thời (51 tuổi, ngụ ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau) đến và được TTPY Cà Mau giới thiệu ông đến Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh (TTPCCBXH) để khám mắt. BS.CKI Nguyễn Minh Triết của trung tâm ghi nhận: Mắt phải thị lực không kính, bón bàn tay – thị lực có kính 2/10 (kính 0,75DS) pha lê  thể thoái hóa; mắt trái thị lực có kính 10/10. Kết luận: Mắt phải bị tật khúc xạ (- 0,75DS) – thoái hóa pha lê thể - thị lực giảm.

Như vậy, mắt phải của ông Thời đã có bệnh lý trước đó. Sau khi bị người khác đánh vào mắt phải, ông Thời đến TTPY, lẽ ra ông Trần Việt Bắc phải mời bác sĩ Khoa mắt BV Cà Mau và TTPCCBXH tỉnh cùng GĐV pháp y để hội chẩn rồi đưa ra KL hoặc giới thiệu lên tuyến trên để khám lại mắt, lấy kết quả về KL, hay từ chối giám định. “Ông Bắc đã không tuân thủ các nguyên tắc giám định và Luật Giám định tư pháp mà làm việc theo cảm tính, vội đưa ra KL (số 195/TGT ngày 17/7/2014 – PV) là 17% ” – một GĐV cũng là lãnh đạo TTPY cho biết.

 Không dừng lại ở lần đó, tại bản KL số 182/TGT ngày 10/7/2014, cho thấy ông Bắc đã tự cho mình quyền định đoạt tỷ lệ phần trăm đối với NĐGĐ mà không theo những nguyên tắc chuyên môn, cơ bản nhất.

Vụ việc như sau: Ông Trần Thái Học (tạm trú ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bị người khác dùng tay đánh vào mặt gây thương tích. Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định, gửi kèm theo Bệnh án lưu trú số 10394 ngày 13/5/2014 và Giấy chứng nhận thương tích số 234/CN ngày 3/6/2014 của BV Cà Mau ghi nhận tình trạng của ông Học lúc vào viện: Mắt phải chấn thương đụng dập nhãn cầu, xuất huyết kết mạc tụ máu mi, giảm thị lực 3-10.

Đến sáng 3/7/2014, ông Học được TTPY giới thiệu đến Khoa mắt BV Cà Mau. BSCK1 Huỳnh Trung Lâm kết luận: Mắt phải thị lực giảm 4/10, mắt trái thị lực 10/10 (phù hợp lúc vào viện).

Một tuần sau, theo giới thiệu của ông Trần Việt Bắc, ông Học đến TTPCCBXH tỉnh Cà Mau khám lại mắt. BSCKI Nguyễn Minh Triết kết luận: Thị lực mắt phải giảm 2/10, mắt trái 6/10. Cả hai mắt giảm thị lực chưa tìm được nguyên nhân. 

Một GĐV cho biết: Nếu theo KL của BS Lâm, căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013, tỷ lệ thương tật của ông Học là 11%. Lẽ ra khi xem xét, nghiên cứu thấy giữa 2 KL của BS Lâm và BS Triết còn mâu thuẫn, BS Bắc phải mời cả hai BS cùng với GĐV pháp y hội chẩn đưa ra KL chính xác về mặt chuyên môn và có đủ cơ sở để KL. Nhưng BS Bắc đã làm ngược lại, vội đưa ra KL tỷ lệ thương tật của ông Học là… 0%.

Liên quan đến KL số 192/TGT ngày 14/7/2014 đối với ông Lương Trùng Dương (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), theo chẩn đoán ngày 12/7/2014 của Khoa ngoại BV Cà Mau, ông Dương bị chấn thương sọ não. Chụp CT – Scanner cùng ngày kết luận: Xuất huyết não, kèm theo lún sọ đỉnh trái. Ngày hôm sau, TTPY giám định cho ông Dương tại giường bệnh, ghi nhận: Xuất huyết não kèm lún sọ đỉnh trái, kích thước 1,5cm x 1,5cm. Và BS Trần Việt Bắc áp dụng vào mục 1.6 của Thông tư 28/2013, xếp tỷ lệ thương tật là 21%.

Theo một GĐV, Thông tư liên tịch số 28/2013 không có tính phần lún sọ. Khuyết sọ và lún sọ là hai tổn thương sọ khác nhau. Do vậy, ông Bắc KL tỷ lệ thương tật của ông Dương 21% là sai.

Đối với KL số 168/TGT ngày 23/6/2014, một báo cáo mà chúng tôi có trong tay cho thấy nhờ xác định tỷ lệ thương tật của bị hại 10% của BS Trần Việt Bắc mà bị can đã được áp dụng hình phạt dưới khung 2…

Chi bộ TTPY tỉnh Cà Mau đã có báo cáo đến Đảng ủy Sở Y tế tỉnh Cà Mau và UBKT Đảng ủy sở về những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác giám định pháp y của đảng viên, GĐV Trần Việt Bắc. Báo cáo đã xác định sai phạm của ông Bắc ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng bởi KL giám định pháp y là những tài liệu pháp lý liên quan đến sinh mệnh chính trị, tương lai của nhiều người, một KL sai có thể khiến người ta rơi vào vòng lao lý hoặc bỏ lọt tội phạm ngoài vòng pháp luật... Chiều 25/9, văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Y tế tỉnh khẩn trương kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh mà báo chí đã nêu thời gian qua liên quan đến ông Trần Việt Bắc, nếu có sai phạm xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước 29/9 tới.

Binh Huyền
.
.
.