Tranh cãi quyết liệt thiệt hại của Vinasun trong vụ kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng

Thứ Năm, 22/11/2018, 16:02

Ngày 22-11, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ kiện dân sự "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam), sau một thời gian tạm ngưng nhằm xác định chính xác thiệt hại của Vinasun.


Tại phiên xử lần này, HĐXX thông báo trong thời gian tạm ngừng phiên tòa, toà án đã có văn bản yêu cầu Công ty giám định Cửu Long giải thích kết luận giám định về thiệt hại của Vinasun do Grab gây ra.

 Cụ thể, toà án yêu cầu công ty giám định giải thích các căn cứ để kết luận cổ phiếu Vinasun liên tục giảm do các thông tin bất lợi từ Grab, Uber; về giảm giá trị vốn hoá thị trường của Vinasun trong thời kỳ nghiên cứu (từ tháng 1-2016 đến hết tháng 6-2017) liên quan đến Chứng thư giám định ngày 20-8-2018.

Đại diện Vinasun
Đại diện Grab
Quang cảnh phiên toà

Theo văn bản trả lời của Công ty Cửu Long cho toà án: việc xác định nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc giảm giá cổ phiếu Vinasun là dựa vào các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán Bản Việt, Rồng Việt, MB có từ quý 2/2016. 

Theo đó, dấu hiệu về sự ảnh hưởng của Grab, Uber đến hoạt động kinh doanh của Vinasun bắt đầu được các công ty chứng khoán lưu ý khi doanh nghiệp này kết thúc kết quả kinh doanh quý 2/2016. Kết quả báo cáo phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt phát hành ngày 3-10-2016 thì doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 tăng ở mức 8,3% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng lợi nhuận hoạt động đã giảm 11,9%. Nguyên nhân chủ yếu là do Vinasun phải tăng chiết khấu và ưu đãi cho tài xế nhằm giữ chân tài xế thay vì chuyển sang làm việc cho Grab, Uber. Công ty chứng khoán Bản Việt bắt đầu khuyến nghị khách hàng cần thận trọng trong đầu tư cổ phiếu Vinasun do các rủi ro tiềm ẩn từ chiến lược cạnh tranh giá rẻ của các đối thủ Uber, Grab.

Còn theo báo cáo phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt ngày 8-11-2016, đánh giá: Biên lợi nhuận của Vinasun đang đứng ở mức thấp trong ngành và có xu hướng sụt giảm. Điều này là bối cảnh chung của toàn ngành do sự đổ bộ của Uber, Grab trong vòng 2, 3 năm trở lại đây. Công ty chứng khoán Rồng Việt duy trì mức đánh giá thận trọng theo dõi đối với cổ phiếu Vinasun. Báo cáo phân tích của công ty chứng khoán MB ngày 28-8-2017 thì đánh giá: Vinasun có kết quả kinh doanh đang sụt giảm do cạnh tranh gay gắt từ Grab, Uber...

Công ty giám định Cửu Long cho biết, báo cáo phân tích của 3 công ty chứng khoán đều đưa ra một nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm, giá cổ phiếu sụt giảm của Vinasun là do sự cạnh tranh gay gắt từ hoạt động của Grab, Uber. Đây là những đánh giá khách quan, khoa học từ các công ty chứng khoán hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Công ty Cửu Long không tự mình đưa ra các số liệu giảm giá cổ phiếu của Vinasun trên thị trường mà căn cứ vào các báo cáo của các công ty trên. Đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về giám định, thẩm định. 

Theo đó, để nhận định tác động của Grab, Uber lên trị giá cổ phiếu của Vinasun, công ty đã nghiên cứu các báo cáo phân tích đánh giá cổ phiếu của Vinasun của các công ty môi giới chứng khoán hoạt động trên thị trường nơi Vinasun niêm yết. Tổng quan chung, các công ty chứng khoán đều nhận định ngành vận tải taxi trong giai đoạn 2016-2016 có tốc độ tăng trưởng cao nhưng Vinasun cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.

Ngược lại, doanh thu của Grab và sản lượng khai thác các chuyến xe đều tăng rất nhanh. Điều đó cho thấy, sự xâm nhập của thị trường vận tải của Grab là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, giá trị doanh nghiệp... của các hãng taxi truyền thống, trong đó có Vinasun. Chính sự tác động tiêu cực của Grab đối với Vinasun dẫn đến cổ phiếu của Vinasun bị giảm sút như các công ty chứng khoán đưa ra là hoàn toàn có căn cứ. Từ đó, công ty Cửu Long khẳng định, có đủ cơ sở khoa học để xác định: yếu tố tác động tiêu cực duy nhất tới cổ phiếu của Vinasun trong kỳ nghiên cứu là sự xuất hiện của Uber, Grab cùng chiến lược giá rẻ, khuyến mãi cho khách hàng, hỗ trợ tài xế đã gây áp lực lên thị phần, lợi nhuận của Vinasun.

Tại tòa, đại diện Vinasun đồng ý với cách giải thích của Công ty Cửu Long.

Phản biện lại cách giải thích này, đại diện Grab cho rằng các báo cáo của 3 công ty chứng khoán có những thông tin không chính xác. Mục đích các báo cáo viết ra là để phục vụ đối tác, khách hàng chơi chứng khoán. Trong báo cáo cũng nêu các công ty này không chịu trách nhiệm trước những thông tin không chính xác và khuyến cáo có những mâu thuẫn lợi ích giữa các công ty. Kết luận giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long chỉ mang tính chất tham khảo, không hợp lý và không được kiểm chứng.

Bác bỏ ý kiến của Grab, đại diện Vinasun cho rằng, kết luận giám định của công ty giám định Cửu Long là có cơ sở, đã trải qua quá trình nghiên cứu, phân tích dài. Các số liệu trên là một trong những cơ sở chứng minh thiệt hại của Vinasun chứ không phải là căn cứ duy nhất. Việc Grab gây thiệt hại cho Vinasun đã được chứng minh qua các phiên tòa trước đó: Grab vi phạm pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun...

Phiên toà sẽ tiếp tục vào chiều 23-11.

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.