Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Tấn công liên tục gắn với chủ động phòng ngừa

Thứ Năm, 25/06/2020, 08:48
Có thể nói, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã và đang diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..; đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.


Hơn chục nghìn đối tượng lừa đảo đã bị khởi tố

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu người dân nộp tiền vào các tài khoản ngân hàng để kiểm tra tính hợp pháp của số tiền trong tài khoản hoặc giả danh, liên kết với đối tượng người nước ngoài làm quen qua mạng xã hội, vờ yêu đương, hứa hẹn gửi tiền, quà có giá trị cao rồi giả mạo nhân viên hải quan, sân bay lừa nạn nhân nộp tiền dịch vụ vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn trúng thưởng; chiếm đoạt quyền kiểm soát các tài khoản mạng xã hội, hộp thư điện tử rồi lừa đảo; thiết lập các website ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản thẻ ngân hàng; giả danh cơ quan điều tra yêu cầu người dân truy cập vào website giả mạo của Bộ Công an xem các thông tin giả về việc phạm tội để hù dọa nhằm lừa chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định rồi chiếm đoạt…

Với đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng các địa chỉ truy cập ảo, sử dụng giao thức volIP cũng như kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội facebook, zalo, viber…vv... các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, tố giác hoặc cơ quan chức năng theo dõi, chúng xóa bỏ dữ liệu, hủy bỏ thiết bị, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định đối tượng phạm tội cũng như quá trình củng cố, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Các đối tượng Frank Ikennia, Bede Osuchuku, Ngô Thị An.

Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự liên kết của đối tượng trong nước và đối tượng người nước ngoài, hoạt động phạm tội được thực hiện cả trong nước và trên lãnh thổ nước khác. Kết quả phối hợp xác minh thu thập thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ thông qua hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung và tương trợ tư pháp hình sự nói riêng còn hạn chế, kéo dài, nhiều vụ án không có kết quả trong thời hạn điều tra nên phải tạm đình chỉ…

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 421/KH-BCA ngày 9-12-2019 chỉ đạo các Cục nghiệp vụ, Công an các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, phối hợp các ngành, các cấp, các lực lượng tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để người dân biết, chủ động phòng ngừa và kịp thời phản ánh thông tin hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan chức năng, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Cục truyền thông CAND tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm.

Đồng thời phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (Viettel, Vinaphone, MobiFone…) gửi tin nhắn cảnh báo đến các thuê bao điện thoại di động về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm và số điện thoại đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình sự: 069.2348560.

Trong công tác điều tra, bắt giữ, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự tăng cường hướng dẫn, phối hợp Công an nhiều địa phương trong nhận định, đánh giá tài liệu, chứng cứ và các vấn đề liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xây dựng kế hoạch điều tra, phối hợp xác minh truy bắt đối tượng phạm tội, thu thập thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội theo quy định pháp luật.

Trong 5 năm 2015-2019, toàn quốc đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỉ đồng.

Hàng loạt kẻ cầm đầu, đối tượng người nước ngoài đã bị bắt giữ

Trước đây, trong nhiều vụ án lừa đảo, Công an một số đơn vị tiến hành điều tra và thường chỉ dừng lại được ở việc phát hiện các đối tượng trung gian, cho thuê hoặc bán tài khoản cho các đối tượng nhận tiền chiếm đoạt được của các bị hại.

Có những vụ, chúng ta đã bắt được các đối tượng người Việt Nam giả danh các nhân viên hải quan, sân bay… dụ người bị hại chuyển tiền lệ phí để nhận những thùng quà ảo từ bên kia biên giới. Nhưng truy tìm, bắt được các đối tượng phạm tội người nước ngoài, các đối tượng cầm đầu không nhiều.

Thời gian gần đây, với sự phối hợp chặt chẽ của các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an với Công an các đơn vị, địa phương, trong nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng ta lần ra và bắt giữ được gần như trọn vẹn cả ổ nhóm tội phạm, cả những kẻ cầm đầu, cả những đối tượng người nước ngoài. Chỉ từ tháng 3-2020 đến nay, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Quảng Nam triệt phá, bắt giữ 17 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng người nước ngoài.

Sau khi nhận được đơn trình báo của chị Đ. T. T, ở tỉnh Lào Cai về việc bị lừa 538 triệu đồng thông qua mạng xã hội facebook (nộp tiền phí nhận quà gửi từ nước ngoài), Công an tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự tiến hành điều tra. Lần theo các đầu mối, dù rất mong manh, nhưng với trình độ nghiệp vụ và công nghệ của Cảnh sát Việt Nam, Ban chuyên án đã phối hợp với Cảnh sát Campuchia bắt giữ được 5 đối tượng trong đường dây lừa đảo đang sinh sống bên Campuchia.

Trong số này có 2 đối tượng người Nigieria thuộc diện cầm đầu, đó là Otujieme Frank Ikennia và Osuchukwu Bede Okwudiri. Hai đối tượng này câu kết với nhau, thoả thuận đối tượng nào làm quen, cung cấp được số điện thoại của bị hại thì được hưởng 73%, còn đối tượng nào đóng vai nhân viên vận chuyển gọi điện nhận tiền của bị hại thì được hưởng 27%. Sau đó, các đối tượng này lại lợi dụng các cô người tình của mình để đóng vai nhân viên vận chuyển, tuy nhiên số tiền các cô được hưởng chỉ là 5%.

Qua đấu tranh khai thác, cơ quan điều tra đã làm rõ, ngoài vụ lừa đảo 538 triệu của chị Đ.T.T, các đối tượng còn lừa hàng trăm phụ nữ khác ở 52 tỉnh, thành phố khác nhau. Số tiền chúng chiếm đoạt được từ Việt Nam thuê dịch vụ đổi sang USD rồi chuyển sang Campuchia cho chúng. Bọn chúng cứ đinh ninh ở ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ an toàn, nào ngờ, vẫn bị Cảnh sát Việt Nam tóm gọn… 

Liên tục các đối tượng bị lực lượng Công an bắt giữ như vậy, nhưng thực tế, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là các vụ lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân là do siêu lợi nhuận của các cú lừa đảo này, do người bị hại thiếu cảnh giác và vẫn còn nhiều khe hở trong quản lý của các cấp, ngành chức năng.    

Nhật Quang- Minh Hiền
.
.
.