Tội phạm trên facebook: Không thể giấu được bàn tay vô hình

Thứ Sáu, 19/06/2015, 08:42
Liên tiếp những ngày vừa qua, những đối tượng phạm tội trên mạng facebook bị lật tẩy. Từ nói xấu, bôi nhọ nhau để thỏa mãn nhu cầu cá nhân đến lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Sở dĩ các đối tượng coi facebook là công cụ để phạm tội, bởi chúng nghĩ, thông tin trên mạng là “ảo”, khi chúng rút tay ra khỏi bàn phím, lập tức chúng “vô hình”. Nhưng, liệu có giấu được bàn tay đã “nhúng chàm” hay đó chỉ là ảo tưởng của những kẻ coi thường pháp luật?
Xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, mạng xã hội facebook giờ không chỉ là nơi giao lưu, tìm hiểu mọi thứ liên quan đến mỗi cá nhân (giới tính, tôn giáo, trường học, sở thích trên nhiều lĩnh vực) mà hơn thế nữa nó còn mang lại lợi ích thương mại...

Chỉ cần một cú nhấp chuột, người dùng có thể thể hiện bản thân, với những chia sẻ hình ảnh và video, cập nhật thường xuyên các hoạt động và suy nghĩ của bản thân. Cũng chính vì sự liên kết cộng đồng rộng rãi, nhanh chóng này, nhiều đối tượng đã sử dụng facebook như một công cụ phạm tội từ lừa đảo, trộm cắp, thậm chí là giết người… khiến cơ quan Công an bận rộn hơn trong việc đấu tranh, bắt giữ tội phạm giấu mặt.

Một trong những vụ án “đình đám” được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua đó là việc Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an bắt giữ Trần Thị Hương Giang, có nickname Tuyết Anh Trần, Huyền Nguyễn về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trên mạng xã hội Facebook.com đã gây xôn xao dư luận.

Theo điều tra ban đầu thì nguyên nhân của việc Trần Thị Hương Giang bôi xấu, hạ nhục, thậm chí đe dọa chị Trương Thị Phượng (Phượng chanel) bắt nguồn từ mối quan hệ giữa chị Phượng với một người đàn ông ở Đồng Nai, người này sau đó lại là bạn trai của Giang. Chính vì vậy, Giang tức tối, chĩa mũi dùi vào chị Phượng để bêu xấu chị này từ hình thể đến công việc làm ăn...

Cán bộ Cục Cảnh sát hình sự đọc lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang.

Lúc bị bắt, Trần Thị Hương Giang vẫn hết sức bình tĩnh, thậm chí lớn tiếng rằng mình không có tội. Sở dĩ Giang tự tin như vậy vì cô ta nghĩ rằng, tài khoản facebook trên được lập từ nước ngoài nên cơ quan công an không thể điều tra được. Thêm vào đó, cùng trong ngày, sau khi cơ quan công an bắt giữ Trần Thị Hương Giang thì đến tối, trên facebook Tuyết Anh Trần, đăng một status với nội dung "Tuyết xinh" - tên tự xưng của một kẻ trong "tập đoàn thánh bóc" vẫn ở Mỹ, đang ung dung ăn yến.

Đối tượng trên cũng như Trần Thị Hương Giang vẫn khá tin tưởng rằng tài khoản lập ở nước ngoài thì cơ quan điều tra không “lần” ra được. Trên thực tế, các điều tra viên cho biết, đã xác định được đối tượng đồng phạm với Giang, đang củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngay sau khi Giang bị bắt, chỉ vài ngày sau, ngày 16/6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có “đại bản doanh” tại TP Hồ Chí Minh. Các đối tượng trong ổ nhóm trên đã sử dụng mạng Internet trong đó có facebook làm công cụ phạm tội của mình.

Cụ thể, chúng rao bán đồ điện tử, nhà đất trên mạng với giá rẻ để đánh vào tâm lí hám lợi của nạn nhân, dùng CMND giả để mở tài khoản, yêu cầu bị hại chuyển tiền đặt cọc rồi tiếp tục làm giả các chứng từ chuyển hàng để nạn nhân tin tưởng chuyển nốt tiền. Sau khi nhận được tiền, chúng đóng facebook, tắt điện thoại rồi “biến mất”. Chúng không ngờ, dù che chắn kỹ lưỡng nhưng không thể thoát.

Cách đây mấy tháng, khi Iphone 6 vừa mới ra đời, Trần Quốc Hưng ở TP Bắc Giang đã rao bán trên facebook với giá chỉ bằng hơn nửa giá thị trường. Các bị hại đổ xô vào mua, gửi tiền đặt cọc cho Hưng. Khi số tiền lên đến gần 400 triệu đồng, Hưng cũng đóng tài khoản facebook, vứt điện thoại không liên lạc nữa.

Hưng tưởng rằng, khi mình đã “mất tích” như vậy, không ai tìm thấy được nhưng cậu ta không ngờ, dù mạng ảo nhưng trách nhiệm hình sự là thật. Đến khi bị bắt, Hưng mới biết rằng cho dù có xóa dấu vết cũng không thoát được trách nhiệm hình sự.

Không chỉ dùng facebook để lừa đảo, bôi xấu người khác, thời gian gần đây, một số đối tượng còn sử dụng để triệt hạ đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh trong làm ăn, kinh doanh. Điển hình như sự việc của Công ty THP thời gian vừa qua, từ chuyện một anh nông dân tống tiền doanh nghiệp vì con ruồi trong sản phẩm, ngay sau đó, trên facebook đã có hẳn một hội tẩy chay các sản phẩm của doanh nghiệp này khiến THP thiệt hại nghiêm trọng. Hay trong vụ “tập đoàn thánh bóc” bôi xấu các ca sĩ, người mẫu, các đối tượng còn lập hẳn một fan page tẩy chay các sản phẩm mà Hồ Ngọc Hà làm đại diện mặc dù các sản phẩm này chả liên quan gì đến đời tư của ca sĩ Hồ Ngọc Hà.

Liệu có giấu được “bàn tay đen” sau những chuyện bôi nhọ, lừa đảo, triệt tiêu đối thủ làm ăn? Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, trên mạng Internet, dù là “ảo” nhưng bao giờ cũng để lại dấu vết.

Nhiều đối tượng xóa dữ liệu, vứt bỏ sim điện thoại, thậm chí lập tài khoản facebook ở nước ngoài để dùng làm công cụ phạm tội. Nhưng chúng không biết rằng, cho dù thủ đoạn tinh vi thì cũng sẽ bị lật tẩy, trước hay sau cũng sẽ bị bắt và trả giá nghiêm khắc trước pháp luật. Đây cũng là lời cảnh báo đối với những kẻ định sử dụng mạng xã hội làm phương tiện phạm tội của mình.

T. Hòa - P. Thủy
.
.
.