Truy tố 11 bị can trong vụ khai thác cát trái phép trên sông Tiền

Thứ Tư, 04/12/2013, 16:26
Viện KSND tỉnh Đồng Tháp vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 11 bị can, gồm: Nguyễn Hồng Lâm (nguyên Bí thư huyện Hồng Ngự); Ngô Xuân Cảnh (nguyên Phó Bí thư); Dương Tấn Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Ngự Bình, gọi tắt là Công ty Ngự Bình); Phan Thanh Dân (Phó Giám đốc); Lương Công Thành (Kế toán trưởng); Phạn Thanh Sơn; Nguyễn Văn Mương; Nguyễn Hoàng Hải và Nguyễn Minh Triết về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (cát sông) theo Điều 172 Bộ luật hình sự.

Bị can Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự) và Dương Trung Kỉnh (nguyên Trưởng phòng TN-MT) bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật hình sự.

Dung dưỡng cho “cát tặc” lộng hành!

Năm 2009, chia tách huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, Công ty Ngự Bình được giao cho Huyện uỷ Hồng Ngự quản lý. Ngô Xuân Cảnh trực tiếp quản lý, theo dõi hoạt động của công ty này. Tháng 11/2011, giấy phép khai thác cát tại bãi bồi Thường Thới Tiền của Công ty Ngự Bình hết hạn. Trong thời gian ngưng hoạt động, Dương Tấn Quốc (Giám đốc Công ty Ngự Bình) báo cáo Ngô Xuân Cảnh về việc có nhiều phương tiện cần cẩu vào tự bơm cát (trái phép) tại bãi bồi và đề xuất tiếp tục được quản lý và khoáng cho 3 phương tiện cần cẩu vào khai thác và bán lẻ cho các phương tiện tự bơm hút.

Tại cuộc họp Ban Thường vụ huyện uỷ Hồng Ngự, Nguyễn Hồng Lâm (chủ trì cuộc họp) đã kết luận đồng ý việc Công ty Ngự Bình đề nghị “khoáng gọn 3 cần cẩu với giá mỗi phương tiện cần cẩu 30 triệu đồng/tháng cho đến khi công ty được phép sẽ hợp đồng gia công”.

Mấy ngày sau, Ngô Xuân Cảnh gọi Dương Tấn Quốc đến thông báo về việc đồng ý cho 3 phương tiện cần cẩu của Nguyễn Văn Mương; Nguyễn Hoàng Hải và Phạm Thanh Sơn được phép khai thác cát tại bãi bồi Thường Thới Tiền. Mỗi tháng nộp cho Công ty Ngự Bình 30 triệu đồng/tháng/phương tiện, số tiền này để ngoài sổ sách và chi theo chỉ đạo của Thường trực huyện uỷ.

“Mua bán quyền” khai thác cát trái phép

Có được “hợp đồng” với Công ty Ngự Bình, Nguyễn Văn Mương không trực tiếp khai thác mà cho Phạm Văn Nhẫn đưa phương tiện vào khai thác. Toàn bộ chi phí, phương tiện do Nhẫn chịu, còn Mương được chia đôi số tiền bán cát.

 

Các bị can Nguyễn Hồng Lâm, Nguyễn Quốc Hưng và Nguyễn Văn Mương (file-Nguyễn Hồng Lâm – Nguyễn Quốc Hưng – Nguyễn Văn Mương).

Từ ngày 30/11/2011 đến ngày 18/10/2012, Nhẫn bán cát thu được gần 3,7 tỷ đồng, chia cho Mương 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Mương còn “bán quyền khai thác” cho Nguyễn Minh Triết đưa 2 phương tiện cần cẩu vào khai thác, với giá 60 triệu đồng/phương tiện/tháng, bỏ túi 480 triệu đồng; thu tiền “quan hệ” của Nguyễn Hoàng Hải và Phạm Thanh Sơn, mỗi tháng 20 triệu đồng, với tổng số tiền 240 triệu đồng.

Riêng Phạm Thanh Sơn và Nguyễn Hoàng Hải lần lượt đưa các phương tiện cần cầu số hiệu: SG-5121; LA-5030; LA-5507 và LA-05555 vào khai thát cát. Số tiền bát cát thu được trên 7,2 tỷ đồng, trong đó, Sơn 5,2 tỷ đồng và Hải gần 2 tỷ đồng. Sự việc chỉ được phát hiện khi Công an tỉnh Đồng Tháp vào cuộc điều tra, bắt quả tang hàng loạt phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

Theo đó, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2012, Dương Tấn Quốc đã thu tiền 3 phương tiện cần cẩu của Nguyễn Văn Mương; Nguyễn Hoàng Hải và Phạm Thanh Sơn, với tổng số tiền 780 triệu đồng. Quá trình khai thác cát trái phép tại bãi bồi Thường Thới Tiền, các phương tiện cần cẩu đã gây thiệt hại gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra, Dương Tấn Quốc còn chỉ đạo cấp dưới bán lẻ cát cho cát phương tiện tự bơm hút, xuất hoá đơn với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.

Các phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt quả tang.

Gây hậu quả nghiêm trọng

Viện KSND tỉnh Đồng Tháp kết luận, đây là vụ án vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bị can Nguyễn Hồng Lâm và Ngô Xuân Cảnh biết rõ giấy phép khai thác cát tại bãi bồi Thường Thới Tiền của Công ty Ngự Bình đã hết hạn nhưng vẫn thống nhất cho Công ty Ngự Bình được bán cát cho các cá nhân tự dùng phương tiện bơm hút và khoáng cho 3 phương tiện vào khai thác.

Bị can Nguyễn Quốc Hưng và Dương Trung Kỉnh không trực tiếp gây ra hậu quả nhưng thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý tài nguyên nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tạo điều kiện cho Công ty Ngự Bình và các bị can Mương, Hải và Sơn khai thác cát trái phép trong một thời gian dài, gây thiệt hại về tài nguyên với số tiền trên 12 tỷ đồng 

Văn Vĩnh
.
.
.